Thứ Năm, 11/06/2020 07:54

Cần chính sách “Chuyển đổi Công bằng” để tạo ra 20 triệu việc làm xanh

Khoảng 20 triệu việc làm có thể được tạo ra bằng cách đầu tư vào các chính sách hỗ trợ thiên nhiên và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai, mất an ninh lương thực, cũng như những thách thức lớn khác, theo một báo cáo mới vừa được Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố.

Cơ sở hạ tầng bền vững - nền tảng cho phục hồi kinh tế xanh ở ASEANViệt Nam và Hàn Quốc thảo luận hợp tác về chuyển đổi năng lượng xanhCAREC thống nhất sáng kiến mới về hợp tác phục hồi xanh

Công nhân lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, báo cáo “Việc làm thỏa đáng trong các Giải pháp dựa vào thiên nhiên” đã được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công bố tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15). Sự kiện đang được tổ chức tại thành phố Montreal (Canada) từ ngày 7 - 19/12.

Trong đó, báo cáo nhấn mạnh nhu cầu xanh hóa nền kinh tế theo một cách công bằng và toàn diện, tạo ra những cơ hội làm việc có ý nghĩa dành cho tất cả mọi người.

Nhận định về vấn đề này, ông Vic van Vuuren, Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp của ILO cho hay: “Điều quan trọng là khi chúng ta mở rộng quy mô sử dụng các Giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS), cần đảm bảo chúng ta không làm gia tăng tình trạng thâm hụt việc làm thỏa đáng, chẳng hạn như việc làm phi chính thức, lương thấp và điều kiện năng suất thấp mà nhiều người lao động trong NbS hiện đang phải đối mặt”.

Được biết, các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm mục đích bảo vệ, phục hồi và quản lý bền vững các vùng nước và các hệ sinh thái biển, đồng thời mang lại phúc lợi cho con người, khả năng phục hồi hệ sinh thái và lợi ích đa dạng sinh học.

Hiện tại, NbS sử dụng gần 75 triệu người lao động, 96% trong số đó sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn. Gần như tất cả việc làm NbS ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp hơn, tương ứng ở mức 98% và 99% thuộc lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp.

Trong khi đó, con số này giảm xuống còn 42% đối với các quốc gia có thu nhập trung bình cao hơn, và 25% đối với những quốc gia có thu nhập cao.

Tại các quốc gia công nghiệp hóa, nơi năng suất nông nghiệp cao, chi tiêu NbS tập trung vào phục hồi hệ sinh thái và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Các dịch vụ công đóng góp 37% việc làm NbS ở những quốc gia có thu nhập cao.

Đáng chú ý, thêm 20 triệu việc làm có thể sẽ được tạo ra trên toàn thế giới, nếu đầu tư vào NbS tăng gấp 3 lần vào năm 2030, một bước đi quan trọng hướng đến việc đạt được các mục tiêu về đa dạng sinh học, phục hồi đất và khí hậu, như những mục tiêu đã được nêu trong báo cáo “Tình trạng tài chính cho thiên nhiên” của LHQ vào năm 2021.

Trong một động thái liên quan, bà Susan Gardner, Giám đốc Chương trình Hệ sinh thái của UNEP khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh sự nhấn mạnh dành cho các Giải pháp dựa vào thiên nhiên tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) đã được tổ chức ở thành phố Sharm el Sheikh của Ai Cập”.

NbS không chỉ là một phần quan trọng của nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, mà còn mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cả việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, bà Susan Gardner nói thêm.

Qua đó, báo cáo kêu gọi thực hiện các chính sách “Chuyển đổi Công bằng”, bao gồm những biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã NbS; phát triển kỹ năng phù hợp; tích hợp NbS vào chương trình giảng dạy đại học; các chính sách phù hợp với NbS cùng những tiêu chuẩn lao động quốc tế và quốc gia, chẳng hạn như mức lương tối thiểu, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, bên cạnh các kênh đối thoại mang tính xây dựng.

Ngoài ra, những chính sách “Chuyển đổi Công bằng” cũng sẽ đóng vai trò cần thiết để giảm thiểu rủi ro đối với việc làm và sinh kế trong quá trình chuyển đổi sang các hoạt động bền vững hơn.

Lê Thảo (Lược dịch từ UN News & UNEP)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kênh Venice khô cạn, Italy tiếp tục đối mặt với nguy cơ hạn hán mới
Kênh Venice khô cạn, Italy tiếp tục đối mặt với nguy cơ hạn hán mới

Theo các nhà khoa học và các nhóm bảo vệ môi trường, thời tiết khô hạn ít tuyết trong nhiều tuần của mùa đông vừa qua đã làm dấy lên lo ngại rằng Italia có thể phải đối mặt với một đợt hạn hán khác sau tình trạng khẩn cấp vì hạn hán vào mùa hè năm ngoái. Được biết trong mùa đông mới đây, dãy núi Alps chỉ nhận được lượng tuyết rơi chưa bằng một nửa so với bình thường.

Hiệu ứng từ chính sách miễn phí giao dịch ngân hàng điện tử
Hiệu ứng từ chính sách miễn phí giao dịch ngân hàng điện tử

“Chuyển khoản nghe”, “quẹt thẻ hí” trở thành câu nói hết sức quen tai trong thời gian gần đây, khi nhiều người dù được coi là “lạc hậu” hay “mù công nghệ” cũng đã dần ‘nhập cuộc” với thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Truyền thông các chính sách bảo hiểm xã hội
Truyền thông các chính sách bảo hiểm xã hội

Nhân kỷ niệm 28 năm Ngày thành lập ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam (16/02/1995- 16/02/2023), ngày 16/2, BHXH tỉnh tổ chức nhiều hoạt động truyền thông thiết thực góp phần tạo động lực, tiền đề thúc đẩy các hoạt động truyền thông chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn.

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, có thể sẽ phải chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, bao gồm các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt, lũ lụt lớn và tình trạng hạn hán nghiêm trọng, đặt ra những thách thức đối với an ninh lương thực và an ninh năng lượng của quốc gia này.