Thứ Sáu, 16/02/2018 14:40

“Chết một mình” - Nỗi ám ảnh đau thương giữa đại dịch Covid-19

Steve Kaminski được đưa lên một chiếc xe cấp cứu gần nhà ở Upper East Side, New York vào tuần trước. Ông không bao giờ gặp lại gia đình mình nữa.

Cập nhật Covid-19: Thế giới hơn 21,5 triệu ca mắc, 767.738 ca tử vongNhật Bản tăng cường hợp tác quốc tế nghiên cứu và mua chung vaccine Covid-19Hàn Quốc và Australia điện đàm bàn về việc tham gia hội nghị G7Cảnh báo tình trạng tử vong do sử dụng thuốc lá không khói gia tăng

Kaminski qua đời vài ngày sau đó vì Covid-19. Vì lo sợ dịch bệnh lây lan, không một người khách nào, kể cả gia đình ông, được phép đến gặp Kaminski tại Bệnh viện Mt. Sinai trước khi ông qua đời.

Ảnh: CNN

Mitzi Moulds, người bạn đồng hành của Kaminski suốt 30 năm qua, tự cách ly và cũng đã mắc Covid-19 . Bà lo ông Kaminski có thể tỉnh dậy và nghĩ rằng bà đã bỏ rơi ông.Diane Siegel, con dâu của Kaminski, cho biết: “Điều này có vẻ rất lạ lùng. Làm sao một người nào đó có thể ra đi nhanh chóng đến thế và không có mặt gia đình?”

“Thành thật mà nói, tôi nghĩ ông ấy đã chết một mình. Ngay cả khi có một bác sĩ ở đó”, Bert Kaminski, một trong những người con trai của Steve, nói.

Khi đại dịch Covi-19 rình rập khắp nơi trên khắp thế giới, một trong những khía cạnh đáng sợ nhất là nó khơi dậy những nỗi sợ hãi ẩn sâu trong mỗi chúng ta, gặm nhấm bản năng nguyên thủy của chúng ta, thôi thúc chúng ta muốn được ở gần những người thân yêu khi họ đau khổ và cận kề cái chết.

Trong một hoàn cảnh trớ trêu, chính thứ chúng ta cần trong những lúc sợ hãi và lo lắng cũng có thể giết chết chúng ta.

Nhiều bệnh viện, viện dưỡng lão đã đóng cửa và đưa bệnh nhân Covid-19 vào khu cách ly để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Một bác sĩ gọi nó là “phiên bản y tế của biệt giam”.

Các linh mục thực hiện những nghi thức cuối cùng qua điện thoại trong khi các gia đình bất lực ở nhà.

Sự cô lập không chỉ đối với các bệnh nhân Covid-19. Amy Tucci, Chủ tịch Tổ chức chăm sóc cuối đời (Hospice Foundation) của Mỹ, ước tính rằng 40% bệnh nhân tuổi già cận kề cái chết đang ở trong bệnh viện hoặc viện dưỡng lão, nhiều nơi đã đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với người thăm viếng. Gia đình những người này cũng lo lắng về việc họ chết mà không có người thân bên cạnh.

Tiến sĩ tâm lý học Kristin Bianchi ở Maryland cho biết: “Đó là điều rất tự nhiên. Chúng ta muốn có mặt trong những giây phút cuối cùng của người thân. Chúng ta muốn nói lời tạm biệt cuối cùng của mình”.

“Những cái chết đơn độc” có thể ám ảnh chúng ta

Có điều gì đó về “chết một mình” có thể ám ảnh chúng ta. Với một số người, điều đó có thể cho thấy rằng cuộc sống của người đã khuất thiếu tình yêu thương, giá trị, và cuối cùng họ đã bị lãng quên.

Người Nhật có một từ để chỉ điều này: “kodokushi”, có nghĩa là “cái chết cô đơn”. Trong những ngày gần đây, khi các đám tang bị hủy hoặc hoãn lại vì dịch Covid-19, các nạn nhân của dịch bệnh dường như chỉ đơn giản là biến mất, giống như những người trong “The Leftovers”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế không đồng tình với ý kiến cho rằng có nhiều người đang chết mà không có người chăm sóc trong bệnh viện. Trong nhiều trường hợp, nhân viên bệnh viện luôn túc trực bên giường của bệnh nhân trong những giây phút cuối cùng của họ.

Đó có thể chưa phải là điều được như mong muốn, nhưng đó không hoàn toàn là những “cái chết cô đơn” mà chúng ta nghĩ đến.

Là một chuyên gia về phổi và là thành viên của Ủy ban Chăm sóc Tối ưu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Bác sỹ Emily Rubin đang ở tuyến đầu của đại dịch.

Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nơi gần đây có tới 41 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2, không tiếp nhận khách đến thăm ngoại trừ một số trường hợp hạn chế như sinh nở và trong một số trường hợp, bệnh nhân cận kề cái chết.

Trong một số trường hợp, bệnh viện có thể kết nối gia đình và bệnh nhân Covid-19 bằng hình thức điện tử thay vì gặp trực tiếp. Với các trường hợp khác, y tá và các nhân viên khác trong bệnh viện sẽ rất cảnh giác.

“Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, thì đạo lý không bỏ rơi con người cũng vẫn rất mạnh mẽ. Chúng tôi cảm thấy việc ở cùng các bệnh nhân vào phút cuối đời là một phần rất lớn trong những gì chúng tôi làm. Những người [bệnh nhân] trong bệnh viện không chết một mình”, Rubin nói.

Tuy nhiên, việc ở cùng bệnh nhân trong giai đoạn cuối của cuộc đời có thể tác động về mặt tinh thần và thể chất đối với các bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện khác, Rubin thừa nhận.

Tiến sĩ Daniela Lamas, một bác sĩ chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Brigham đã viết về điều đó trên New York Times.

“Hình ảnh tàn khốc về cái chết cô đơn của những bệnh nhân Covid-19 ở Italy đeo bám tất cả chúng tôi. Khi nói chuyện với một trong những y tá ở phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19, tôi hỏi cô ấy điều gì khiến cô ấy lo lắng nhất. Cô ấy đáp lại ngay rằng ‘những bệnh nhân chết một mình’”, Lamas viết.

Nhưng một số tuyên úy [một chức danh tôn giáo] trong các tổ chức chăm sóc cuối đời đặt câu hỏi về khái niệm “cái chết cô đơn”, nói rằng theo kinh nghiệm của họ, một số người muốn tự mình đi đến tận cùng.

“Tôi không nghĩ rằng chết một mình luôn là một điều tồi tệ. Những gì chúng tôi đã làm là biến nó thành điều gì đó khác đi”, Brandon Brewer, một tuyên úy của tổ chức chăm sóc cuối đời ở Maryland, nói.

Không còn những nghi thức cuối cùng

Theo các nhà tâm lý học, với “cái chết cô đơn”, chúng ta thực sự đang nói về hai điều riêng biệt, đó là: nỗi sợ rằng những người chúng ta yêu thương sẽ chết một mình và nỗi sợ rằng bản thân chúng ta sẽ đối diện với cái chết một mình.

Bianchi, thuộc Trung tâm Thay đổi Hành vi ở Rockville, Maryland, cho biết: “Nó tạo ra cho hầu hết mọi người cảm giác kinh hoàng”.

Kerry Egan, từng là một tuyên úy cho biết những người bị bỏ lại phía sau thường đau khổ hơn những người đã khuất. Theo Egan, chúng ta muốn ở bên cạnh để an ủi và giúp đỡ những người sắp chết, như thể chúng ta có thể làm giảm bớt đau khổ của họ.

“Mọi người cảm thấy tội lỗi. Tôi có thể làm gì tốt hơn? Làm sao tôi có thể dừng việc này lại? Đó chỉ là một phần của quá trình đau buồn thông thường”, Egan nói.

Đại dịch đang mang đến những cái chết nhanh chóng tới mức kinh ngạc ngày càng làm tăng thêm sự lo lắng. Nhiều người không thể đến bên giường của người thân để nói lời tạm biệt cuối cùng hoặc hàn gắn những mối hận thù cũ.

Các nghi thức cuối đời của thế tục và tôn giáo cũng bị bỏ qua. Chẳng hạn như chăm sóc người bệnh lúc cuối đời.

Bên cạnh đó, nhiều nhà tang lễ đã cắt giảm các hoạt động tưởng niệm, an táng cũng như các nghi thức khác dùng để tưởng nhớ những người đã ra đi.

Chết một mình khác với chết cô độc

Các tuyên úy nói rằng “chết một mình” xảy ra quá thường xuyên và là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Các thành viên trong gia đình sẽ luôn cảnh giác, họ dành hàng giờ, thậm chí hàng ngày bên giường bệnh của người thân của họ. Và sau đó, khi họ rời đi một lát để làm chút đồ ăn hoặc đi tắm, người thân yêu của họ qua đời.

Brewer, một tuyên úy ở Maryland, nói rằng, đôi khi đó không phải là sự trùng hợp mà là một quá trình có chủ đích.

Egan cũng đồng tình với quan điểm này: “Hãy hỏi bất cứ ai đã từng làm việc trong các trung tâm chăm sóc cuối đời và họ sẽ có hàng tá câu chuyện như vậy. Tôi nghĩ rất nhiều người muốn chết một mình”.

Nói cách khác, có sự khác biệt giữa chết một mình và chết cô đơn.

Theo ông Brewer, “Chết một mình không hẳn là chết mà không có tình yêu thương của người thân. Nó chỉ đơn giản là trong một số trường hợp, không có người khác trong phòng. Và nếu đó là những gì họ muốn, điều đó không sao. Nó không có nghĩa là họ đã bị bỏ rơi”.

Còn Egan thì cho rằng, theo một nghĩa nào đó, tất cả chúng ta đều chết một mình, ngay cả khi có người thân xung quanh. Thông thường, khi chúng ta chết, cơ thể chúng ta đang suy sụp và tâm trí của chúng ta ở nơi khác. Về bản chất, trải nghiệm có ý thức về cái chết là đơn độc.

Các tuyên úy cho rằng, hình ảnh trong phim về một người nào đó đang nói những lời cuối cùng trên giường bệnh với gia đình và người thân xung quanh chỉ là một “câu chuyện hư cấu dễ chịu”.

“Đó không phải là cách mà cái chết diễn ra. Nhiều người ra đi nhanh chóng  và cơ thể của họ bận làm việc khác (chứ không phải để nói lời cuối cùng)”, Egan nói.

Với gia đình Kaminski, họ nói lời tạm biệt cuối cùng qua điện thoại.

Trước khi Steve Kaminski qua đời, một y tá tại Mt. Sinai đã thiết lập một cuộc gọi nhóm để ông có thể nghe thấy giọng nói của gia đình mình lần cuối.

“Khuôn mặt ông rạng rỡ”, y tá nói với các thành viên trong gia đình khi mỗi người gửi lời tạm biệt đẫm nước mắt hoặc nói một cách vô vọng rằng họ có thể gặp ông khi ông rời bệnh viện.

Với chiếc máy thở, Kaminski không nói được gì.

Bert Kaminski, con trai của Steve, cho biết cha mình qua đời vài ngày sau đó, một kết thúc đột ngột và tuyệt đẹp cho 86 năm đầy sức sống.

Bert cho biết anh lấy lại được niềm an ủi từ bữa tối gần đây với cha và người bạn đời lâu năm của cha mình. Họ đến một nhà hàng Việt Nam, uống một chai Merlot và sau đó thưởng thức kem. Bert nhớ lại rằng cha anh là một người hào hiệp.

Kaminski nói: “Mọi người không nên xem nhẹ rằng vẫn còn có thời gian để ở bên người thân, đặc biệt là các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Điều này có thể đến rất đột ngột. Không một vị khách. Không có lời cuối cùng”.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.