Thứ Hai, 16/03/2020 18:56

Chuyển đổi giáo dục, tránh cuộc khủng hoảng học tập toàn cầu

Một trong những trọng tâm của tuần khai mạc Khóa họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) là một sự kiện nhằm tập trung sự chú ý mới vào cuộc khủng hoảng toàn cầu xung quanh việc học tập, và đề xuất các giải pháp giúp giáo dục phù hợp với thế kỷ XXI.

WB: “Khủng hoảng học tập” toàn cầu đe doạ tương lai giới trẻ

Học sinh tại một trường học ở thành phố Los Angeles, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tờ UN News vừa có cuộc phỏng vấn với ông Leonardo Garnier, cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục 2022, sự kiện đang diễn ra từ ngày 16-19/9 tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, Mỹ.

Trong bối cảnh nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, đại dịch COVID-19 đã gây ra những thiệt hại khôn lường đối với triển vọng giáo dục của trẻ em trên toàn thế giới, làm trầm trọng thêm các vấn đề về tiêu chuẩn sụt giảm, vốn đã tồn tại đối với hàng triệu trẻ em; ông Leonardo Garnier giải thích lý do tại sao việc quay lại cách dạy cũ không phải là một lựa chọn.

Bên cạnh đó, khi LHQ hiện đang giải quyết rất nhiều vấn đề địa chính trị lớn, như khủng hoảng khí hậu, đại dịch và cuộc xung đột tại Ukraine, thì giáo dục được chọn làm chủ đề chính trong năm nay, ông Leonardo Garnier giải thích, đây chính là thời điểm thích hợp, bởi vì khi kinh tế suy thoái, điều thường xảy ra là giáo dục sẽ không còn là vấn đề ưu tiên nữa. Thiệt hại mà điều này gây ra sẽ chỉ được thấy rõ sau vài năm. Nếu nhìn lại cuộc khủng hoảng giáo dục những năm 1980, thì phải đến những năm 1990 và những năm 2000, thế giới mới bắt đầu thấy các quốc gia đã thua thiệt như thế nào do thiếu đầu tư vào giáo dục. Những gì đã được chứng kiến ở nhiều nơi trên thế giới là lạm phát đình trệ và ngân sách giáo dục bị cắt giảm đáng kể. Tỷ lệ nhập học giảm, số lượng giáo viên giảm, và nhiều trẻ em bỏ lỡ cơ hội giáo dục.

Điều đó đồng nghĩa rằng, ở nhiều quốc gia, chỉ có khoảng một nửa lực lượng lao động đã hoàn thành bậc tiểu học. Khi nhìn vào sự gia tăng của nghèo đói và bất bình đẳng ở nhiều quốc gia, rất khó để bỏ qua sự liên hệ giữa điều này với những cơ hội giáo dục bị thu hẹp trong những năm 1980 và 1990.

"Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, chúng tôi muốn gửi đi thông điệp rằng, nếu chúng ta thực sự muốn mọi người trẻ trên hành tinh có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng, chúng ta phải thực hiện một cách khác biệt, phải chuyển đổi các trường học, cách giảng dạy của giáo viên, cách sử dụng tài nguyên kỹ thuật số, cũng như cách chúng ta tài trợ cho giáo dục", cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ lập luận.

Liên quan đến tầm nhìn về một hệ thống giáo dục phù hợp với thế kỷ XXI, ông Leonardo Garnier cho rằng, cần những nền tảng cơ bản của giáo dục như khả năng đọc và viết, tính toán, tư duy khoa học; đồng thời cũng cần những “kỹ năng của thế kỷ XXI”… Bên cạnh đó, giáo viên cần truyền thụ kiến ​​thức bằng cách khơi dậy sự tò mò, giúp học sinh giải quyết vấn đề, và hướng dẫn các em trong suốt quá trình học tập. Tuy nhiên, để làm được điều đó, giáo viên cần có sự đào tạo tốt hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, và mức lương tốt hơn.

Theo đó, các tài nguyên kỹ thuật số là những gì mà các nhà kinh tế gọi là hàng hóa công cộng, chúng đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư để được sản xuất, và không hề rẻ; song, một khi chúng được sản xuất, mọi người đều có thể sử dụng. "Chúng tôi mong muốn các tài nguyên học tập kỹ thuật số sẽ được chuyển đổi thành hàng hóa công cộng, để mọi quốc gia có thể chia sẻ tài nguyên của mình với các quốc gia khác", ông Leonardo Garnier nói thêm; đồng thời khẳng định: “Tiềm năng đang ở đây, nhưng chúng ta cần kết hợp mọi thứ lại với nhau, thành một quan hệ đối tác về các tài nguyên học tập kỹ thuật số”.

LÊ THẢO

 (Lược dịch từ UN News)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022
Thực trạng giáo viên nghỉ việc năm học 2021-2022

Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng nghìn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục,... Đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.

7 năm tù cho kẻ chém người dã man do mâu thuẫn
7 năm tù cho kẻ chém người dã man do mâu thuẫn

Chiều 21/2, TAND tỉnh mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án “Giết người” đối với bị cáo Nguyễn Đình Anh (SN 1972), trú tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.

Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ
Giáo dục con cái từ tấm gương bố mẹ

Qua thực tế giáo dục con trẻ mới thấm lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Dạy con bằng chính tấm gương của bố mẹ là một trong những phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh chủ động đổi mới, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) nhằm xây dựng, hình thành hệ sinh thái số GDNN, đáp ứng nhu cầu của người học trong nền kinh tế số, xã hội số.