Thứ Năm, 25/06/2020 14:26

Đông Nam Á: Thương mại xã hội sẽ đóng góp 42 tỷ USD cho thị trường thương mại điện tử

Đầu tiên, thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội sẽ đóng góp 34 tỷ USD cho Đông Nam Á trong năm 2022.

TikTok tiếp cận thị trường Đông Nam Á thông qua thúc đẩy thương mại điện tửẤn Độ dẫn đầu châu Á-Thái Bình Dương về thu hút các khoản đầu tư vào fintech

Cube Asia, một công ty nghiên cứu thị trường về nền kinh tế trực tuyến có trụ sở tại Singapore vừa công bố báo cáo đầu tiên về thị trường thương mại xã hội đang bùng nổ của Đông Nam Á. Với tiêu đề “Thương mại xã hội ở Đông Nam Á năm 2022”, báo cáo của Cube Asia chỉ ra, các trải nghiệm xã hội sẽ trực tiếp đóng góp 42 tỷ USD vào doanh số thương mại điện tử ở khu vực này vào cuối năm 2022.

Xu hướng mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng nở rộ. Ảnh minh họa: Ad Age/thesaigontimes.vn

Được biết, các ước tính nói trên đã được tổng hợp từ nhiều nguồn, trong đó có các cuộc khảo sát trực tuyến trên hơn 15.000 người trả lời đến từ Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Theo Cube Asia, đại dịch COVID-19 đã làm tăng đáng kể thời gian của người dùng trên các nền tảng xã hội, đồng thời phát triển các cơ hội dài hạn hơn trong thương mại điện tử. Có thể thấy, gần 15% thương mại điện tử của Singapore là kết quả của thương mại diễn ra trên các nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử cũng đang cố gắng giới thiệu các tính năng xã hội như mua sắm trực tiếp (live shopping) để làm cho nền tảng của riêng họ trở nên hấp dẫn hơn, đây là một hình thức thương mại xã hội khác được dự báo sẽ phát triển.

Những xu hướng nói trên đang làm cho không gian này trở nên phức tạp hơn, khiến các thương hiệu khác nhau đặt ra những câu hỏi giống nhau về thương mại xã hội, đó là những câu hỏi liên quan đến quy mô, tính khả thi, khả năng sinh lời, cũng như những nền tảng có thể giúp họ mở rộng quy mô…

Để giải quyết những câu hỏi này, Cube Asia đã thực hiện sáng kiến nghiên cứu bằng cách phân tích một cách có hệ thống 4 yếu tố xã hội khác nhau trong thương mại điện tử tạo nên thị trường thương mại xã hội.

Thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội

Đầu tiên, thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội sẽ đóng góp 34 tỷ USD cho Đông Nam Á trong năm 2022. Đây là lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho thương mại xã hội và đề cập đến bất kỳ hình thức hoạt động bán hàng nào diễn ra trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, và ảnh hưởng lớn bởi các khía cạnh xã hội từ mối quan hệ của con người như giao tiếp thời gian thực, tính xác thực, sự tin cậy và cộng đồng.

Mặc dù Facebook và Instagram đã có sự khởi đầu sớm cho thương mại trên nền tảng xã hội, họ đang tụt lại phía sau TikTok, hiện là “ngôi sao đang lên” khi nền tảng này cung cấp một số tính năng và giải pháp đặc biệt.

Thương mại đối thoại

Thứ hai, thương mại đối thoại đóng góp trực tiếp 12 tỷ USD trong khu vực, nơi khách hàng lựa chọn sản phẩm và thanh toán trực tiếp trên ứng dụng nhắn tin. Thương mại đối thoại là một hình thức phổ biến của thương mại xã hội, bao gồm toàn bộ hành trình thương mại điện tử và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Hình thức thương mại xã hội này là một trong những xu hướng thương mại xã hội sôi động và hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á. Tại các thị trường như Singapore, trung tâm kỹ thuật số của Đông Nam Á, 45% người dùng Internet đang mua sắm trên các ứng dụng nhắn tin, trong đó thương mại đối thoại được cho là phổ biến nhất đối với những người dùng WhatsApp và Facebook Messenger.

Ông Florian Zenner, Phó Chủ tịch cao cấp của Công ty Sprinklr tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản cho biết: “Đại dịch đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng mãi mãi, thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số, đồng thời nâng cao tầm quan trọng của thương mại điện tử trên khắp Đông Nam Á”.

Doanh số mua sắm trực tiếp

Thứ ba là doanh số mua sắm trực tiếp ở Đông Nam Á đã tăng hơn gấp 10 lần lên mức 13 tỷ USD trong năm nay. Đáng chú ý, 44% người dùng Internet trong khu vực đã tham gia vào hoạt động mua sắm trực tiếp trong 12 tháng qua, với những người dùng tích cực nhất ở Việt Nam và Thái Lan, nơi 60% những người được hỏi đã thực hiện việc mua hàng.

Các biện pháp hạn chế đi lại trong giai đoạn đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhu cầu về những trải nghiệm tương tự như trải nghiệm trực tiếp bằng việc phát video trực tiếp trên Facebook, Instagram và TikTok, bao gồm các tương tác hình ảnh trực quan theo thời gian thực và giới thiệu sản phẩm.

Nền tảng mua theo nhóm cộng đồng

Cuối cùng là nền tảng mua theo nhóm cộng đồng, hiện là hình thức đóng góp nhỏ nhất cho thương mại điện tử, với thị phần 2-3% ở Đông Nam Á. Nhiều công ty khởi nghiệp bán lẻ mới đã cố gắng sử dụng động lực cộng đồng hoặc nhóm để thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực.

Nền tảng này đem đến một kênh phân phối khác cho các thương hiệu, cũng như những cách thức mới để mua sắm sản phẩm đối với người tiêu dùng,… Đây là một hình thức sẽ không làm thay đổi hoàn toàn bối cảnh thương mại điện tử của khu vực, nhưng sẽ tiếp tục là cơ hội thú vị dành cho các thương hiệu mới nổi có ý thức về chi phí, hay những thương hiệu hiện tại đang tìm cách xâm nhập vào các thị trường mới.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Cube Asia)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy xuất nhập khẩu
Gỡ 'điểm nghẽn' để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Mặc dù thủ tục hành chính ở nhiều bộ ngành liên quan đến thương mại hàng hoá xuyên biên giới đã được cải thiện, tuy nhiên doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp không ít khó khăn khi tuân thủ quy trình.