Gánh hàng rong bán bánh gạo ở Philippines. Ảnh: Bloomberg
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, các khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á sản xuất và tiêu thụ hơn 80% lượng gạo trên thế giới.
Ngược lại, nguồn cung lúa mì, bắp và dầu thực vật đang gặp gián đoạn do giao tranh ở Ukraine - nước xuất khẩu hàng đầu những nông sản này. Người dân chuộng bánh mì, như ở Ai Cập và Lebanon, chịu ảnh hưởng nặng nề. Giá khí đốt, thức ăn chăn nuôi và phân bón tăng vọt cũng khiến các sản phẩm như đậu nành và thịt gà "đắt xắt ra miếng", góp phần làm gia tăng nạn đói toàn cầu.
Tình hình trên khiến ông Josef Schmidhuber, Giám đốc bộ phận thương mại và thị trường của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), nhận định: "Gạo chính là mỏ neo của thời điểm hiện tại. Gạo mang đến sự ổn định cho an ninh lương thực toàn cầu".
Ông Sharif Bukhari, chủ nhà hàng biryani (một món cơm) ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ, nói rằng ông ăn cơm ở nhà nhiều hơn vì giá bánh mì tăng. Hay trường hợp của cô Jennifer Jasme, nhân viên dịch vụ khách hàng ở Philippines, gia đình cô ít đi ăn ở ngoài hơn và thường tự nấu. Không như giá thịt bò hay thịt gà, giá gạo hiện tại vẫn không đổi, cô Jasme nói.
Dữ liệu sơ bộ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy lạm phát ở châu Á trong tháng 5 chỉ tăng hơn 4%, bằng khoảng 1/2 so với Mỹ và khu vực đồng euro, khoảng 1/4 so với châu Mỹ Latin và khu vực châu Phi cận Sahara. ADB nhận định tỉ lệ lạm phát ở châu Á tương đối thấp một phần do giá gạo ổn định.
Tính đến giữa tháng 6, giá bắp và lúa mì toàn cầu tăng 27% và 37% so với tháng 1. Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới, giá gạo thấp hơn khoảng 17% và lý do chính là nhờ nguồn cung dồi dào. Dữ liệu của FAO cho thấy sản lượng thu hoạch tốt ở những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới - Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan - giúp sản lượng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái với 521 triệu tấn. Vụ mùa năm nay dự kiến đạt gần 520 triệu tấn.
Giữa lúc giá phân bón và nhiên liệu tăng cao, chính phủ các nước châu Á cung cấp những khoản hỗ trợ lớn cho người trồng lúa, giúp ổn định sản xuất. Theo FAO, Iran và Iraq đã mua thêm gạo từ nước ngoài. Tổ chức này cho biết các nước châu Phi sẽ nhập khẩu thêm 10% gạo trong năm 2022, đưa lượng gạo nhập khẩu lên mức cao nhất mọi thời đại là 19,4 triệu tấn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho biết gạo không đủ để giải quyết nạn đói toàn cầu. Phần vì vài giống lúa đắt hơn lúa mì, ngoài tầm tay nhiều người nghèo trên thế giới. Thêm nữa, một số nước áp thuế nhập khẩu cao đối với các loại ngũ cốc, trong đó có gạo, để hỗ trợ sản xuất trong nước. Đó là chưa kể giá gạo thấp cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dài hạn. Lợi nhuận từ gạo thấp nên một số nông dân Nhật Bản và Indonesia dự tính chuyển sang trồng lúa mì, đậu nành, đậu phộng...
Theo Người Lao động