Chủ Nhật, 07/04/2013 19:49

Hiệp định TPP tác động thế nào đến các nước châu Á ?

Sau 5 năm đàm phán đầy khó khăn, ngày 5/10 vừa qua, 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã tuyên bố chính thức hoàn tất quá trình đàm phán. Đây được coi là “Hiệp định kinh tế của thế kỷ 21”, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, xác lập tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu, và có tác động không nhỏ đến các nước châu Á.

Ngành dệt may Việt Nam dự đoán sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định TPP. Ảnh: Cogitasia.

Được coi là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử, TPP sẽ hạ hàng rào thuế quan và các dạng bảo hộ khác ở 12 quốc gia tham gia Hiệp định, với tổng GDP khoảng 30.000 tỷ USD, chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, TPP cũng tác động đến cả các nước không nằm trong thoả thuận, khi có thể khiến các nhà sản xuất ô tô và cung ứng phụ tùng xe hơi tại Hàn Quốc và Trung Quốc phải lo lắng... Chỉ riêng ở châu Á, “sân chơi” TPP sẽ mang lại nhiều phản ứng trái chiều từ những kẻ được – người mất trong khu vực này.

Các nước hưởng lợi

Trong một bài phân tích của hãng tin kinh tế tài chính lớn nhất thế giới Bloomberg mới đây, Việt Nam được công ty nghiên cứu Eurasia Group đánh giá nằm trong nhóm những nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Theo Eurasia, TPP có thể sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 11%, xuất khẩu tăng thêm 28% trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025.

Nhà Trắng ước tính, TPP sẽ loại bỏ 18.000 thuế quan đối với hàng hóa Mỹ. Theo đó, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cho rằng, việc giảm thuế nhập khẩu vào thị trường Mỹ đối với các mặt hàng may mặc và giày dép, vốn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sẽ là một thuận lợi lớn so với mức thuế 17-32% hiện nay. Mặc dù sẽ phải đối mặt với những quy định nghiêm ngặt hơn về nguồn gốc xuất xứ của nguyên vật liệu, nhưng ngành dệt may Việt Nam sẽ được đẩy mạnh và tạo thêm nhiều công ăn việc làm, khi với chi phí nhân công rẻ, Việt Nam đang ngày càng thu hút được nhiều nhà máy dệt may chuyển từ Trung Quốc sang.

Cũng theo Bloomberg, ngành thủy sản và đánh bắt hải sản của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc bãi bỏ thuế nhập khẩu các mặt hàng tôm, mực và cá ngừ khi hiện nay, mức thuế đánh vào các mặt hàng này vẫn đang dao động từ 6,4-7,2%.

Bên cạnh việc đẩy mạnh các ngành xuất khẩu của Việt Nam thì đồng thời, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong số các thành viên TPP như Việt Nam cũng sẽ tăng lên đáng kể. Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á Deborah Elms nhận định, “người chiến thắng lớn nhất sẽ là Việt Nam với “cơn lũ” các nhà đầu tư tràn vào. Vị trí thứ 2 phải kể đến là Malaysia và thứ 3 là Nhật Bản”.

Theo hãng tin CNBC, Malaysia hiện vẫn chưa có hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) tại chỗ với Mỹ, Canada hoặc Mexico. Vì vậy, các nhà xuất khẩu hàng điện tử, hóa phẩm, dầu cọ và cao su của quốc gia này sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định TPP.

“TPP sẽ giúp các nhà xuất khẩu của Malaysia xâm nhập toàn bộ thị trường Bắc Mỹ, và cũng sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư từ thị trường này” - Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại IHS, cho biết.

Trong khi đó, đối với Nhật Bản, việc mở cửa thị trường dịch vụ chính là một lợi thế lớn. Một thỏa thuận TPP sẽ mở cửa thị trường dịch vụ của các quốc gia thành viên với nhau, và do ngành dịch vụ của Nhật Bản tương đối kém cạnh tranh nên sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển, báo cáo của PIIE cho biết. Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, các nhà sản xuất ôtô và phụ tùng ôtô của Nhật Bản có thể là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ TPP, bởi họ sẽ được tiếp cận thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất của Nhật, với mức thuế rẻ hơn, dẫn đến giá thành sản phẩm theo đó cũng sẽ cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Nhật sẽ phải chịu ảnh hưởng mạnh khi Chính phủ phải giảm một số hàng rào bảo hộ đối với nông dân trồng lúa gạo trong nước, thuế nhập khẩu thịt bò cũng phải giảm từ 38,5% xuống 9% trong vòng 16 năm tới, đồng thời thuế nhập khẩu thịt lợn cũng bị hạ thấp, khiến nỗi lo về các loại thịt nhập khẩu xâm chiếm thị trường tăng cao.

Không chỉ vậy, TPP cũng sẽ mang đến một số tác động “đáng lo ngại” cho nhiều nước, không chỉ các nước trong nội bộ TPP mà còn cả những quốc gia bên ngoài.

Thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại toàn cầu

Theo nhận định của CNBC, những nước không nằm trong hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này được cho là sẽ phải gánh chịu tổn thất do những tác động của dòng thương mại, nơi các quốc gia thường xuất khẩu sang các đối tác FTA. Báo cáo của PIEE cho biết, “hiệu ứng chệch hướng thương mại của TPP rơi chủ yếu vào Trung Quốc”, và nói thêm rằng xuất khẩu của nước này sẽ giảm 1,2 % trong trường hợp đó.

Trong khi Việt Nam được hưởng lợi lớn từ việc tiếp cận thị trường Mỹ thì các nhà xuất khẩu châu Á khác có thể sẽ bị tổn thương. “Bangladesh, Campuchia, Pakistan và Sri Lanka dự kiến cũng sẽ phải chịu tác động tiêu cực trong các ngành công nghiệp dệt may và quần áo khi các nước thành viên chuyển hướng xuất khẩu, đặc biệt là Việt Nam”, nhà phân tích Biswas cho biết.

Tại Ấn Độ, đã xuất hiện mối lo ngại rằng, xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ chịu sự cạnh tranh trong các lĩnh vực như dệt may và giày da, theo phân tích của ông Abhijit Das thuộc Trung tâm Nghiên cứu WTO.

Các nhà sản xuất xe hơi Hàn Quốc như Hyundai Motor và Kia Motors, cũng như các nhà cung ứng phụ tùng ở Trung Quốc – những nước phi thành viên TPP, rơi vào tình trạng hoang mang khi phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các đối thủ Nhật Bản. “Đây là tin xấu cho các công ty Hàn Quốc”, nhà phân tích chứng khoán Kiwoom Ma Ju-ok nhận định; và thực tế, cổ phiếu của các hãng này hôm 6/10 đã giảm giá trước những lo ngại về tác động của hiệp định lịch sử TPP.

Mặc dù mang lại nhiều tác động trái chiều cho các nền kinh tế trên thế giới nói chung, và ở châu Á nói riêng, nhưng TPP vẫn được coi là một hiệp định mang tính bước ngoặt, sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong nền thương mại toàn cầu.

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM