Thứ Tư, 06/02/2019 09:56

Hội nghị Bộ trưởng Những người bạn của Mekong lần thứ nhất

Hội nghị đánh giá FOM đã đóng góp tích cực vào củng cố quan hệ hữu nghị giữa các nước thành viên, hỗ trợ các nước Mekong ứng phó với COVID-19 và thúc đẩy phát triển bền vững, thịnh vượng của khu vực.

Dành ưu tiên ứng phó dịch bệnh, hỗ trợ thúc đẩy phục hồi bền vữngHội nghị ASEAN+3: Indonesia đề xuất thiết lập cơ chế y tế khu vựcHàn Quốc kêu gọi đoàn kết toàn cầu trong cuộc chiến chống COVID-19

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Những người bạn của Mekong​ (FOM) lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 5/8, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Những người bạn của Mekong (FOM) lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao và đại diện các nước Campuchia, Hàn Quốc, Lào, Myanmar, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Thái Lan, Việt Nam; Tổng Thư ký ASEAN; đại diện Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mekong (MRC).

Đại diện Ấn Độ và Vương quốc Anh tham dự Hội nghị với tư cách khách mời.

Hội nghị kỷ niệm 10 năm thành lập hợp tác Những người bạn của Hạ nguồn Mekong (tên gọi cũ của FOM) và đánh dấu việc nối lại cơ chế họp cấp Bộ trưởng của khuôn khổ hợp tác này.

Hội nghị đánh giá FOM đã đóng góp tích cực vào củng cố quan hệ hữu nghị giữa các nước thành viên, hỗ trợ các nước Mekong ứng phó với đại dịch COVID-19 và thúc đẩy sự phát triển bền vững, thịnh vượng của khu vực.

Hội nghị nhấn mạnh hợp tác FOM cần tiếp tục phát huy những giá trị và nguyên tắc chung trong Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, các nguyên tắc bình đẳng, đồng thuận, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần tăng cường gắn kết hợp tác FOM với ASEAN và các khuôn khổ hợp tác Mekong hiện có.

Về định hướng hợp tác giai đoạn tới, Hội nghị nhất trí FOM cần tăng cường hợp tác giải quyết các thách thức chung của khu vực và thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm với một số định hướng chính như Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng xanh trong và sau đại dịch COVID-19; bảo đảm an ninh lương thực-nguồn nước-năng lượng, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Hội nghị cũng nhất trí xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao; chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc (SGD) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Hội nghị khẳng định vai trò quan trọng của Ủy hội sông Mekong (MRC) trong phát triển lưu vực sông và hoan nghênh Chiến lược phát triển lưu vực sông giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định cam kết của Việt Nam cùng các thành viên xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, thịnh vượng, phát triển bền vững tại khu vực.

Bộ trưởng nhấn mạnh, với cách tiếp cận “tư duy địa phương và hành động khu vực,” hợp tác FOM cần xuất phát từ nhu cầu phát triển của các nước Mekong, đồng thời thúc đẩy hợp tác khu vực, tăng cường gắn kết các cơ chế hợp tác nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển bền vững, giải quyết hiệu quả các thách thức.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị FOM cần ưu tiên: Hợp tác phòng, chống và kiểm soát đại dịch COVID-19 thông qua bảo đảm tiếp cận vaccine kịp thời, an toàn và hiệu quả; thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine; tăng cường hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao thông qua thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm tại tiểu vùng Mekong; thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước; tăng cường đối thoại chính sách về phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã thông qua Tuyên bố báo chí chung./.

Theo Vietnam+

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM