Thứ Năm, 30/11/2017 15:50

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 dời sang cuối năm 2021 do đại dịch

Các quan chức LHQ mới đây cho biết, do tác động của đại dịch COVID-19, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP26 sẽ được hoãn cho đến cuối năm sau, thay vì sẽ được tổ chức trong năm nay tại Vương quốc Anh như kế hoạch trước đó.

Hơn 20.000 đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP24Có gì ở Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu?Nhiều công ty lớn cam kết cắt giảm khí thảiLãnh đạo thế giới cam kết thúc đẩy hành động khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 năm 2020 sẽ được dời đến tháng 11/2021 do đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: Getty Image

Hội nghị COP26 được coi là hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu quan trọng nhất kể từ sau hội nghị năm 2015 (COP21) tạo ra Thỏa thuận Paris. Hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với áp lực lớn từ công chúng, với yêu cầu đưa ra các cam kết để cắt giảm lượng khí thải nhà kính với tốc độ nhanh hơn.

Theo đề xuất về lịch trình của chính phủ Anh, cơ quan khí hậu của LHQ đã quyết định dời Hội nghị thượng đỉnh COP26 đến khoảng thời gian từ 1/11 - 12/11/2021. Glasgow, Scotland sẽ vẫn là thành phố chủ nhà, và trước hết sẽ có một hội nghị thượng đỉnh khởi đầu ở Italy.

Quan chức khí hậu Anh Alok Sharma cho biết, việc hoãn hội nghị sẽ giúp các nước có thêm thời gian để xây dựng lại các nền kinh tế với các ưu tiên cho đổi khí hậu. Các nhà đàm phán từ khối các nước kém phát triển nhất (LDC) cũng kêu gọi các chính phủ không sử dụng đại dịch như một cái cớ để trì hoãn các kế hoạch khí hậu mạnh mẽ hơn, mà thay vào đó sẽ đẩy mạnh ngành năng lượng tái tạo, bảo tồn và các biện pháp xanh khác khi các nền kinh tế phục hồi.

Được biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã đề xuất một kế hoạch yêu cầu một quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro dành vào các mục tiêu khí hậu. "Việc hoãn COP không nên ảnh hưởng đến quyết tâm của các quốc gia trong việc thực hiện các cam kết này vào năm 2020", ông Sonam Wangdi của Bhutan, một thành viên của khối LDC cho biết.

Hội nghị thượng đỉnh COP26 năm nay được coi là thời hạn cuối cùng để các chính phủ cam kết thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí thải mạnh mẽ hơn, nhằm đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris trong việc kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và hướng tới mục tiêu 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Với các cam kết hiện tại, thế giới sẽ chứng kiến sự gia tăng nhiệt độ cao hơn khoảng 3 độ C trong thế kỷ này. Theo các nhà khoa học, mức gia tăng nhiệt độ này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, khiến mực nước biển dâng, gây ra các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và di cư hàng loạt khi người dân phải chạy trốn khỏi các khu vực có khí hậu trở nên không thể sinh sống được.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Devdiscourse)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kênh Venice khô cạn, Italy tiếp tục đối mặt với nguy cơ hạn hán mới
Kênh Venice khô cạn, Italy tiếp tục đối mặt với nguy cơ hạn hán mới

Theo các nhà khoa học và các nhóm bảo vệ môi trường, thời tiết khô hạn ít tuyết trong nhiều tuần của mùa đông vừa qua đã làm dấy lên lo ngại rằng Italia có thể phải đối mặt với một đợt hạn hán khác sau tình trạng khẩn cấp vì hạn hán vào mùa hè năm ngoái. Được biết trong mùa đông mới đây, dãy núi Alps chỉ nhận được lượng tuyết rơi chưa bằng một nửa so với bình thường.

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, có thể sẽ phải chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, bao gồm các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt, lũ lụt lớn và tình trạng hạn hán nghiêm trọng, đặt ra những thách thức đối với an ninh lương thực và an ninh năng lượng của quốc gia này.

Chuyển đổi năng lượng trong thập kỷ vàng của Đông Nam Á
Chuyển đổi năng lượng trong thập kỷ vàng của Đông Nam Á

Các thị trường trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phải đối mặt với những rủi ro kinh tế do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra, với báo cáo của Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey dự báo 8 - 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm sẽ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm về năng suất trong bối cảnh nhiệt độ và độ ẩm tăng cao vào năm 2050.