Thứ Tư, 29/01/2020 21:19

IMF: Một số nền kinh tế châu Á cần tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát

Hãng Thông tấn Reuters ngày 29/7 dẫn lời một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, một số ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á cần nhanh chóng tăng lãi suất, trong bối cảnh áp lực lạm phát đang mở rộng bởi chi phí lương thực và nhiên liệu leo thang trên toàn cầu do cuộc xung đột tại Ukraine gây ra.

IMF: Triển vọng nền kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạmIMF: Lạm phát toàn cầu sẽ được kiểm soát

Người dân mua sắm hàng hóa trong một siêu thị tại Ấn Độ. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN

Cụ thể, ông Krishna Srinivasan, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF nhận định: "Áp lực lạm phát đang gia tăng của khu vực châu Á vẫn ở mức vừa phải hơn so với các khu vực khác; tuy nhiên, sự gia tăng về giá cả ở nhiều quốc gia đã vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương".

Do đó, quan chức cấp cao của IMF lưu ý, một số nền kinh tế sẽ cần phải nhanh chóng tăng lãi suất, trong bối cảnh lạm phát đang mở rộng đến giá cả cơ bản (ngoại trừ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động hơn), nhằm ngăn chặn vòng xoáy đi lên của kỳ vọng lạm phát và tiền lương, điều mà sau này sẽ đòi hỏi những mức tăng lớn hơn để có thể giải quyết.

Cũng theo ông Krishna Srinivasan, đa số các nền kinh tế châu Á mới nổi đều đã chứng kiến dòng vốn chảy ra khỏi thị trường ở mức tương đương với năm 2013, khi lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng vọt do những tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy, cơ quan này có thể sẽ giảm mua trái phiếu sớm hơn so với dự kiến.

Đáng chú ý, nền kinh tế Ấn Độ đã chứng kiến dòng vốn chảy ra ở mức đặc biệt lớn, khi ​​23 tỷ USD đã chảy ra bên ngoài kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát. Bên cạnh đó, dòng vốn chảy ra cũng đã được ghi nhận ở các nền kinh tế khác, như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Trong tháng vừa qua, Hàn Quốc, Singapore, New Zealand và Philippines đều đã thắt chặt chính sách tiền tệ, giữa lúc áp lực chi phí sinh hoạt tăng cao khiến các ngân hàng trung ương phải tăng chi phí đi vay. Theo ông Krishna Srinivasan, việc thắt chặt các điều kiện tiền tệ sẽ làm căng thẳng tình hình tài chính vốn đang trở nên tồi tệ hơn ở một số nền kinh tế châu Á, đồng thời sẽ hạn chế phạm vi để các nhà hoạch định chính sách có thể đối phó với tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19 thông qua chi tiêu tài khóa.

Ngoài ra, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF cũng lưu ý, tỷ trọng của khu vực châu Á trong tổng nợ toàn cầu đã tăng từ mức 25% trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, lên mức 38% trong giai đoạn hậu COVID-19, điều này làm tăng tính dễ bị tổn thương của khu vực này trước những thay đổi trong điều kiện tài chính toàn cầu.

 Qua đó, ông Krishna Srinivasan cho biết, tuy các khuyến nghị chính sách sẽ khác nhau tùy theo từng quốc gia, những biện pháp như can thiệp ngoại hối, chính sách bảo mật vĩ mô, và quản lý dòng vốn có thể sẽ là những công cụ hữu ích để các Chính phủ quản lý rủi ro hệ thống.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Reuters & Aljazeera)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

IMF hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực ASEAN
IMF hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực ASEAN

Ngày 31/1, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas cho biết IMF hạ dự báo tăng trưởng của Singapore và các nền kinh tế Đông Nam Á khác trong năm 2023, do tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ lấn át tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế.

IMF Kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023
IMF: Kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 1/1 nhận định, kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều trải qua giai đoạn suy yếu.

Tăng trưởng của 5 nền kinh tế lớn của ASEAN có thể giảm trong năm 2023
Tăng trưởng của 5 nền kinh tế lớn của ASEAN có thể giảm trong năm 2023

Các nền kinh tế lớn của ASEAN, vốn dường như đang tăng trưởng trở lại sau các tác động của đại dịch COVID-19, có thể sẽ phải đối mặt với triển vọng tăng trưởng khó khăn hơn trong năm tới do lãi suất thắt chặt trên toàn cầu, đặc biệt là các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cộng với đó là thị trường Trung Quốc hạ nhiệt do tác động của các chính sách nghiêm ngặt để chống dịch.