![](http://img.infonet.vn/t660/Uploaded/daocanh/2015_10_06/0710_Putin_Obama.jpg)
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Lầu Năm Góc không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ phe đối lập Syria "ôn hòa" nhằm chống lại các cuộc tấn công có thể xảy ra từ Không quân Nga. Các quan chức Lầu Năm Góc đã bắt đầu phát triển chiến lược bảo vệ phe đối lập Syria "ôn hòa". Theo các nguồn tin quân sự tại Washington, các chiến lược này sẽ được áp dụng trong trường hợp Nga tấn công lực lượng đối lập Syria.
Các quan chức cũng không loại trừ trường hợp Mỹ sẽ yểm trợ cho lực lượng đối lập, trong trường hợp xấu nhất điều này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu toàn diện với Nga bởi đầu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã từ chối thảo luận về nguy cơ có thể xảy ra đụng độ với Nga.
Trước đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook nói rằng, tính đến nay vẫn chưa hề có bất kỳ va chạm nào giữa máy bay Mỹ và máy bay Nga tại Syria và các bên sẽ nỗ lực để tránh xảy ra va chạm trong tương lai.
Peter Cook nói: "Hiện chúng tôi không có bất kỳ dữ liệu nào về các cuộc đụng độ. Chúng tôi chỉ đang cố gắng né tránh… Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ đàm phán với Nga nhằm cố gắng loại bỏ nguy cơ này và sẽ loại bỏ hoàn toàn nguy cơ nếu có thể".
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ thay mặt 7 quốc gia khác kêu gọi Nga dừng ngay các cuộc tấn công vào phe đối lập Syria và tập trung vào cuộc chiến chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Giáo sư Học viện Khoa học Quân sự, Giám đốc dự án về vũ trang thông thường và Trung tâm PIR thuộc Hiệp ước Buôn bán Vũ khí (ATT) Vadim Kozyulin cho rằng: "Mỹ sẽ cung cấp tên lửa "Stinger" cho Syria, nhưng cần lưu ý rằng, điều này sẽ làm cho mối quan hệ Nga-Mỹ trở nên căng thẳng hơn.
Thứ hai, tên lửa "Stinger" có thể bị rơi vào tay bọn khủng bố, (việc này vẫn thường xuyên diễn ra). Chắc rằng Lầu Năm Góc không hề mong muốn điều đó. Lầu Năm Góc có những con người khôn ngoan, họ thừa hiểu mục đích của Nga khi can thiệp quân sự vào Syria. Các phương tiện truyền thông hoặc là quá phóng đại, hoặc là cố tình đưa sai thông tin", ông Kozyulin cho biết khi trả lời phỏng vấn tờ báo Quan điểm (Nga).
Ông Kozyulin cũng nhắc lại rằng Lầu Năm Góc đã nhiều lần bác bỏ một số thông tin từ các phương tiện truyền thông liên quan đến hành động quân sự của Nga ở Syria. Ông nói: "Gần đây có thông tin cho rằng, dường như Nga đã “cấm” Mỹ thực hiện các chuyến bay qua lãnh thổ Syria. Đại diện Lầu Năm Góc đã bác bỏ những thông tin đầu tiên về việc Nga tấn công vào các vị trí của phe đối lập Syria. Thực tế, hai nước đang có sự phối hợp rõ ràng trên tinh thần xây dựng".
Liên quan đến kịch bản có thể xảy ra cuộc đụng độ giữa Nga và Mỹ tại Syria, giáo sư Vadim Kozyulin coi đó rõ ràng là "sự quá đáng". Ông Kozyulin nói: "Người Mỹ kỳ vọng trong việc dẫn đầu liên minh chống lại IS, nhưng họ nhận ra rằng, chiến lược này đã bị phá sản. Hiện giờ không phải là thời điểm thích hợp để tuyên bố về điều này, vì vậy để giữ thể diện, họ đã cung cấp một số thông tin chính trị nào đó cho các phương tiện truyền thông, nhưng trên thực tế, họ hiểu rằng, nếu tỏ ra là đồng minh với Arab Saudi - nước đề xuất không ném bom IS, thì điều này không phù hợp với các mục tiêu của Mỹ."
Chuyên gia thuộc Hiệp hội các nhà khoa học chính trị quân sự, phó giáo sư bộ môn khoa học chính trị và xã hội học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov Perendzhiev Alexander thì cho rằng người Mỹ đang tiến hành do thám một cách dày đặc từ trên vũ trụ về hành động của không quân Nga.
![](http://img.infonet.vn/t660/Uploaded/daocanh/2015_10_06/Minh_Hoa_1.jpg)
|
Ảnh mang tính chất minh họa
|
Chuyên gia này cho rằng phe đối lập có thể được cung cấp các phương tiện phòng vệ, kể cả các hệ thống tên lửa phòng không cao xạ và điều này ẩn chứa mối nguy hiểm nhất định.
Theo ông Perendzhiev, Mỹ lo ngại rằng, sau các cuộc không kích của Nga vào vị trí của nhóm IS, phe đối lập Syria "ôn hòa" có thể bị phân tán. "Ở đây có một vấn đề. Trong một số nhóm quân không có sự phân biệt rõ ràng giữa phe đối lập Syria và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Nga có thể nói rằng đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo, còn Mỹ lại cho rằng đó là phe đối lập.
Tính chất hai mặt các nhóm quân này làm tiền đề cho các cuộc xung đột. Do đó cần tiến hành đàm phán, đồng thời thành lập nhiều nhóm công tác chung giữa Bộ Quốc phòng Nga và Lầu Năm Góc. Không loại trừ khả năng, phe đối lập "ôn hòa" che giấu phần mạnh nhất của nhóm phiến quân IS", chuyên gia cảnh báo.
Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần tuyên bố họ đã kịp thời cung cấp toàn bộ dữ liệu không kích vào các vị trí của phần tử khủng bố IS tại Syria. Trước đó, Phó Tham mưu trưởng Cơ quan Tình báo thuộc Không quân Mỹ, Trung tướng Robert Otto đã phủ nhận dữ liệu trên các phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng Không quân Nga đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các lực lượng của phe đối lập Syria.
Theo ông Alexander Perendzhieva, không có khả năng xảy ra cuộc đụng độ cụ thể nào. Chuyên gia nói: "Mỹ không muốn xảy ra đụng độ. Người Mỹ hiểu rằng điều này không đem lại lợi ích gì cho họ. Người Mỹ vẫn thích tham chiến một cách "thoải mái", họ nhắc đến chiến tranh như là công việc, trong đó có thời gian ăn, ngủ, nghỉ, uống bia... Họ không sẵn sàng cho một phương án cứng rắn nào và luôn tìm mọi cách né tránh. Nếu như Mỹ vẫn cố gắng "hại" Nga thì chưa biết chừng chính Mỹ sẽ là kẻ chịu thiệt thòi nhiều hơn".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Quan điểm, một trong những tờ báo điện tử uy tín tại Nga.