Thứ Bảy, 06/10/2018 07:53

Mỹ thúc đẩy G20 áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm qua (5/4) cho biết nước này đang thúc đẩy G20 đạt được thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm ngăn chặn sự xói mòn nguồn thu của chính phủ.

EU gạch tên 8 nước khỏi danh sách thiên đường trốn thuếEU nỗ lực đối phó với “thiên đường thuế”

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Biden bày tỏ sự phẫn nộ đối với các công ty đa quốc gia đã chuyển đến các thiên đường thuế hoặc sử dụng các kẽ hở để trả ít hoặc không phải trả thuế, và nói rằng ông sẽ dừng hoạt động này. Kế hoạch của ông sẽ nâng mức thuế doanh nghiệp của Mỹ lên 28% và mức tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia lên 21%.

Đề cập đến “cuộc chạy đua tới đáy trong 30 năm về thuế suất doanh nghiệp”, trong đó các quốc gia đã cắt giảm thuế suất doanh nghiệp trong một nỗ lực nhằm thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia, Bộ trưởng Yellen khẳng định chính quyền Tổng thống Biden sẽ làm việc với các nền kinh tế tiên tiến khác trong G20 để đặt ra mức tối thiểu. Bà cũng cho rằng hoạt động tìm kiếm thiên đường thuế làm xói mòn nguồn thu của chính phủ và làm suy giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

“Cùng với nhau, chúng ta có thể sử dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo nền kinh tế toàn cầu phát triển dựa trên một sân chơi bình đẳng hơn trong việc đánh thuế của các tập đoàn đa quốc gia… Tính cạnh tranh không chỉ là cách các công ty có trụ sở chính tại Mỹ chống lại các công ty khác trong các cuộc đấu thầu mua lại và sáp nhập toàn cầu, mà còn nhằm đảm bảo các chính phủ có hệ thống thuế ổn định để tăng nguồn thu đủ để đầu tư vào các hạng mục công thiết yếu và ứng phó với khủng hoảng, đồng thời mọi công dân đều chia sẻ một cách công bằng gánh nặng tài chính của chính phủ”, bà Yellen nói trong một bài phát biểu trực tuyến trước Hội đồng Các vấn đề Toàn cầu Chicago.

Tổng thống Biden đã đề xuất nâng mức thuế doanh nghiệp của Mỹ lên 28% và mức tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia lên 21%, một phần đảo ngược việc chính quyền cựu Tổng thống Trump cắt giảm từ mức 35% trong dự luật thuế năm 2017. Mức tăng này sẽ giúp chi trả cho đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng của Nhà Trắng.

Trong một thông tin liên quan, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói rằng điều quan trọng là các nền kinh tế lớn trên thế giới cần phải áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu để đạt hiệu quả momng muốn. Quan chức này cũng cho biết Mỹ sẽ sử dụng luật thuế của riêng mình để ngăn các công ty chuyển lợi nhuận sang các nước thiên đường thuế và sẽ khuyến khích các nền kinh tế lớn khác làm điều tương tự.

Các bộ trưởng tài chính G20 dự kiến ​​sẽ thảo luận về đề xuất này trong cuộc họp trực tuyến ngày 7/7 tới, do Italy chủ trì.

Theo một quan chức Bộ Tài chính, mục tiêu của G20 là có đề xuất về mức thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 7 và chính quyền Tổng thống Biden có thể thay đổi luật để đưa mức thuế tối thiểu của Mỹ phù hợp với kế hoạch quốc tế nếu cần thiết.

Một hiệp định G20 sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán đang diễn ra trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về mức thuế tối thiểu toàn cầu như một cách để bảo vệ tất cả các thành viên khỏi bị xói mòn nguồn thu từ thuế.

Bài phát biểu của Yellen, trước thềm các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, cũng như cuộc họp của G20, cũng cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang thúc đẩy nối lại hợp tác đa phương vốn đã tạm dừng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNA)

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững
Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang thúc đẩy chương trình nghị sự năm 2023, nhằm xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững, khi các quan chức đến từ 21 nền kinh tế thành viên nhóm họp tại Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất và các cuộc họp liên quan.