Thứ Ba, 07/07/2020 14:23

Năm 2023: ASEAN sẽ vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới

Theo phân tích mới nhất về triển vọng kinh tế năm 2023 của ASEAN, trang Asean Briefing nhận định rằng đây sẽ vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay, nhưng tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm nhẹ so với năm 2022, chủ yếu do điều kiện kinh tế toàn cầu xấu đi và chính sách tiền tệ thắt chặt.

ASEAN: Các quốc gia hợp sức đối phó với đại dịch tiếp theoASEAN lạc quan với mục tiêu về thị trường duy nhất

Nền kinh tế ASEAN đón nhận những tín hiệu tích cực trong năm 2023. Ảnh minh họa: Reuters/Congthuong

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới vào năm 2022 khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á đạt 5,5% trong năm 2022.

Tuy nhiên, thế giới đang bước vào năm 2023 với nhiều áp lực kinh tế ngày càng gia tăng và đây sẽ là lực cản đối với đà tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ADB gần đây đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 của ASEAN từ 5% xuống còn 4,7% do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Credit Suisse ước tính tốc độ tăng trưởng của sáu nền kinh tế ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – sẽ giảm xuống mức 4,4% trong năm nay từ mức 5,6% của năm 2022.

Dù có sụt giảm so với năm ngoái, nhưng những con số trên đều đặt tăng trưởng kinh tế của ASEAN ở trên mức trung bình toàn cầu. IMF đã dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,2% cho năm 2022 và 2,7% vào năm 2023. Do đó, ASEAN vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư quốc tế, giúp các nhà đầu tư tiếp cận với một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu.

Câu chuyện tăng trưởng của ASEAN

Asean Briefing cho biết các siêu cường thế giới như Mỹ và Trung Quốc đều tìm cách thắt chặt quan hệ với khu vực ASEAN. Cả hai cường quốc này đều nêu bật cam kết thương mại với các nền kinh tế ASEAN, đặc biệt thông qua việc tiếp cận Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đáng chú ý, đây không phải là yếu tố duy nhất có thể đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ASEAN trong năm nay. Một số quốc gia trong khu vực có ngành du lịch phát triển mạnh và môi trường dịch tễ học được cải thiện hơn nữa sẽ góp phần vào sự phục hồi chung của khu vực trong năm 2023.

Theo Goldman Sachs, Thái Lan và Malaysia có thể đạt mức tăng trưởng khá 4% trong năm nhờ du lịch và lữ hành toàn cầu trở lại bình thường. Malaysia, Philippines và Thái Lan có thể sẽ chứng kiến ngành du lịch phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023, nhất là khi Trung Quốc tuyên bố sẽ mở cửa lại biên giới và bỏ cách ly từ ngày 8/1 tới.

Các nhà phân tích của S&P Global cho rằng suy thoái toàn cầu sẽ ít tác động hơn đến các nền kinh tế định hướng theo nhu cầu nội địa như Indonesia và Philippines, từ đó dự đoán cả hai quốc gia sẽ có mức tăng trưởng ít nhất 5% vào năm 2023. Tập đoàn này cũng cho rằng nhu cầu từ thị trường trong nước sẽ tiếp tục phục hồi ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, khi các quốc gia này mở cửa trở lại toàn bộ sau đại dịch.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài

Các nền kinh tế ASEAN đã và đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm gần đây. Các quốc gia này được xem là những lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các công ty đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi sản xuất và tìm kiếm các địa điểm có chi phí thấp hơn.

Nhìn chung, các quốc gia trong khu vực đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn mức trung bình, phản ánh sự bùng nổ dân số và các chính sách thương mại ngày càng tự do. Từ đó, các tập đoàn đa quốc gia cũng ngày càng xem Đông Nam Á như một trung tâm sản xuất hấp dẫn, với mức lương cạnh tranh, các quy định và cơ sở hạ tầng kinh doanh được cải thiện, cùng với nhu cầu trong nước ngày càng tăng.

Dữ liệu cho thấy Singapore đã thu hút khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào năm 2021, chủ yếu tập trung vào các ngành CNTT, hàng không vũ trụ, điện tử, dược phẩm và dịch vụ chuyên nghiệp. Trong khi đó, tổng vốn FDI đổ vào Indonesia tính đến quý III/2022 đạt 57 tỷ USD, tương đương 75% mục tiêu của cả năm 2022. Mặc dù số liệu chính thức chưa được công bố, nhưng chính phủ Indonesia tự tin rằng họ đã đạt được mục tiêu.

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia đang mang đến cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận nhiều ngành công nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế và cung cấp khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, mang đến sự yên tâm hơn cho các nhà sản xuất. Vài năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một nhà cung cấp các sản phẩm gỗ được yêu thích, với Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm gỗ xuất khẩu của nước này.

Các ví dụ trên cho thấy xu hướng phát triển dài hạn của ASEAN sẽ tiếp tục, bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Sự gia tăng liên tục của FDI vào ASEAN, nhất là với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2023.

Ngoài ra, sau một giai đoạn dịch tễ học đầy thách thức, Trung Quốc dự kiến sẽ trải qua chu kỳ bùng nổ khi mở cửa trở lại như hầu hết các quốc gia khác. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự cải thiện tăng trưởng của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đối với khu vực ASEAN.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ Business Times)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy
Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy

Ngày 202/, Ủy ban ASEAN tại Rome (ACR), dưới sự chủ trì của Chủ tịch ACR, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã tổ chức một số cuộc họp với các đối tác quan trọng tại Italy để thảo luận một số đề xuất và dự kiến hợp tác trong thời gian tới.

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.