Các chuyên gia nhận định, có một đồng tiền chung ASEAN sẽ tạo nên nhiều lợi ích cho khu vực, dù vẫn tồn tại nhiều thách thức cần phải giải quyết. Ảnh minh họa: Báo Thanh Niên
Sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997, khiến ASEAN dễ tổn thương bởi dòng vốn xuyên biên giới, khu vực này đã trải qua một cuộc chuyển đổi đáng kể từ một khối hầu hết là các nước kém phát triển và đang phát triển, thành một khối có nền kinh tế năng động nhất thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng đã dẫn đến chênh lệch thu nhập gia tăng và mức độ bất bình đẳng cao, làm suy yếu cuộc chiến chống đói nghèo, làm giảm tăng trưởng kinh tế và đe dọa sự gắn kết xã hội. Chính sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Thủ tưởng Malaysia lúc đó là Mahathir Mohamad đã đưa ra ý tưởng về việc có một đồng tiền chung trong khu vực. Gần đây, vào năm 2019, một lần nữa ông đã nhắc lại đề xuất đó, nhấn mạnh rằng ASEAN nên “áp dụng một đồng tiền giao dịch chung, không được giao dịch trong nước mà cho mục đích giải quyết thương mại” để tạo ra một loại tiền tệ thay thế dollar Mỹ, với tư cách là đơn vị tiền tệ quan trọng của khu vực trong thương mại và đầu tư.
Tại sao ASEAN cần thúc đẩy đưa ra đồng tiền chung?
Tất cả những gì chúng cần làm là nhìn vào châu Âu, nơi đồng Euro là ví dụ điển hình nhất về đồng tiền chung. Trong 20 năm kể từ khi thực hiện, đồng Euro đã đóng góp vào sự ổn định, khả năng cạnh tranh và thịnh vượng của các nền kinh tế châu Âu. Đồng tiền duy nhất đã giúp giữ giá cả ổn định và bảo vệ các nền kinh tế khu vực đồng Euro khỏi sự biến động của tỷ giá hối đoái.
Dưới chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi, tiền tệ có xu hướng biến động nhiều so với các nguyên tắc cơ bản về kinh tế của một nền kinh tế. Điều này đặc biệt đúng đối với các nền kinh tế nhỏ đang phát triển có thị trường vốn mỏng.
Nhiều nền kinh tế mới nổi của châu Á (EME) nắm giữ các tài sản dự trữ đáng kể bằng USD, như một phương tiện tự bảo hiểm trước những bất ổn tiềm ẩn về tài chính. Với sự phụ thuộc vào đồng USD này, các quốc gia châu Á phải đối mặt với những cú sốc phát sinh từ những thay đổi trong chính sách kinh tế và các điều kiện liên quan đến Mỹ...
Có thể nói rằng, đã có những bước tiến được thực hiện nhằm mang lại sự hội nhập tiền tệ lớn hơn trong khu vực. Năm 2000, ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã tạo ra một mạng lưới các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương nhằm cung cấp thanh khoản ngắn hạn cho khủng hoảng trong tương lai. Mạng lưới đó cuối cùng đã trở thành một cơ sở chính thức hơn, được gọi là Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM). Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) được thành lập để tiến hành giám sát khu vực và hỗ trợ sáng kiến.
Tương đương với một ngôn ngữ chung, giúp tạo điều kiện giao tiếp hiệu quả giữa mọi người, một đồng tiền chung có thể giúp loại bỏ sự không chắc chắn về tỷ giá hối đoái, đề phòng các cuộc tấn công đầu cơ và nâng cao khả năng thương lượng của ASEAN.
Có nó, lãi suất dài hạn có thể giảm và ít biến động hơn. Đồng tiền chung cũng sẽ tạo điều kiện cho dòng chảy thương mại nội vùng lớn hơn, từ đó “gây áp lực” lên giá cả và làm hàng hóa và dịch vụ có giả rẻ hơn.
Các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và du lịch có khả năng sẽ trở nên hợp lý về giá cả hơn cho nhiều công dân ASEAN, nhất là khi nhu cầu trong lĩnh vực này đang ngày càng tăng. Nhân lực và tài năng có thể dễ dàng trao đổi cho nhau, dẫn đến cơ hội làm việc lớn hơn và tăng cường hội nhập kinh tế giữa các nước ASEAN.
Với việc ASEAN đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, thật hấp dẫn khi nghĩ rằng một đồng tiền ASEAN duy nhất có thể trở thành một trong số những đồng tiền chính trên thế giới. Mặc dù đã chiếm gần 13,7% các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài, một thị trường chung có thể nâng cao hơn nữa vai trò của ASEAN với tư cách là một người chơi toàn cầu.
Thách thức trong việc duy trì một đồng tiền chung
Đương nhiên, việc duy trì một đồng tiền chung trên thực tế khó hơn nhiều so với việc tạo ra và chấp nhận nó, giới chuyên gia nhận định.
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các yếu tố hiện đang cản trở tiến trình áp dụng đồng tiền chung bao gồm sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế giữa các quốc gia, một số quốc gia có lĩnh vực tài chính chưa mạnh, cùng với đó là sự bất cập của “cơ chế tổng hợp nguồn lực” và các thể chế liên quan cần thiết cho một liên minh tiền tệ.
Trong đó, sự đa dạng và khác biệt trong tiến trình phát triển kinh tế làm tăng thêm sự phức tạp này. Singapore, quốc gia phát triển nhất ASEAN, có thu nhập bình quân đầu người gần gấp 60 lần so với Myanmar. Cùng lúc, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là các nước có thành tích tốt hơn trong số hầu hết các quốc gia của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ngoài ra, một đồng tiền chung cần hệ thống tài chính và thị trường mạnh mẽ, cũng như khả năng hỗ trợ thể chế mạnh mẽ. Không phải tất cả các nước ASEAN đều đáp ứng được yêu cầu này để đối phó với các mối đe dọa trong lĩnh vực tài chính, vốn đã gia tăng trong những năm gần đây.
Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)