Thứ Bảy, 21/10/2017 14:35

Nhật Bản dịch chuyển sản xuất sang các nước ASEAN

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do đại dịch COVID-19 và công bố gói kích thích khổng lồ để giúp nền kinh tế đất nước vượt qua khủng hoảng.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Ảnh minh hoạ: Reuters/VTV

Gói giải cứu trị giá 108 nghìn tỷ JPY (992 tỷ USD), tương đương với 20% GDP của nước này và là gói giải cứu lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, bao gồm các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động kinh tế và xã hội của đại dịch và hướng đến các cá nhân, tập đoàn đa quốc gia, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV).

Được biết, gói giải cứu này bao gồm một quỹ hỗ trợ kinh tế trị giá khoảng 2,4 tỷ USD, sẽ tài trợ cho các doanh nghiệp nội địa dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trở lại Nhật Bản hoặc chuyển sang các nước khác ở Đông Nam Á. Động thái này nhằm giảm rủi ro bị gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai nếu có tình huống tương tự xảy ra. Theo The ASEAN Post, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành nhà máy của thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã chuyểndây chuyền sản xuất sang Trung Quốc để giảm chi phí và gần với một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới. Theo thời gian, sản xuất tại Trung Quốc đã chuyển chuỗi giá trị từ sản xuất các sản phẩm có giá trị thấp như quần áo và linh kiện cơ bản sang các ngành công nghiệp có giá trị cao như công nghệ 5G và hàng không vũ trụ.

Nhiều nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như những doanh nghiệp khác do đó đã cảm nhận được tác động của các lệnh phong toả để hạn chế dịch bệnh ở Trung Quốc gần đây khi chứng kiến nguồn cung linh kiện cho các nhà máy của họ bị đình trệ do các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa.

Điều này được cho là đã thêm tạo động lực mới cho nỗ lực giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào các nhà máy ở Trung Quốc. Bloomberg trích dẫn một cuộc khảo sát hồi tháng 2 của Tokyo Shoko Research Ltd. cho thấy, 37% trong số 2.600 doanh nghiệp được hỏi đang đa dạng hóa nguồn cung ứng bên ngoài Trung Quốc trong thời gian diễn ra đại dịch.

Theo giới phân tích, đại dịch COVID-19 hiện nay chỉ là yếu tố mới nhất góp phần vào xu hướng vốn đã hình thành từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều công ty có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đã bắt đầu chuyển một số hoạt động sang Đông Nam Á để tránh các lệnh trừng phạt ngày càng tăng của Mỹ.

Nhiều nhà sản xuất chuyển đến Đông Nam Á

Theo báo cáo tháng 2/2020 của Nikkei Asian Review, Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan. Google dự kiến ​​sẽ bắt đầu bán ra các dòng điện thoại thông minh được sản xuất một phần tại Việt Nam trong thời gian tới. Google cũng sẽ bắt đầu bán loa thông minh Nest Mini được sản xuất tại Thái Lan với một đối tác địa phương vào cuối năm nay. Trong khi đó, Microsoft dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất tại Việt Nam một số mẫu máy tính để bàn và máy tính xách tay Surface trong quý II năm nay.

Theo The ASEAN Post, Malaysia là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ xu hướng mới này. Số liệu từ Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA) cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2019, Malaysia đã đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 8,9 tỷ USD, trong đó Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất với 2,8 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (1,5 tỷ USD), Đài Loan (1,1 tỷ USD), trong khi Nhật Bản cũng đã đầu tư khoảng 800 triệu USD trong cùng kỳ, theo dữ liệu từ MIDA.

Theo đánh giá, xu hướng dịch chuyển sản xuất đối với cả những sản phẩm có giá trị gia tăng thấp và cao ra khỏi Trung Quốc chủ yếu là một động thái nhằm quản lý rủi ro và ngăn chặn sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong trường hợp xảy ra thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm như hiện tại và chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The ASEAN Post & Nikkei Asia Review)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính G20 tập trung bàn về vấn đề nợ và tiền điện tử
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính G20 tập trung bàn về vấn đề nợ và tiền điện tử

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp tại Ấn Độ vào tuần tới để thảo luận về vấn đề nợ đang gia tăng giữa các nước đang phát triển, quy định về tiền điện tử và nỗi lo suy thoái toàn cầu.