Tình trạng tự tử ở Nhật Bản có nguy cơ sẽ gia tăng sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: Getty Image
Theo các chuyên gia, mặc dù tình trạng tự tử trong tháng 4 đã giảm, những thực tế, những tác động phát sinh từ đại dịch COVID-19 đang gây thiệt hại cho sinh kế và sức khỏe tinh thần của nhiều người dân trên toàn quốc, tước đi việc làm và làm tăng nguy cơ bạo lực gia đình, cũng như lạm dụng trẻ em.
Tình hình càng đáng lo ngại hơn khi nhiều nhóm phòng chống tự tử ở nước này đang gặp rất nhiều khó khăn sau khi bị buộc phải thu hẹp hoặc đình chỉ các hoạt động do sự bùng phát của dịch COVID-19.
Số liệu thống kê hàng tháng của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy, số vụ tự tử trong tháng 4 được thống kê sơ bộ ở mức 1.455 vụ, giảm gần 20% so với 1.814 vụ của năm trước, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 5 năm qua. Nhiều người cho rằng, việc đóng cửa trường học và gia tăng biện pháp làm việc từ xa có thể giúp nhiều người thoát khỏi những khó khăn liên quan đến bị bắt nạt và làm việc quá sức.
“Có khả năng dịch COVID-19 đóng vai trò không nhỏ trong việc dẫn đến việc giảm số vụ tự tử”, một quan chức của Bộ Y tế cho biết. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, cho dù việc đóng cửa trường học hay làm việc từ xa có liên quan đến số vụ tự tử giảm hay không thì sẽ được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Và cho dù có bất kỳ mối liên quan nào đi nữa thì những ảo tưởng về sự kết hợp này có thể không tồn tại lâu. Ví dụ, vào tháng 5/2011, 2 tháng sau trận động đất lớn, sóng thần và các vụ nổ hạt nhân tàn phá khu vực Tohoku ở Nhật Bản, số vụ tự tử đã tăng vọt. Điều này được cảnh báo có thể lại xảy ra một lần nữa.
Theo ông Yasuyuki Shimizu, người điều hành tổ chức phòng chống tự tử phi lợi nhuận Lifelink, tình trạng tự tử có thể sẽ gia tăng khi đại dịch gây ra những căng thẳng về tài chính và những vấn đề nội bộ gia đình cho nhiều người.
“Cho dù COVID-19 có kéo dài hay không, tôi nghĩ rằng không thể tránh khỏi nguy cơ tự tử sẽ lại gia tăng trong tương lai”, ông Shimizu nói.
Để kiềm chế các vụ tự tử, ông Shimizu cho rằng Chính phủ Nhật Bản nên ưu tiên việc bảo vệ cộng đồng bằng cách củng cố “mạng lưới an toàn cuối cùng” là phúc lợi xã hội. Ngoài ra, các nhóm chống tự tử cũng kêu gọi Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan tăng cường các dịch vụ đường dây nóng và cung cấp các biện pháp mạnh mẽ chống lại tình trạng thất nghiệp và vô gia cư.
Theo thống kê của NHK, số người nộp đơn xin trợ cấp phúc lợi ở Tokyo trong tháng trước đã tăng 31% so với một năm trước đó. Điều này cho thấy những khó khăn kinh tế ngày càng tăng mà đại dịch gây ra.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Japan Times)