Thứ Ba, 19/09/2017 15:27

Nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng chưa từng có giữa đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh các cộng đồng trên toàn thế giới đang thực hành "giãn cách xã hội" như một biện pháp phòng ngừa chống lại dịch bệnh COVID-19, các nhà bán lẻ trực tuyến đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của họ để bắt kịp sự gia tăng chưa từng có về nhu cầu đối với các mặt hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm gia đình.

Tổng thống Mỹ ban hành đạo luật hỗ trợ 104 tỷ USD chống COVID-19Bác sỹ Malaysia: Tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy ở nhà vì tôi!Số người tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 8.900 ngườiCOVID-19: Lý giải tâm lý hoảng loạn mua hàng

Ảnh minh hoạ: Shutterstock/TTXVN

Theo đó, mọi người đang tránh các chuyến đi đến những cửa hàng truyền thống, và ngày càng lựa chọn việc mua hàng tạp hóa trực tuyến trong khi vẫn an toàn ở nhà.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon gần đây cho biết, họ đã cháy hàng một số thương hiệu và mặt hàng phổ biến, đặc biệt là đối với các mặt hàng chủ lực dùng trong gia đình. Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh trong cuộc khủng hoảng này, Amazon tuyên bố mở 100.000 vị trí việc làm toàn thời gian và bán thời gian mới tại các trung tâm phân phối và mạng lưới giao hàng trên khắp Hoa Kỳ.

"Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về nhu cầu, điều đó có nghĩa là nhu cầu đối với người lao động của chúng tôi là chưa từng có trong thời gian này của năm. Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm với các đối tác bán hàng để đảm bảo có sẵn tất cả các sản phẩm và bổ sung năng suất để phân phối tất cả những đơn đặt hàng của khách hàng", Amazon khẳng định.

Theo Công ty Apptopia, các ứng dụng giao hàng tạp hóa đang phá vỡ kỷ lục của chính họ về số lượng tải xuống hàng ngày. Chẳng hạn như, dịch vụ giao hàng tạp hóa trực tuyến Instacart, nơi chuyên phân phối các sản phẩm từ hơn 25.000 cửa hàng trên khắp 5.500 thành phố ở Hoa Kỳ và Canada đã chứng kiến ​​sức tăng lên đến 218%. Tương tự, Walmart Grocery và Shipt cũng tăng mạnh lần lượt là 160%, và 124%.

Các nhà bán lẻ điện tử của Ấn Độ như Bigbasket, Grofers cũng ghi nhận​​ sự gia tăng đáng kể về nhu cầu do việc mua hàng hoảng loạn trong vài ngày qua. Cụ thể, Bigbasket, công ty khởi nghiệp bán hàng tạp hóa trực tuyến có trụ sở tại thành phố Bengaluru (Ấn Độ), nơi bán hơn 15.000 sản phẩm bao gồm hàng tạp hóa, trái cây và rau quả, cũng như một loạt các sản phẩm gia dụng đã báo cáo lưu lượng bán hàng và doanh thu tăng gấp đôi, với giá trị giỏ hàng tăng 15-20%.

Trong khi đó, Grofers, dịch vụ giao hàng tạp hóa trực tuyến hoạt động tại 25 thành phố trên khắp Ấn Độ chứng kiến ​​nhu cầu tăng 80% ở một số thành phố. Trong bối cảnh mua hàng hoảng loạn, công ty này cho hay, hiện tại tất cả các chuỗi cung ứng thiết yếu của họ đang hoạt động bình thường và sẽ tuân theo giá cả chính đáng.

"Nhiều khách hàng muốn đi theo con đường trực tuyến hơn để mua hàng tạp hóa, so với việc đi đến các chợ hoặc siêu thị địa phương", công ty giao hàng Grofers nhận định.

Tại Australia, chuỗi Siêu thị Coles vừa áp dụng giới hạn mua hàng đối với một số mặt hàng nhất định bao gồm giấy vệ sinh, mì ống, bột mì, gạo, khăn giấy, và nước rửa tay, nhằm đảm bảo tất cả khách hàng có thể tiếp cận các nhu yếu phẩm trong thời gian này.

Coles cũng tạm thời ngừng dịch vụ giao hàng Click&Collect do sự sẵn có của các sản phẩm trong các cửa hàng thấp hơn. Kể từ ngày 18/3, gã khổng lồ siêu thị này cũng ra mắt "Giờ cộng đồng" trong tất cả các siêu thị, nhằm cải thiện việc tiếp cận các mặt hàng tạp hóa thiết yếu dành cho người cao tuổi và những người có hoàn cảnh khó khăn.

Công ty thương mại điện tử Ấn Độ Flipkart cho biết, họ đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác trên thị trường để đảm bảo có đủ các sản phẩm vệ sinh tiêu dùng như nước rửa tay, găng tay và khẩu trang, bởi những sản phẩm này có thể cháy hàng do nhu cầu của khách hàng cao.

Siêu thị Tesco của Vương quốc Anh cũng đặt ra những hạn chế mua hàng đối với một số sản phẩm thiết yếu nhất định, trong bối cảnh nhu cầu tăng theo cấp số nhân. Tương tự, các siêu thị trực tuyến khác cũng đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu chưa từng có phát sinh từ việc mua hàng hoảng loạn giữa đại dịch COVID-19.

Bảo vệ cộng đồng người mua sắm

Để đáp ứng nhu cầu, các nhà bán lẻ điện tử đang làm việc suốt ngày đêm trong khi vẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để vận hành một cách an toàn. FreshDirect, một cửa hàng tạp hóa trực tuyến hàng đầu ở Mỹ đang cung cấp dịch vụ giao hàng "không chạm" để giữ an toàn cho khách hàng, sản phẩm và nhân viên của mình.

Trước những diễn biến đang diễn ra, Instacart gần đây đã công bố các hướng dẫn về sức khỏe và an toàn mới, cũng như các tài nguyên và đầu tư để bảo vệ cộng đồng người mua sắm.

Nhà bán lẻ điện tử này cũng triển khai dịch vụ "Leave at my Door Delivery" (tạm dịch: “để hàng trước cửa nhà"), một tính năng mang đến cho khách hàng sự linh hoạt để nhận hàng tạp hóa được giao đến mà không cần phải đi ra cửa hoặc phải có mặt ở nhà. Dịch vụ được dành cho tất cả khách hàng của Instacart trên khắp khu vực Bắc Mỹ.

Trong khi đó, Grofers đã thực hiện các tiêu chí sàng lọc nghiêm ngặt tại các cơ sở của mình để đảm bảo sự an toàn cho  nhân viên và đang thực hiện những biện pháp phòng ngừa cần thiết theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Công ty này cũng dừng việc đi lại giữa các địa điểm và văn phòng, và nhân viên giao hàng đang được theo dõi và đào tạo về cách xử lý các thùng kín, hiện đang được rửa và khử trùng sau mỗi lần sử dụng.

Ngoài ra, Flipkart, Amazon và những công ty bán lẻ điện tử khác đang tuân thủ hướng dẫn vệ sinh của WHO trong quá trình giao hàng. Flipkart cung cấp tất cả các chất khử trùng và thiết bị cần thiết khác để sử dụng trong khi họ di chuyển và đang theo dõi các khu vực bị ảnh hưởng để giảm thiểu sự phơi nhiễm. Gã khổng lồ thương mại điện tử này cũng tổ chức các buổi hướng dẫn về cách để nhân viên và đối tác có thể giảm thiểu sự phơi nhiễm bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản.

Lê Thảo (Lược dịch từ Devdiscourse)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.