Chủ Nhật, 12/08/2018 11:15

Những nhân vật nổi tiếng thế giới “cầm tinh con trâu”

Những người sinh năm Sửu thường chăm chỉ, cần mẫn, nhưng đôi lúc họ được cho là có tính khí thất thường và khi không thể kiềm chế cũng trở nên đáng sợ.

Đông Nam Á: Đón Tết Nguyên đán giữa đại dịchThủ tướng Canada chúc Tết cộng đồng người Việt

Theo quan niệm của Phương Đông, trâu là con vật chăm chỉ, cần cù, Những người sinh năm Sửu cũng có đặc điểm như vậy.

Ngoài sự chăm chỉ, cần mẫn, người tuổi Sửu có thường có tính cách khảng khái, trầm tĩnh, thường là người hiền lành, thích sự bình yên, không ham nơi xô bồ, cạnh tranh.

Phần lớn người tuổi Sửu thông minh, thường dựa vào học vấn của mình mà làm nên sự nghiệp. Họ luôn xuất hiện với ngoại hình chỉn chu, thái độ điềm đạm. Người tuổi Sửu vì vậy thường được quý mến và để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt mọi người.

Một nét tính cách khác được xem là “điểm trừ” của những người sinh năm Sửu là bảo thủ, cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Đôi khi nổi nóng, họ có thể trở nên hung dữ và đáng sợ.

Dưới đây là phác họa một số nhân vật nổi tiếng trên thế giới sinh năm Sửu:

Barack Obama (1961, Tân Sửu)

Barack Obama là tổng thống thứ 44 của nước Mỹ với 2 nhiệm kỳ 2009-2013 và 2013-2017. Trước đó ông là Thượng nghị sỹ bang Ollinois.

Barack Obama. Ảnh: Thư viện tổng thống Obama

Barrack Obama là tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông tập trung vào việc đối phó với khủng hoảng kinh tế, ký ban hành nhiều dự luật quan trọng trong việc kích thích kinh tế. Chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare là một trong những dấu ấn quan trọng trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Obama. Ông cũng là tổng thống đương nhiệm đầu tiên ủng hộ kết hôn đồng giới. Năm 2009, ông được trao giải Nobel Hòa Bình.

Về chính sách ngoại giao, ông Obama tìm cách khôi phục lại quan hệ với Nga, đặc biệt là Hiệp ước NEW START ký năm 2011. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ với Nga cũng xuống mức thấp kể từ sau Chiến tranh Lạnh khi ông Putin trở lại nắm quyền Tổng thống Nga năm 2012.

Ông Obama cũng là người ra lệnh tiến hành các chiến dịch quân sự ở Libya nhằm hỗ trợ việc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, chấm dứt can dự quân sự ở Iraq và ra lệnh tiến hành chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, can thiệp Syria với mục tiêu chống khủng bố. Thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba, giảm quân ở Afghanistan và ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là những di sản đáng chú ý của ông Obama.

Trong nhiệm kỳ thứ 2, ông Obama ủng hộ mạnh mẽ vấn đề kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng đẫm máu ở trường tiểu học Sandy Hook.

Magaret Thatcher (1925, Ất Sửu)

Magaret Thatcher là nữ thủ tướng đầu tiên của Anh. Ảnh: USA Toda​y

Magaret Thatcher là nữ thủ tướng đầu tiên của Anh, còn được biết đến với biệt danh “người đàn bà thép”. Khi đương chức, các chính sách của bà nổi tiếng với tên gọi “Chủ nghĩa Thatcher”, nhấn mạnh vào đơn giản hóa thủ tục, thị trường tự do và tư nhân hóa các công ty thuộc sở hữu của nhà nước. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ của bà không cao do tỷ lệ thất nghiệp cao cùng với suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, chiến thắng trong cuộc chiến Falklands năm 1982 với Argentina đã làm gia tăng ảnh hưởng của bà trong cuộc bầu cử vào năm sau đó.

Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 năm 1987, quan điểm của bà về Cộng đồng châu Âu đã gây chia rẽ trong nội các. Bà buộc phải từ chức năm 1990 do sức ép từ các thành viên cấp cao trong đảng Bảo thủ. Bà qua đời năm 2013 vì đột quỵ.

Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman (1985, Ất Sửu)

Ảnh: Deccan Herald

Mohammad bin Salman trở thành Thái tử Saudi Arabia năm 2017 và được “ngầm” coi là người cầm quyền thực sự ở nước này do Quốc vương Salman đã nhiều tuổi. Ông được đánh giá cao về những cải cách, trong đó có việc nới lỏng những bộ luật hạn chế đối với việc phụ nữ, cũng như nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia để giảm sự phụ thuộc vào doanh thu từ dầu mỏ.

Ông vấp phải sự chỉ trích của quốc tế vì sự can thiệp vào Yemen, vụ sát hại nhà báo Jamal Khasoggi ở lãnh sự quán Saudo tại Thổ Nhĩ Kỳ và leo thang các bất đồng ngoại giao với các nước láng giềng.

Benjamin Netanyahu (1949, Kỷ Sửu)

Benjamin Netanyahu sinh năm 1949 tại Tel Aviv, là thủ tướng đầu tiên của Israel sinh ra sau khi Nhà nước Israel được thành lập.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: NBC News

Ông được bầu làm thủ tướng 4 lần và là thủ tướng duy nhất trong lịch sử Israel đắc cử 3 lần liên tiếp.

Ông Netanyahu giữ chức thủ tướng lần đầu tiên từ tháng 6/1996 đến tháng 7/1999. Sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 1999, ông Netanyahu tạm thời rút lui khỏi chính trường. Thời Thủ tướng Sharan, ông Netanyahu từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Tài chính (2003-2005).

Ông Netanyahu trở lại cuộc đua vào ghế Thủ tướng Israel năm 2009 và giữ chức vị này cho tới nay.

Joko Widodo (1961, Tân Sửu)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: K​T

Joko Widodo là Tổng thống đương nhiệm của Indonesia (từ 2014 đến nay). Ông xuất thân từ một gia đình nghèo. Cha ông và chính bản thân ông là thợ mộc, chuyên sản xuất bàn ghế. Ông tham gia công đoàn các nhà kinh doanh vừa và nhỏ, rồi tham gia Đảng Dân chủ Indonesia của bà Megawati Sukarnoputri, con gái ông Sukarno, tổng thống đầu tiên của Indonesia.

Trước khi trở thành Tổng thống, ông Widodo là thị trưởng Surakarta từ 2005-2012 và Thống đốc Jakarta từ 2012-2014. Ông là tổng thống đầu tiên của Indonesia không nổi lên từ giới tinh hoa chính trị hay tướng lĩnh quân đội nước này. Chiến thắng của ông phản ánh mong muốn của cử tri Indonesia về nhà lãnh đạo mới và không tham nhũng.

António Guterres (1949, Kỷ Sửu)

António Guterres là Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Ảnh: UN

Ông António Guterres làm công việc giảng dạy trước khi tham gia đảng Xã hội năm 1972 và bắt đầu sự nghiệp chính trị. Ông trở lãnh đạo đảng Xã hội Bồ Đào Nha năm 1992 và dẫn dắt đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1995, sau đó ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng.

Trong nhiệm kỳ thứ nhất, tỷ lệ ủng hộ ông Guterres khá cao. Tuy nhiên, nhiệm kỳ thứ hai của ông lại không mấy thành công, đặc biệt là sau thảm họa cầu Hintze Ribeiro năm 2001. Ông từ chức năm 2002.

Năm 2005, ông được bầu làm Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn và giữ chức vụ này tới năm 2015. Năm 2017, ông được bầu làm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc./.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng là quá lớn, gây áp lực đáng kể lên lực lượng cứu hộ ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023
6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra, những cú sốc địa chính trị và lạm phát kéo dài dự kiến sẽ tiếp tục là những rủi ro chính trong năm 2023. Tuy nhiên, châu Á có thể sẽ là một điểm sáng trong bối cảnh những cơn gió ngược ngày càng gia tăng, khi khả năng phục hồi của khu vực một lần nữa được thể hiện.

Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine
Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine

Tính từ năm 2015, Nông dân chăn nuôi vịt người Pháp Herve Dupouy đã 4 lần phải tiêu hủy đàn vịt của mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Dù vậy, khi đợt dịch một lần nữa bùng phát trong trang trại của ông, người nông dân Pháp Herve Dupouy khẳng định, đã đến lúc phải chấp nhận giải pháp tiêm chủng cho gia cầm.