Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021 ở Cornwall, Anh. Ảnh minh họa: AFP/Lao động
Cụ thể, nhóm các nền kinh tế hàng đầu bao gồm Anh, Canada, Pháp, Italy, Đức, Nhật Bản và Mỹ sẽ cùng nhau thể hiện sự gắn kết dân chủ của phương Tây. Bên cạnh đó, hội nghị cũng có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Australia, Nam Phi và Hàn Quốc, cùng với lãnh đạo Ấn Độ tham gia họp từ xa, khi chương trình họp mở rộng sang các vấn đề về chính sách đối ngoại và khí hậu.
Được biết, đây là lần đầu tiên hội nghị G7 tổ chức theo mô hình trực tiếp kể từ năm 2019 ở Cornwall, tây Nam nước Anh, sau khi đại dịch khiến phiên hội nghị thượng đỉnh năm 2020 phải bị hủy bỏ.
Các nhà lãnh đạo đã khai mạc hội nghị kéo dài 3 ngày kể từ ngày 11/6, với kỳ vọng cam kết tài trợ 1 tỷ liều vaccine COVID-19 cho các nước nghèo trong năm nay và năm tới.
Khối G7 dự kiến sẽ hoàn thành “tuyên bố Vịnh Carbis”, bao gồm loạt các cam kết nhằm ngăn chặn sự tái diễn gây nên do đại dịch COVID-19.
“Lần đầu tiên, các nền dân chủ hàng đầu trên thế giới đã tập hợp lại với nhau để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không bao giờ bắt gặp những sự cố không biết trước này lần nữa. Điều này có nghĩa là chúng ta rút ra bài học cho 18 tháng vừa qua và hành động khác biệt cho lần tiếp theo”, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết trong bài phát biểu đưa ra vào ngày thứ hai của phiên hội nghị.
Theo đó, tuyên bố Vịnh Carbis sẽ được đưa ra vào ngày 13/6 cùng với thông báo cuối cùng của nhóm G7.
Các bước hành động chung sẽ bao gồm giảm thời gian phát triển và cấp phép vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán cho bất kỳ bệnh nào trong tương lai sẽ được thực hiện trong vòng dưới 100 ngày, đồng thời củng cố mạng lưới giám sát toàn cầu.
Theo chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson, các nhà lãnh đạo sẽ cam kết thúc đẩy năng lực nghiên cứu trình tự bộ gen và hỗ trợ các cách để củng cố Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong một ý kiến khác có liên quan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Thế giới cần một hệ thống giám sát toàn cầu mạnh mẽ hơn để phát hiện những nguy cơ dịch bệnh và đại dịch mới”.
Trong đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến với hội nghị mang theo thông điệp đoàn kết và quyết tâm hoàn toàn trái ngược với lập trường biệt lập của người tiền nhiệm.
Cuối tuần này, các lãnh đạo nhóm G7 cũng sẽ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu để tạo cơ sở cho hội nghị thượng đỉnh về môi trường quan trọng của Liên Hiệp Quốc – hội nghị COP 26 diễn ra tại Glasgow, thuộc xứ Scotland (Anh) vào tháng 11 tới.
Hiện các nhà lãnh đạo đang tranh luận về cam kết bảo vệ ít nhất 30% đất đai và đại dương trên thế giới vào năm 2030.
Hầu hết các nhà lãnh đạo sẽ có phiên họp vào đầu tuần sau (14/6) tại Brussels cho Hội nghị thượng đỉnh NATO, trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiến tới tham gia phiên hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Geneva. Tại đây, có thể sẽ có thông điệp thẳng thắn về hành vi của Nga.
Lãnh đạo các nước trong khối G7 cũng cam kết sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho các quốc gia đang phát triển trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)