Thứ Năm, 03/01/2019 08:51

Đưa du lịch ASEAN thoát khỏi vòng xoáy của đại dịch COVID-19

Các quốc gia Đông Nam Á đã triển khai nhiều giải pháp nhằm vực dậy ngành du lịch hầu như đang trong tình trạng "đóng băng" và chịu tổn thất nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Khởi động Kế hoạch hành động ASEAN về chống rác thải nhựa đại dươngASEAN xem xét triển khai chứng nhận vaccine COVID-19 kỹ thuật sốKhai trương gian hàng văn hóa và du lịch ASEAN tại Hàn QuốcASEAN: Sử dụng trang web visitseasia.travel làm nền tảng cập nhật du lịch và COVID-19ASEAN cân nhắc tạo “bong bóng du lịch” để kích cầu ngành du lịch

Nhân viên sân bay quốc tế Phuket cầm tấm biển có dòng chữ ''sandbox'' (Hộp cát) để dẫn đầu đoàn khách đầu tiên đến đảo. (Nguồn: Bangkok Post)

Gần 300 du khách quốc tế đầu tiên đã đến đảo Phuket của Thái Lan ngày 1/7 trong bối cảnh nước này đang nỗ lực khôi phục ngành du lịch bị dịch bệnh COVID-19 tàn phá.

“Hộp cát Phuket," chương trình thí điểm mở cửa cho du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ và được chứng nhận không mắc COVID-19, biến Phuket trở thành địa điểm đầu tiên ở quốc gia Đông Nam Á này đón khách du lịch trở lại.

Các chuyến bay từ Israel, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Singapore... hạ cánh xuống hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng trên biển Andaman này ngày 1/7 mang theo hy vọng hồi sinh nền kinh tế vốn dựa vào "ngành công nghiệp không khói" của Thái Lan. Đây là bước đầu tiên trong nỗ lực thực hiện mục tiêu mở cửa các điểm du lịch cho du khách nước ngoài đã tiêm chủng vào đầu tháng 10 tới.

Không chỉ Thái Lan, các quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm vực dậy ngành du lịch hầu như đang trong tình trạng "đóng băng" và chịu tổn thất nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Thái Lan đã mất khoảng 50 tỷ USD doanh thu từ du lịch trong năm ngoái, khi lượng du khách quốc tế giảm đến 83% so với năm 2019. Đây là tổn thất đáng kể khi đóng góp của ngành du lịch Thái Lan vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 chiếm 18%, trong đó 12% từ nguồn khách du lịch quốc tế.

Năm ngoái, số lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia giảm 80,2% so với năm 2019, khiến doanh thu du lịch quốc tế cũng giảm 79,2%. Sự sụt giảm này dẫn tới đóng góp của ngành du lịch vào GDP chỉ là 3% năm 2020, từ con số 12,1% của năm trước đó. Các đợt bùng phát dịch mới trong năm nay khiến tình hình càng thêm khó khăn. Quý 1 năm nay, số lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia giảm 93,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Du lịch Việt Nam cũng không tránh khỏi xu thế suy giảm chung. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm ngoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 79,5% so với năm 2019, khách nội địa giảm 34,1%; tổng thu du lịch giảm 58,7% (tương đương 19 tỷ USD). Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động.

Có thể nói COVID-19 thực sự là cú sốc giáng mạnh vào ngành du lịch các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nơi trước đại dịch từng đón khoảng 143,59 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung 4% của thế giới, với doanh thu 380 tỷ USD và tạo 42,3 triệu việc làm. Với nhiều quốc gia, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp đáng kể cho GDP.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, ngay từ năm ngoái, các nước Đông Nam Á đã tìm nhiều cách thức khác nhau để duy trì hoạt động của ngành du lịch. Khi hầu hết các nước phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus, hầu hết các quốc gia ASEAN xác định thị trường nội địa là “điểm tựa."

Chương trình “We Travel Together” trị giá 22,4 tỷ baht (khoảng 720 triệu USD) của Thái Lan, áp dụng đến hết tháng 8/2021, cung cấp 5 triệu đêm lưu trú tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong nước và 2 triệu vé máy bay,với mức giá chỉ bằng 40% mức thông thường.

Tại Indonesia, gói kích thích trị giá 25.000 tỷ rupiah (1,7 tỷ USD) được thực hiện dưới hình thức giảm trực tiếp giá vé máy bay, phòng khách sạn cũng như cung cấp các phiếu mua tour giảm giá trên các ứng dụng trực tuyến trong khuôn khổ chương trình phục hồi kinh tế quốc gia có tổng trị giá gần 320.000 tỷ Rupiah.

Singapore tung ra gói kích cầu du lịch nội địa trị giá 450 triệu SGD, còn Malaysia tháng 6/2020 công bố biện pháp ưu đãi thuế dịch vụ du lịch có hiệu lực trong vòng một năm và giảm thuế thu nhập cá nhân lên tới 1.000 RM cho các chi phí du lịch trong nước cho đến ngày 31/12/2021.

Du khách thích thú check-in tại vườn nho ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Tại Việt Nam, bên cạnh một loạt chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch được chính phủ triển khai, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” phát động từ đầu tháng 5/2020 cùng với thông điệp "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn" đã giúp thị trường du lịch sôi động trở lại, tần suất các chuyến bay trong nước dần khôi phục, thậm chí tăng thêm, công suất buồng phòng tăng mạnh trở lại, một số nơi đạt 80-90% vào cuối tuần.

Đầu năm nay, việc nhiều nước trên thế giới bắt đầu triển khai tiêm vaccine, dần mở cửa biên giới đem lại hy vọng cho khu vực ASEAN. Indonesia đang áp dụng chiến dịch du lịch an toàn có tên gọi “Indonesia care”.nesia care”, đồng thời xúc tiến triển khai chương trình “bong bóng du lịch” với nhiều quốc gia trong đó có Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Trung Quốc, Singapore và Hà Lan.

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu thu hút 7 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm nay, trong khi mục tiêu của Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI) là 13-14 triệu lượt với dự báo các du khách sẽ bắt đầu quay trở lại nước này ba tháng sau khi chương trình tiêm chủng toàn quốc ngừa COVID-19 được phát động hôm 13/1.

Chương trình khuyến khích du lịch của Thái Lan đã được triển khai ở đảo Phuket, dự kiến sẽ mở rộng sang các điểm du lịch khác như Koh Samui, Koh Tao và Koh Phangan, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) hy vọng sẽ có 100.000 lượt du khách nước ngoài tới Phuket trong quý 3 năm nay và sẽ tạo ra doanh thu khoảng 8,9 tỷ baht (khoảng 277 triệu USD).

Chính phủ Campuchia cũng đã xây dựng dự thảo kế hoạch hồi phục ngành du lịch trong và sau đại dịch COVID-19 gồm ba giai đoạn. Giai đoạn hiện nay tập trung vào quản lý khủng hoảng trong trạng thái bình thường mới, linh hoạt và tái khởi động ngành dịch vụ. Giai đoạn 2022-2023 là hồi phục du lịch sau khủng hoảng COVID-19 và chuẩn bị cho sự trỗi dậy của ngành dịch vụ này trong giai đoạn 2024-2025.

Phần lớn các nước đều thúc đẩy chương trình tiêm chủng để tạo điều kiện mở cửa du lịch. Ở Thái Lan, tính đến ngày 27/6, đã có 63% người dân trong tỉnh Phuket được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ hai.

(Nguồn: Getty Images)

Indonesia cũng triển khai thiết lập các “vùng xanh” hay “hành lang không COVID-19” tại các điểm du lịch như đảo Bintan, Batam thuộc tỉnh Quần đảo Riau, và đảo Bali với việc ưu tiên cung ứng vaccine cho ít nhất 70% người dân sở tại ngay trong tháng Bảy.

Tuy nhiên, những làn sóng lây nhiễm mới sau sự xuất hiện của biến thể mới COVID-19 khiến nhiều quốc gia khu vực lại gồng mình chống dịch. Điều này đang tạo ra nhiều thách thức đối với nỗ lực của các nước ASEAN.

Thậm chí, Indonesia ngày 1/7 đã quyết định đình chỉ các chương trình phục hồi du lịch như mở cửa trở lại Bali cho du khách nước ngoài, chương trình du lịch dựa vào vaccine và thỏa thuận hành lang du lịch (TCA) cùng chương trình “Làm việc từ Bali” do việc áp đặt lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng khẩn cấp tại đây. Nước này đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến với gần 24.900 ca ngày 1/7.

Số ca mắc mới theo ngày vẫn lên tới khoảng 7.000 ca cũng buộc Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia, tiếp tục đóng cửa với du khách quốc tế. Philippines đang tìm cách thúc đẩy du lịch nội địa, thiết lập "bong bóng du lịch" giữa một số tỉnh.

Tuy nhiên, việc thủ đô Manila và hàng loạt hu vực đặt trong tình trạng phong tỏa để ngăn chặn biến thể mới khiến nhiều du khách phải hủy bỏ kế hoạch du lịch. Campuchia, Malaysia... cũng đối mặt với khó khăn tương tự khi chưa kiểm soát được COVID-19.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) dự báo ngành công nghiệp không khói trên toàn cầu sẽ khó có thể phục hồi toàn toàn cho đến năm 2023.

Báo cáo nêu rõ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các chứng nhận về COVID-19 là yếu tố chính giúp khôi phục ngành du lịch, tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới vẫn không đồng đều, nhiều nước có tỷ lệ tiêm phòng lên tới 60% song có nhiều nước tỷ lệ đạt chưa đầy 1%, phục hồi du lịch vẫn tiếp tục là bài toán khó.

Đặc biệt, khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện, gây nguy cơ bùng phát làn sóng dịch mới bất cứ lúc nào, các chuyên gia nhận định bất kỳ kế hoạch khôi phục du lịch nào cũng cần bảo đảm yếu tố an toàn với những bước đi thận trọng. Nói cách khác, ngành du lịch chỉ có thể hồi phục bền vững khi xây dựng được các điểm đến an toàn.

Theo các chuyên gia, để đưa ngành du lịch của ASEAN thoát “vòng xoáy” COVID-19, các quốc gia khu vực cần tăng cường hợp tác không chỉ trên phương diện song phương mà cả đa phương để có sự chuẩn bị tốt cho việc nối lại hoạt động du lịch trong nội khối cũng như ngoài khối.

Ngay từ tháng 4/2020, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Du lịch ASEAN về COVID-19 đã được tổ chức nhằm thảo luận kế hoạch phối hợp hành động để bảo vệ doanh nghiệp du lịch, lao động trong ngành du lịch vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 ngày 12/11/2020, dưới sự chủ trì của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung về Du lịch số ASEAN. Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất với mục tiêu phát triển du lịch ASEAN bền vững và toàn diện sau khủng hoảng của đại dịch COVID-19.

Theo TTXVN/Vietnam+

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM