Trụ sở của Ngân hàng Citi ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo báo cáo nói trên, khoảng 54% khách hàng tổ chức của Ngân hàng Citi được khảo sát trong khu vực đã có các chính sách và hoạt động về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) được tích hợp trong chiến lược doanh nghiệp của họ; trong khi đó, gần 90% dự định triển khai các chính sách và hoạt động ESG trong vòng 5 năm.
Ngân hàng Citi cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 mang đến những thách thức mới, các vấn đề ESG trước đây nằm ở ngoại vi hiện đang được đặt lên hàng đầu đối với nhiều công ty. Hơn 2/3 số người được hỏi cho rằng, đại dịch COVID-19 là động lực thúc đẩy các chính sách và hoạt động thực hành ESG.
Bên cạnh đó, các động lực hàng đầu đằng sau việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG tổng thể bao gồm: sự phù hợp với chiến lược bền vững tổng thể của doanh nghiệp (65%); tác động tích cực đến mối quan hệ với khách hàng và những bên liên quan (57%); cũng như các yếu tố xã hội và môi trường (48%).
Khi được hỏi công cụ tài chính xanh và bền vững nào mà những người trả lời quan tâm nhất hoặc đang khám phá, trái phiếu xanh đứng đầu, với 22% người trả lời xếp hạng là lựa chọn đầu tiên của họ. Trong khi đó, hầu hết những người được hỏi (42%) chọn tài trợ vốn lưu động liên kết với ESG là 1 trong 3 lựa chọn hàng đầu của họ.
Theo MSCI Research, công ty này đã phân tích dữ liệu về chi phí vốn trong giai đoạn 2015 - 2019, các công ty có điểm ESG trên trung bình cao hơn ghi nhận chi phí vốn, vốn cổ phần và nợ thấp hơn, so với các công ty có điểm ESG kém ở cả những thị trường phát triển và mới nổi.
Với xu hướng này, nhu cầu của các nhà đầu tư đối với những giải pháp tài trợ ESG đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.
Trong một động thái liên quan, Công ty dịch vụ tài chính S&P Global Ratings dự báo, việc phát hành những trái phiếu như vậy sẽ tăng lên mức 700 tỷ USD vào năm 2021, tăng từ mức chỉ hơn 530 tỷ USD được ghi nhận trong năm 2020.
Đáng chú ý, khu vực châu Á sẽ có một phần ngày càng lớn hơn trong thị trường này, khi châu Á kỳ vọng thúc đẩy tài chính bền vững trên các thị trường vốn của khu vực.
"Chúng tôi ý thức rằng, khu vực của chúng tôi đang ở một vị trí quan trọng - chiếm gần 1/2 lượng khí thải toàn cầu, và đặc biệt đối mặt với rủi ro kinh tế và con người do khí hậu. Châu Á có thể và phải dẫn đầu trong việc thúc đẩy sự thay đổi tích cực trên toàn cầu”, ông Peter Babej, Giám đốc Điều hành Citi khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định.
Được biết, cuộc khảo sát nói trên đã được thực hiện vào quý I năm nay, với 259 khách hàng tổ chức tại 14 thị trường trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lê Thảo (Lược dịch từ Business Times)