Chủ Nhật, 10/02/2019 09:28

Sau biến thể Delta, Lambda... sẽ là biến thể nào?

Theo các chuyên gia, ngoài biến thể Delta, sẽ ngày càng có nhiều biến thể COVID-19 xuất hiện và dần dần sẽ có một hoặc vài biến thể học được cách khống chế các kháng thể do vắc xin tạo ra.

Biến thể COVID-19 đang phá vỡ kế hoạch mở cửa trở lại của thế giớiTiêm chủng đầy đủ giúp giảm 50-60% nguy cơ nhiễm COVID-19Biến thể Delta đứng sau sởi về khả năng lây nhiễm

Ngày càng nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện, điều mà giới khoa học cho là bản chất tự nhiên của virus - Ảnh: REUTERS

"Không đủ tên đặt cho các biến thể"

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã bày tỏ lo lắng bảng chữ cái Hy Lạp có thể không đủ để đặt tên cho các biến thể mới của SARS-CoV-2. Đây là một dự báo có thể sớm trở thành thực tế do sự xuất hiện ngày càng nhiều của các biến thể mới.

So với chủng gốc được ghi nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc), các biến thể sau đã "tiến hóa" hơn, có khả năng xâm nhập tế bào tốt hơn và né được tác dụng của vắc xin COVID-19.

Hãng tin Reuters trích lời bác sĩ Gregory Poland mô tả sự xuất hiện và lây lan của biến thể Delta là phát súng cảnh báo tới con người. 

Theo chuyên gia này, sẽ ngày càng có nhiều biến thể và dần dần sẽ có một hoặc vài biến thể học được cách khống chế các kháng thể do vắc xin tạo ra. Nếu điều đó xảy ra, cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu xem như trở về vạch xuất phát.

Giới khoa học có một sự đồng thuận nhất định về sự biến đổi của SARS-CoV-2, xem đây là một phần của tự nhiên. Theo họ, virus bao giờ cũng biến đổi để thích nghi tốt hơn, đối phó hiệu quả hơn với vắc xin.

Xung quanh việc vì sao lại có nhiều biến thể xuất hiện, giới chuyên gia hiện vẫn còn nhiều lời giải đáp khác nhau.

Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cho rằng những người chưa tiêm chủng đang tạo điều kiện làm xuất hiện thêm các biến thể mới. 

Theo ông Fauci, virus càng lây lan trong nhóm chưa tiêm chủng sẽ càng có nhiều cơ hội để biến đổi, có những đột biến "lành tính" nhưng cũng có những đột biến nguy hiểm giúp chúng tránh được hệ miễn dịch.

Ông Fauci lo ngại nếu Delta tiếp tục lây lan, sẽ có một lúc biến thể mới xuất hiện và gây nguy hiểm cho cả người chưa tiêm lẫn đã tiêm đủ vắc xin.

Những người ủng hộ phân phối vắc xin toàn cầu cũng tin vào điều này và nhấn mạnh một khi  vẫn còn nhiều người trên thế giới chưa tiêm vắc xin, virus vẫn có thể lây lan và biến đổi.

Bác sĩ Gregory Poland, một chuyên gia về vắc xin tại Mỹ, cho rằng con người chỉ có thể đánh thắng COVID-19 khi và chỉ khi có được siêu vắc xin ngăn chặn được lây nhiễm.

Theo ông Poland, vấn đề mấu chốt là vắc xin hiện tại có khả năng ngăn chặn bệnh trở nặng nhưng không ngăn được virus lây nhiễm cho người khác.

Đó là bởi vì virus vẫn có khả năng nhân lên trong mũi, ngay cả ở những người đã được tiêm vắc xin. Những người này sau đó có thể truyền bệnh khi hắt hơi, bắn các giọt li ti trong không khí. 

Một số ý kiến cho rằng thay vì tạo ra siêu vắc xin, có thể kết hợp giữa vắc xin tiêm bắp tay và vắc xin dạng xịt mũi. Điều này sẽ giúp bảo vệ cơ thể tốt hơn, ngăn chặn được virus nhân lên ngay cửa ngõ chúng xâm nhập.

Ít nhất 7 loại vắc xin dạng xịt mũi đang được thử nghiệm trên toàn cầu - Ảnh: AFP

Các biến thể đáng lo ngại

Các nhà khoa học vẫn tập trung vào biến thể Delta được ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ và được WHO phân loại là "biến thể đáng lo ngại". Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra rằng những người bị nhiễm Delta mang virus trong mũi của họ nhiều hơn 1.260 lần so với chủng gốc.

Một báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ cho thấy các ca nhiễm đột phá biến thể Delta có tải lượng virus ngang bằng với những người không được tiêm chủng.

Các biến thể trước đây thường mất đến 7 ngày để gây ra các triệu chứng. Với biến thể Delta, các triệu chứng chỉ xuất hiện từ 2-3 ngày sau khi nhiễm. Theo Reuters, điều này đồng nghĩa cơ thể có ít thời gian hơn để phản ứng và tăng cường phòng thủ.

Một nhánh phụ của biến thể Delta là Delta Plus có khả năng né tránh miễn dịch cũng đã được ghi nhận ở trên 30 nước. Hiện WHO vẫn chưa xếp Delta Plus vào nhóm biến thể đáng lo ngại.

Biến thể Lambda được ghi nhận lần đầu tại Nam Mỹ cũng đang gây chú ý sau khi xuất hiện tại Mỹ, nơi có tổng số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới. 

WHO xếp Lambda vào nhóm biến thể đáng quan tâm, với các đột biến bị nghi ngờ có khả năng làm bệnh nặng thêm hoặc khả năng lây nhiễm cao. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy biến thể này có khả năng lẩn trốn các kháng thể do vắc xin tạo ra.

So với biến thể Delta, Lambda vẫn chưa chiếm số lượng lớn ca nhiễm. Theo giáo sư Eric Topol (Mỹ), tỉ lệ báo cáo các ca nhiễm biến thể Lambda trên GISAID đã giảm xuống, một dấu hiệu cho thấy biến thể này đang suy yếu. GISAID là một cơ sở dữ liệu theo dõi các biến thể của SARS-CoV-2.

Ông William Schaffner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho biết biến thể Lambda không có khả năng làm tăng số ca nhiễm và vắc xin vẫn hiệu quả.

Biến thể B.1.621 cũng cần được theo dõi, theo Reuters. Xuất hiện ở Colombia vào tháng 1-2021, biến thể chưa có tên theo chữ cái Hy Lạp này đã gây ra một đợt bùng phát lớn. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu đã xem B.1.621 là một biến thể đáng quan tâm.

Biến thể này mang một số đột biến chính, bao gồm E484K, N501Y và D614G, có liên quan đến việc tăng khả năng lây nhiễm và giảm khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch. 

Cho đến nay, đã có 37 trường hợp nghi nhiễm và đã được xác nhận nhiễm B.1.621 ở Anh, theo một báo cáo gần đây của chính phủ. Biến thể này cũng đã lây nhiễm cho nhiều bệnh nhân tại Florida, nơi có tỉ lệ người dân tiêm chủng dưới 50%.

Giới khoa học vẫn đang phối hợp để xây dựng bức tranh chung về biến thể này và biến thể Lambda.

Theo Tuoitre

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine
Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine

Tính từ năm 2015, Nông dân chăn nuôi vịt người Pháp Herve Dupouy đã 4 lần phải tiêu hủy đàn vịt của mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Dù vậy, khi đợt dịch một lần nữa bùng phát trong trang trại của ông, người nông dân Pháp Herve Dupouy khẳng định, đã đến lúc phải chấp nhận giải pháp tiêm chủng cho gia cầm.

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.