Khủng hoảng lương thực sẽ gây hại cho hàng triệu người trên thế giới. Ảnh: Getty Image
Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass, xung đột ở Ukraine đã gây ra sự gia tăng đáng báo động các biện pháp kiểm soát của các phủ trên thế giới trong việc xuất khẩu thực phẩm. Ông Malpass nhấn mạnh rằng việc ngăn chặn xu hướng này là rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu này đang khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu dễ xảy ra hơn.
Chỉ trong vài tuần qua, số quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực đã tăng 25% lên tổng cộng 35 quốc gia. Tính đến cuối tháng 3/2022, 53 biện pháp can thiệp chính sách mới ảnh hưởng đến thương mại lương thực đã được áp dụng, theo dữ liệu mới nhất. Lịch sử cho thấy rằng những hạn chế như vậy có thể gây ra những tác động hết sức nghiêm trọng. Một thập kỷ trước, chúng đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, khiến giá lúa mì tăng lên tới 30%.
Thực tế, khủng hoảng lương thực có hại cho tất cả mọi người, nhưng tác động nặng nề nhất đến những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, vì hai lý do. Thứ nhất, các quốc gia nghèo nhất trên thế giới có xu hướng là các quốc gia nhập khẩu lương thực. Thứ hai, thực phẩm chiếm ít nhất 50% tổng chi tiêu của các hộ gia đình ở các nước thu nhập thấp. Năm 2008, cuộc khủng hoảng lương thực đã làm gia tăng đáng kể tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ em. Nhiều hộ gia đình phải cầm cố đồ vật có giá trị để mua thực phẩm. Một số nghiên cứu còn cho thấy tỷ lệ bỏ học lên tới 50% ở những đưa trẻ xuất thân từ các hộ gia đình nghèo nhất. Đó là những thiệt hại về kinh tế và xã hội không thể dễ dàng được đảo ngược.
Theo WB, các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu lương thực hiện bao gồm khoảng 21% thương mại lúa mì trên thế giới - thấp hơn nhiều so với mức 74% vào thời đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng 2008-2011; tuy nhiên, quy mô của các hạn chế này có thể nhanh chóng gia tăng.
Rõ ràng, các biện pháp hạn chế thương mại đã và đang tác động đến giá lương thực. Nga đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu lúa mì sang các nước ngoài Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Các nhà xuất khẩu nhỏ hơn, chẳng hạn như Serbia và Bắc Macedonia, cũng đã áp đặt các hạn chế, trong khi các nước nhập khẩu lương thực cũng có động thái tương tự. Chỉ riêng các biện pháp này đã bao gồm 16% thương mại thế giới và là nguyên nhân khiến giá lúa mì thế giới tăng 7 điểm phần trăm, chiếm khoảng 1/6 mức tăng giá chung.
WB cho rằng sự gia tăng các biện pháp can thiệp thương mại trong tháng 3 có thể là một dấu hiệu của sự gián đoạn nguồn cung trong thời gian tới. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu làm giảm nguồn cung toàn cầu, đẩy giá cả tăng cao, từ đó dẫn tới các hạn chế xuất khẩu mới để kiềm chế áp lực giá trong nước, tạo ra “hiệu ứng cấp số nhân” đối với giá quốc tế.
Theo nhận định của chủ tịch WB: “Nếu bất kỳ nhà xuất khẩu lúa mì nào trong số 5 nhà xuất khẩu hàng đầu cấm xuất khẩu, thì tác động tích lũy của các biện pháp này sẽ là làm tăng ít nhất 13% giá lúa mì thế giới - và thậm chí sẽ tăng cao hơn nữa nếu các nước khác có phản ứng tương tự”.
Vẫn còn cơ hội
Tuy nhiên, WB lạc quan rằng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu không phải là không thể tránh khỏi: mặc dù giá lương thực gần đây tăng cao bất thường, dự trữ toàn cầu của 3 mặt hàng chủ lực (gạo, lúa mì và ngô) vẫn ở mức cao theo tiêu chuẩn lịch sử. Các nước G7, trong đó có một số nhà xuất khẩu các loại lương thực chủ lực lớn nhất - bao gồm Mỹ, Canada và Liên minh Châu Âu, mới đây cũng đã có bước đi quan trọng khi cam kết không áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu lương thực và sử dụng “tất cả các công cụ và cơ chế tài trợ” để tăng cường an ninh lương thực toàn cầu. Theo khuyến nghị của WB, các nhà xuất khẩu thực phẩm lớn khác, như Australia, Argentina và Brazil… cũng nên tham gia vào cam kết trên.
Đồng thời, WB nhấn mạnh việc duy trì các dòng chảy lương thực toàn cầu, nhất là trong thời điểm căng thẳng kinh tế và địa chính trị gia tăng - phải là yêu cầu tối thiểu đối với các nhà hoạch định chính sách ở mọi nơi, với quy tắc không gây hại. Nguồn cung cấp lương thực không bị gián đoạn mang lại lợi ích cho người dân của tất cả mọi quốc gia, đồng thời sẽ mang lại cho các nhà hoạch định chính sách quốc gia một cơ hội tốt hơn trong việc vượt qua tất cả những cú sốc khác do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Bloomberg)