Thứ Hai, 16/10/2017 08:01 (GMT+7)
Cần đảm bảo an ninh lương thực trong đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 với những tác động của nó đang len lỏi vào cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. Trong khi trọng tâm trước mắt của các chính phủ là các chiến lược để quản lý đại dịch từ góc độ y tế cộng đồng, kinh tế và tài chính thông qua việc thực hiện các gói cứu trợ kinh tế, thì các chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro về an ninh lương thực và dinh dưỡng cho người dân cũng rất quan trọng.
Nhiều kệ hàng ở siêu thị trống trơn do nhu cầu tích trữ của người dân trước sự bùng phát của dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN
Thực tế, ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, mất an ninh lương thực đã là một vấn đề đáng lo ngại. Trên thế giới có khoảng hơn 820 triệu người không đủ ăn, trong số đó, 113 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Trong bối cảnh hiện nay, các các động kinh tế của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới sẽ khiến những con số này tăng cao hơn nữa. Các nhóm dễ bị tổn thương nhất là người nghèo, người di cư, người dân ở các khu vực xung đột và các nhóm dễ bị tổn thương khác… Theo một lưu ý gần đây của Liên minh Cải thiện dinh dưỡng toàn cầu (GAIN), những người suy dinh dưỡng với khả năng miễn dịch bị tổn thương có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với người bình thường.
Với các lệnh phong toả và đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, hàng triệu lao động hiện đã bị cắt giảm giờ làm hoặc thất nghiệp khiến thu nhập bị ảnh hưởng mạnh, điều này có thể làm giảm số lượng và chất lượng giỏ thực phẩm của các hộ gia đình. Do đó, chính phủ cần lập kế hoạch để tránh cho giá thực phẩm tăng cao và mất an ninh lương thực.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các chính phủ có thể thực hiện một loạt các hành động ngắn hạn để đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm trong nước, trong đó hệ thống thực phẩm địa phương sẽ đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý thị trường và xây dựng dự phòng để ngăn chặn sự gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm. Các hoạt động liên quan đến sản xuất, lưu trữ, phân phối, chế biến, đóng gói, bán lẻ và tiếp thị thực phẩm theo đó cũng cần được liên tục duy trì…
BẢO NGHI
(Lược dịch từ The ASEAN Post & ADB)