Thứ Bảy, 10/11/2018 16:42

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã đột biến hơn 6.600 lần

Tờ Straits Times ngày hôm nay (10/5) dẫn lời Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh, Giám đốc Điều hành của Viện Tin học Sinh học tại Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A*Star) Singapore cho biết, virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 đã trải qua hơn 6.600 lần đột biến về protein.

WHO: Nhiều quốc gia chưa đủ khả năng tiếp cận với vaccine COVID-19Brazil xuất hiện thêm biến thể mới của virus SARS CoV-2Dịch COVID-19: Hàng loạt quốc gia trong tình trạng cảnh báo cao độ

Các mẫu bệnh phẩm COVID-19 được phân tích tại một phòng thí nghiệm ở Vương quốc Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo ông Sebastian Maurer-Stroh, các virus đột biến bất cứ khi nào có "sai sót" trong quá trình sao chép. Điều này có thể là kết quả của việc thêm, xóa hoặc thay đổi mã di truyền của virus. Nếu "sai sót" đó làm tăng triển vọng sống sót của nó, nhiều bản sao của phiên bản "sai sót " đó sẽ tồn tại, và đôi khi áp đảo phiên bản gốc.

Chẳng hạn như, đột biến D614G đã bắt đầu tăng mạnh hồi tháng 2 năm ngoái, hiện được tìm thấy trong tất cả các mẫu virus, bất kể chúng là biến thể nào. Do biến thể này trở nên quá phổ biến, nó đã được đặt một tên nhánh riêng, và được chỉ định là nhóm G. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, mặc dù nhóm G đã gia tăng khả năng lây nhiễm, nhưng không gây bệnh nặng hơn, cũng như không ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, điều trị hoặc vaccine.

Nhóm G này và các nhóm phụ của nó - bao gồm GRY, một nhóm được đặt tên cho biến thể B117 ở Vương quốc Anh hồi tháng 7 năm ngoái - thực tế đã gây ra tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 kể từ giữa năm ngoái, thay thế hoàn toàn chủng virus ban đầu xuất hiện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc).

Nếu có rất nhiều đột biến của virus, tại sao WHO cho đến nay chỉ liệt kê 3 loại là "gây quan ngại", một số ít "cần quan tâm", và bỏ qua phần còn lại? Để đủ điều kiện là một biến thể “gây quan ngại” (VOC), virus đột biến phải cho thấy bằng chứng có ít nhất một trong các tiêu chí sau: lây nhiễm dễ dàng hơn, gây bệnh nặng hơn, làm giảm đáng kể sự trung hòa bởi các kháng thể, hoặc giảm hiệu quả điều trị, vaccine hoặc chẩn đoán.

Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh giải thích rằng, không phải tất cả các đột biến đều tạo ra sự khác biệt cho căn bệnh theo những cách này. Do đó, những đột biến này không tạo ra các làn sóng lây nhiễm.

Các biến thể thường bao gồm một tập hợp từ 5 - 15 đột biến cùng nhau mang lại cho chúng một số lợi thế bổ sung. Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh nhận định, thuật ngữ các biến thể "đột biến kép" hay "đột biến ba" được sử dụng để mô tả các chủng virus đang hoành hành ở Ấn Độ là một cách hiểu sai, nhưng nói chung là nhằm nói về các đột biến quan trọng hơn được tìm thấy trong các biến thể đó.

May mắn thay, hiện chỉ có 3 biến thể “gây quan ngại”. Tuy nhiên, có một số biến thể “cần quan tâm” (VOI) dường như cũng có một số đặc điểm của biến thể “gây quan ngại”, nhưng hiện tại vẫn chưa có đủ bằng chứng; và điều này có thể thay đổi. Chúng bao gồm 2 biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, đang gây ra sự gia tăng khổng lồ về số ca bệnh trong tháng qua.

Mặc dù số ca nhiễm và ca tử vong ở Ấn Độ đang tăng lên - 22 triệu ca và hơn 235.000 ca tử vong - WHO chưa phân loại chúng là các biến thể “gây quan ngại” vì vẫn chưa chắc chắn về mức độ lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở đó là do các biến thể này, và mức độ nào là do các yếu tố khác, như biện pháp an toàn kém và bệnh viện quá tải.

Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh, người tham gia vào công tác thu thập và phân tích những thay đổi đối với bộ gen của virus SARS-CoV-2 trong nền tảng chia sẻ dữ liệu Gisaid cho biết, có hơn 6.600 đột biến protein kể từ khi chủng virus này xuất hiện vào tháng 12/2019. Điều này cho thấy, 1 đột biến xảy ra cứ mỗi 2 giờ đồng hồ.

"Các loại vaccine có sẵn hiện nay có hiệu quả để chống lại các biến thể này không?". "Chắc chắn có", Giáo sư Ooi Eng Eong của Trường Y Duke-NUS (Singapore), người tham gia vào việc phát triển vaccine mRNA khẳng định.

Cụ thể, các nghiên cứu giữa những người đã được tiêm chủng phát hiện ra rằng, vaccine mRNA cũng có khả năng ngăn ngừa lây nhiễm từ các biến thể "gây quan ngại" khác nhau. Ít nhất 4 báo cáo đã chỉ ra, tỷ lệ nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 có triệu chứng mạnh là dưới 1% ở những người đã được tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Giáo sư Ooi Eng Eong giải thích thêm, vaccine không chỉ tạo ra kháng thể, mà còn "kích hoạt một bộ phản ứng miễn dịch" trong cơ thể, bao gồm sản xuất các tế bào T tiêu diệt cả virus và tế bào bị nhiễm bệnh. Chúng sẽ không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong protein đột biến.

Lê Thảo (Lược dịch từ Straits Times)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.