RCEP bao phủ 1/4 thương mại toàn cầu, 1/3 dân số thế giới. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn
Đây là vấn đề đáng lưu ý, nhất là khi nước này vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và trong bối cảnh mà căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, cộng thêm đó là đại dịch COVID-19 diễn tiến nghiêm trọng.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được lãnh đạo 15 nước thành viên ký kết vào ngày 15/11 sẽ giúp Hàn Quốc đẩy mạnh hơn nữa những chuyến hàng xuất đi nước ngoài. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết: “Một FTA có quy mô kỷ lục như vậy sẽ giải quyết những bất ổn trong môi trường kinh doanh toàn cầu và thúc đẩy thương mại tự do. Điều này cũng sẽ giúp Hàn Quốc đối phó tốt hơn với sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương và nội địa hóa của chuỗi giá trị toàn cầu”.
Bộ cũng chỉ ra rằng xuất khẩu của Hàn Quốc sang ASEAN đạt 38,7 tỷ USD vào năm 2007, sau đó tăng lên mức kỷ lục 95,1 tỷ USD vào năm 2019 nhờ vào FTA Hàn Quốc-ASEAN. Điều này cho thấy RCEP có thể giúp nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á mở rộng hơn nữa sự hiện diện ở Đông Nam Á.
Về quy mô kinh tế, RCEP đánh bại được Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tính riêng năm 2019, xuất khẩu của Hàn Quốc sang các nước thành viên của USMCA đạt 89,8 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang CPTPP đạt 129 tỷ USD. Số lượng hàng hóa từ Hàn Quốc xuất sang các nước RCEP giao động dưới mức 269 tỷ USD.
Được biết, Hàn Quốc, quốc gia phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc với 40% kim ngạch xuất khẩu hiện đã và đang nỗ lực đa dạng hóa danh mục thương mại và thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước Đông Nam Á.
Cụ thể, Seoul và Manila đã tổ chức vòng đàm phán chính thức thứ 5 cho FTA giữa hai nước Hàn Quốc, Philippines vào tháng Giêng. Các cuộc đàm phán với Malaysia cũng đang được tiến hành và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) với Indonesia cũng đang chờ một buổi lễ ký kết chính thức. Gần đây, Hàn Quốc cũng đã khởi động đàm phán FTA với Campuchia.
Đan Lê (Lược dịch từ Yonhap News)