Thứ Năm, 28/05/2020 11:30

Sự bùng nổ dân số ở châu Phi có thể thúc đẩy nền kinh tế của lục địa và toàn cầu

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới hiện ở mức kỷ lục 8 tỷ người. Các quốc gia châu Phi, đặc biệt là các quốc gia cận Sahara, là động lực chính của sự tăng trưởng dân số này, nhất là giữa lúc dân số ở nhiều quốc gia có thu nhập cao đang giảm hoặc bắt đầu co lại.

2 triệu trẻ em ở vùng Sừng châu Phi có nguy cơ đối mặt với chết đóiHàn Quốc đối phó khủng hoảng nhân khẩu họcThái Lan khuyến khích người dân sinh thêm conThái Lan: Học sinh ở Bangkok được tiêm chủng để chuẩn bị đến trườngSố lượng binh sĩ Hàn Quốc sẽ giảm xuống còn 500.000 vào năm 2022

Dân số châu Phi đang ngày càng mở rộng. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài trong vài thập kỷ tới, mối quan hệ của châu Phi với phần còn lại của thế giới có thể sẽ thay đổi mạnh mẽ.

Về lý do, ở hầu hết các quốc gia công nghiệp, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), tỷ suất sinh hiện chưa đạt mức thay thế (mức sinh mà một đoàn hệ phụ nữ trung bình có vừa đủ số con gái để “thay thế” họ trong quá trình tái sinh sản dân số), tức là khoảng 2,1 con/phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. Điều này có nghĩa là không có đủ trẻ em được sinh ra để thay thế vào số lượng người đã qua đời và do đó, trong tương lai, lực lượng lao động địa phương sẽ không đủ lớn để đảm nhận công việc của những người đã nghỉ hưu.

Mặt khác, châu Phi dường như đang đi theo hướng ngược lại. Khu vực cận Sahara có tỷ lệ sinh trung bình cao nhất thế giới, ở mức 4,6 con/mỗi phụ nữ, trong đó Niger đứng đầu danh sách với tỷ lệ sinh 6,8/một phụ nữ. Tiếp theo là Somalia ở mức 6, Congo, Mali và Chad đều có tỷ lệ sinh trên 5.

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, dân số châu Phi sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và chiếm ¼ dân số thế giới.

Các xã hội châu Phi không chỉ phát triển nhanh mà còn trẻ hơn nhiều so với hầu hết các khu vực khác. Điều này được thể hiện rõ nhất khi độ tuổi trung bình ở châu Âu là 42,5 thì ở châu Phi, con số này chỉ là 18.

Tuy nhiên, tác động của sự gia tăng nhân khẩu học đối với châu Phi và phần còn lại của thế giới là gì?

Châu Phi có đủ khả năng cho việc tăng dân số?

Theo nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) Hippolyte Fofack, lục địa này có đủ đất đai và tài nguyên để chứa một lượng dân số lớn hơn nhiều. Hiện tại, ở châu Phi, mật độ dân số là từ 45 - 47 người trên mỗi km2, trái ngược hoàn toàn so với mức 117 người ghi nhận ở châu Âu và mật độ dân số 150 người ở châu Á.

Blessing Mberu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe và Dân số châu Phi có trụ sở tại Kenya chia sẻ với phóng viên báo Dw rằng: “Châu Phi cần sự mở rộng nhân khẩu học này để phát triển. Các nhà máy, đường cao tốc, công nghệ và cơ sở hạ tầng sẽ không tự xuất hiện! Cần phải có người xây dựng, quản lý và sử dụng chúng”.

Châu Phi, một trong những lục địa lớn nhất thế giới, có nhiều đất đai để đáp ứng tình hình bùng nổ dân số của xã hội. Theo Liên Hiệp Quốc, lục địa này là nơi có khoảng 30% trữ lượng khoáng sản thế giới, 12% dầu mỏ và 8% trữ lượng khí đốt tự nhiên. Khoảng 60% diện tích đất trồng trọt trên thế giới là nằm ở châu Phi.

Theo nhà nghiên cứu Blessing Mberu, tuy có khả năng dân số đông hơn, nhưng cùng lúc, thách thức mà châu Phi gặp phải là cung cấp giáo dục và việc làm cho người dân.

Hiện tại, khu vực đang chứng kiến sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia. Ở một số quốc gia, đầu tư cho giáo dục, y tế và kinh tế tập trung ở khu vực thành thị. Đây là lý do tại sao có làn sóng di cư từ nông thôn vào thành phố, tạo ra những khu ổ chuột khổng lồ, đang trở thành một đặc điểm lâu dài tại các thành phố.

Những thay đổi trong nhân khẩu học tác động đến nền kinh tế như thế nào

Cả hai chuyên gia Hyppolyte Fofack và Blessing Mberu đều chắc chắn rằng về lâu dài, sự gia tăng dân số của châu Phi sẽ thúc đẩy nền kinh tế của lục địa phát triển...

Các xã hội ở những quốc gia có thu nhập cao được dự đoán sẽ già đi trong vòng từ 3 - 4 thập kỷ tới. Đến năm 2050, cứ 4 người sống ở châu Âu và Bắc Mỹ sẽ có 1 người từ 65 tuổi trở lên, song hơn một nửa số người châu Phi sẽ ở độ tuổi dưới 25.

Nhà kinh tế Hyppolyte Fofack nhận định: “Dân số già đi thường là tin xấu đối với nền kinh tế của một quốc gia. Điều đó có nghĩa là năng suất lao động giảm và chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên”.

Ngoài ra, những quốc gia có phần lớn người dân trong độ tuổi lao động sẽ là những thị trường tiềm năng, thị trường thuận lợi và tốt để đầu tư. Người tiêu dùng trong độ tuổi lao động cũng chi tiêu nhiều hơn, song mức tiêu dùng và chi tiêu sẽ chậm lại khi họ về hưu.

Thế giới cần thanh niên châu Phi

Nhà kinh tế Hyppolyte Fofack cho biết, ngay cả khi chính quyền địa phương không cung cấp đủ việc làm cho tất cả mọi người, một bộ phận dân số của lục địa này sẽ có xu hướng di cư đến các khu vực, nơi khác, tức đến các quốc gia có nhu cầu lớn hơn về lực lượng lao động trẻ. Quá trình này đã bắt đầu trong nhiều thập kỷ và một số quốc gia (bên ngoài châu Phi) đã tránh được suy thoái nhân khẩu học nhờ người di cư.

Bên cạnh đó, di cư cũng mang lại cơ hội cho người lao động nâng cao kỹ năng tại nước sở tại, sau đó mang những kỹ thuật và kỹ năng mới về cho quê nhà. Vai trò của lao động di cư rất quan trọng, đặc biệt là khi kiều hối, số tiền mà cộng đồng hải ngoại gửi về quê hương để giúp đỡ gia đình hiện chiếm một phần lớn trong thu nhập của một số quốc gia.

Trong một diễn biến có liên quan, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế thế giới đã phụ thuộc vào châu Phi, chủ yếu là do nguồn tài nguyên dồi dào mà châu lục này sở hữu. Tuy nhiên, tỷ trọng thương mại toàn cầu của châu lục này vẫn ở mức thấp, chỉ 3%.

Nếu những thay đổi nhân khẩu học hiện tại tiếp tục theo cùng một mô hình, có khả năng sự phục thuộc vào châu Phi sẽ tăng lên, qua đó tạo điều kiện cho lục địa này điều chỉnh vấn đề bất bình đẳng hiện tại.

Đan Lê (Lược dịch từ Dw)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàn Quốc đối phó khủng hoảng nhân khẩu học
Hàn Quốc đối phó khủng hoảng nhân khẩu học

Theo AP, điều này khiến dân số Hàn Quốc sụt giảm lần đầu tiên vào năm 2021, dẫn đến nỗi lo thiếu hụt lao động và chi tiêu phúc lợi tăng (số người cao tuổi tăng lên trong khi người nộp thuế thì giảm mạnh). Theo AP, một kịch bản như thế đe dọa gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này.