Thứ Sáu, 23/11/2018 15:14

Tận dụng cơ hội từ CPTPP

Bất chấp những tác động mà đại dịch COVID-19 gây ra, kim ngạch thương mại hàng hoá song phương Việt Nam - Canada trong năm 2020 đạt gần 9 tỷ USD, mức cao nhất mọi thời đại. Theo Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, hoạt động thương mại giữa Canada và Việt Nam đã phát triển mạnh nhờ những cơ hội mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại từ khi được ký kết vào năm 2018.

CPTPP dự kiến có hiệu lực vào giữa tháng 1/2019Thặng dư thương mại Việt Nam-Canada ngày càng nới rộng

Việt Nam - Canada đạt được những thành tựu đáng kể trong hoạt động xuất nhập khẩu, một phần nhờ hiệp định CPTPP. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiện nay, Canada là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ và ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. CPTPP đã làm thay đổi phạm vi quan hệ Việt Nam – Canada, nhất là với các doanh nghiệp Canada muốn tham gia vào quỹ đạo tăng trưởng hiện tại của Việt Nam.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Canada

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quan hệ thương mại Việt Nam - Canada là một trong những mô hình thành công nhất mà CPTPP mang lại nhờ nỗ lực phát triển thị trường của các doanh nghiệp hai nước. Hai quốc gia đã đạt được những thành tựu đáng kể trong hoạt động xuất nhập khẩu và hiệp định thương mại này đóng một vai trò quan trọng.

CPTPP thiết lập quyền tiếp cận miễn thuế cho thương mại hàng hóa giữa Canada và Việt Nam, cùng với việc xóa bỏ thuế quan đối với Canada trong các lĩnh vực xuất khẩu cốt yếu. Hiệp định này cũng giúp người tiêu dùng tại Việt Nam mua được các sản phẩm chất lượng cao từ Canada với giá cả phải chăng và hợp lý hơn.

Với CPTPP, Canada đã xóa bỏ 94% dòng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã xóa bỏ gần 66% dòng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada. Thị phần Việt Nam ở Canada là 1,1%, so với 3,1% ở Nhật Bản, 1,9% ở Australia và 1,6% ở New Zealand. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội để Việt Nam và Canada thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thương mại song phương. Ngoài ra, các hàng rào phi thuế quan đã được cải thiện theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại giữa hai nước.

Bối cảnh thương mại song phương

Năm 2020, thương mại song phương giữa Canada - Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019 và 37% so với năm 2018. Về vấn đề này, Chủ tịch VCCI cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại song phương trong năm 2020 có chậm lại do đại dịch COVID-19 nhưng vẫn cao gấp đôi con số xuất khẩu trung bình của Việt Nam.

Cũng theo VCCI, kể từ năm 2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN. Năm 2020, Việt Nam là điểm đến lớn thứ hai trong ASEAN đối với các sản phẩm nông thủy sản của Canada.

Hơn nữa, số liệu thống kê cho thấy tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng 16% trong năm 2020, với điện thoại di động, giày dép, đồ nội thất và may mặc là những ngành hàng chủ lực. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng 14,8%, đạt 663,45 triệu USD. Đây là mức tăng 78,67% so với cùng kỳ năm 2018, trước khi CPTPP có hiệu lực. Chủ tịch VCCI thậm chí còn cho rằng, nếu không có đại dịch COVID-19, CPTPP có thể mang lại lợi ích lớn hơn nữa cho các hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Canada.

Theo các chuyên gia kinh tế, những lợi ích nêu trên dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia tăng khi hiệp định CPTPP mở rộng thông qua việc phê chuẩn và gia nhập thêm các thành viên mới trong tương lai.

Cơ hội cho các nhà đầu tư Canada

Các nhà đầu tư Canada nên hướng vào các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam, chẳng hạn như chuyển dịch theo hướng bền vững, vì đây sẽ là những dự án đầu tư dài hạn khả thi nhất. Ví dụ, cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng kêu gọi Canada hỗ trợ phát triển năng lượng mặt trời để thúc đẩy công nghệ sạch, lĩnh vực mà đầu tư từ Canada vẫn còn khá thấp mặc dù rất có khả năng cạnh tranh.

Gần đây, Chính phủ Canada cũng bắt đầu chú ý đến các cơ hội mới nổi như ngành giáo dục ở Việt Nam khi mỗi năm, quốc gia này chi khoảng 3 tỷ USD cho du học.

Tương tự, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã trở thành nền tảng cho sự phát triển hiện đại của Việt Nam. Sự phát triển đó tiếp tục tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Canada trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, quy hoạch và thiết kế khi Việt Nam sẽ cần đến các loại vật liệu mới, kế hoạch xây dựng, vận hành và quản lý dự án...

Thứ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế Canada, ông John F.G Hannaford cho rằng, trong 2 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực, các doanh nghiệp Canada đã và đang có được lợi thế cạnh tranh. Mặc dù Việt Nam có vị thế nổi bật so với các nước ASEAN khác trong mối quan hệ với Canada, nhưng việc khám phá thêm các cơ hội mới ở Việt Nam sẽ rất đáng giá, sau những tiến bộ đã đạt được.

Tuy nhiên, để hội nhập thành công vào thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp Canada phải có cách tiếp cận chiến lược, phù hợp với lực lượng dân số trẻ đang gia tăng, cũng như nền kinh tế ngày càng mở của Việt Nam. Ngoài việc xác định các ngành công nghiệp chủ chốt, các nhà đầu tư Canada nên làm quen với môi trường pháp lý và hệ thống thuế hiện hành ở quốc gia này. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế ASEAN, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Canada có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế hiện đại ở Việt Nam nếu họ chủ động hơn và tận dụng tối đa những lợi ích từ CPTPP.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ EAF, VNS & ASEANToday)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy xuất nhập khẩu
Gỡ 'điểm nghẽn' để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Mặc dù thủ tục hành chính ở nhiều bộ ngành liên quan đến thương mại hàng hoá xuyên biên giới đã được cải thiện, tuy nhiên doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp không ít khó khăn khi tuân thủ quy trình.