Thứ Sáu, 18/01/2019 10:20

Thế giới ghi nhận 190,5 triệu ca mắc, trên 4 triệu ca tử vong do COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 17/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 190.504.962 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.095.934 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 173.647.248 người.

Mỹ: Nhiều nơi cân nhắc tái áp dụng hạn chế với người chưa tiêm vaccineCOVID-19: Indonesia cân nhắc gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại

Tiêm vaccine Johnson & Johnson ngừa COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ ngày 12/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 624.612 ca tử vong trong tổng số 34.930.856 ca nhiễm. Trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong gia tăng trong thời gian gần đây, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Rochelle Walensky đã lên tiếng cảnh báo những người dân còn đang ngần ngại đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, điều phối viên về COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho hay số ca bệnh gia tăng đột biến chủ yếu tập trung ở các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp và "những ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây chủ yếu là những người Mỹ chưa được tiêm chủng”. Làn sóng dịch mới là do biến thể Delta gây ra, chiếm 80% các ca nhiễm mới ở Mỹ.

Biến thể Delta cũng đang khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á. Ngày 17/7, Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức 10.082 ca nhiễm mới cùng 141 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 391.989 ca và 3.240 ca. Sự gia tăng liên tục của các ca nhiễm mới đã khiến nhà chức trách Thái Lan cấm các cuộc tụ tập đông người trên toàn quốc.

Tại Lào, cùng ngày, Bộ Y tế nước này ghi nhận 108 ca mắc mới, trong đó có tới 104 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay và 4 ca cộng đồng tại tỉnh Champasak. Theo bộ trên, các ca nhiễm mới chủ yếu là lao động Lào về nước từ Thái Lan. Hiện số ca bệnh có diễn biến nặng vẫn ở mức thấp, phần lớn là ca nhiễm không có hoặc ít triệu chứng. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 3.295 ca nhiễm, trong đó 4 người tử vong.

Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia cho biết từ ngày 7-14/7, nước này phát hiện thêm 37 ca nhập cảnh nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm biến thể có khả năng lây lan mạnh này lên 75 ca kể từ ngày 31/3.

Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp tại Indonesia và Philippines. Ngày 17/7, Indonesia ghi nhận thêm 51.952 ca mắc và 1.092 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này lên lần lượt là 2.832.755 và 72.489 ca. Đây là lần thứ 4 Indonesia ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới trong một ngày và là lần thứ 3 số ca tử vong vượt mức 1.000 ca/ngày.

Tại Philippines, Bộ Y tế thông báo nước này có thêm 6.040 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.502.359 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 122 ca tử vong vì COVID-19 nâng tổng số người không qua khỏi lên 26.598 ca.

Chính quyền thành phố Sydney, bang New South Wales của Australia, đã yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động xây dựng và sửa chữa, cấm các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu và áp mức phạt với những chủ lao động để nhân viên đi làm tại các văn phòng trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng dù biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trên toàn thành phố đến tuần thứ 3. Những chủ lao động để nhân viên tới làm việc ở các văn phòng sẽ có thể bị phạt tới 7.402 USD. Cơ quan cảnh sát bang cũng sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra giám sát việc tuân thủ các quy định trong thời gian phong tỏa. Trong 24 giờ qua, bang New South Wales có thêm 11 ca nhiễm mới. 

Tại châu Âu, Pháp và Anh thắt chặt các biện pháp chống dịch. Pháp tuyên bố sẽ yêu cầu những người đến từ một số quốc gia châu Âu mà chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi đến, thay vì 48 giờ và 72 giờ tùy từng quốc gia như hiện nay. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết quy định này áp dụng với những người đến từ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cyprus, Hy Lạp, Hà Lan và có hiệu lực từ 0h ngày 18/7. Ngoài ra, Chính phủ Pháp cũng đưa Tunisia, Mozambique, Cuba và Indonesia vào danh sách đỏ gồm những nước có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, hoạt động đi lại từ những quốc gia này chỉ được phép nếu có lý do khẩn cấp và thậm chí những người đã được tiêm chủng vẫn phải thực hiện tự cách ly 7 ngày.

Trong khi đó, tại Anh, chính phủ nước này đã thay đổi vào phút cuối về việc kéo dài quy định cách ly đối với những người từ Pháp trở về England. Theo kế hoạch, Chính phủ Anh dự định từ đầu tuần tới dỡ bỏ hầu hết những biện pháp hạn chế vì dịch bệnh ở England và những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sẽ không phải thực hiện cách ly sau khi trở về từ những khu vực mà Anh cho là có nguy cơ lây nhiễm cao ở châu Âu. Tuy nhiên, đến cuối ngày 16/7, chính phủ tuyên bố do biến thể Beta phát hiện đầu tiên ở Nam Phi vẫn đang lây lan ở Pháp nên quy định cách ly 10 ngày sẽ vẫn được duy trì đối với những người trở về từ một trong những điểm đến yêu thích của người Anh này.

Ngày 17/7, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết ông đã kết quả dương tính với COVID-19 sau khi xét nghiệm nhanh nhưng các triệu chứng rất nhẹ vì ông đã tiêm đủ hai liều vaccine. Hiện ông đang chờ kết quả xét nghiệm PCR.

Một báo cáo xác nhận chéo các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế của Cơ quan Hợp tác chăm sóc sức khỏe dựa trên Bằng chứng Quốc gia (NECA) và Học viện Khoa học Y khoa Hàn Quốc (KAMS) công bố mới đây cho thấy những tác dụng đáng kể (trong việc ngăn ngừa nhiễm biến thể Delta, phải nhập viện và tử vong) ở những người đã được tiêm đủ hai liều vaccine do các hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna phát triển.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, báo cáo kết quả nghiên cứu được NECA và KAMS công bố ngày 15/7 vừa qua với tiêu đề "Kiểm tra nhanh các vấn đề liên quan đến vaccine ngừa COVID-19" đã cho thấy hiệu quả của vaccine đối với các biến thể có phần thấp hơn so với virus SARS-CoV-2 ban đầu, nhưng với hai liều vaccine có hiệu quả hơn 80% trong việc ngăn ngừa sự lây nhiễm. Điều quan trọng là chỉ với một liều vaccine ngừa COVID-19 đã giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do nhiễm biến thể xuống 78-96% trong khi với hai liều tỷ lệ này là từ 86-96%".

Theo Báo Tin tức

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng là quá lớn, gây áp lực đáng kể lên lực lượng cứu hộ ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023
6 xu hướng chính cần theo dõi trong năm 2023

Đại dịch COVID-19 đang diễn ra, những cú sốc địa chính trị và lạm phát kéo dài dự kiến sẽ tiếp tục là những rủi ro chính trong năm 2023. Tuy nhiên, châu Á có thể sẽ là một điểm sáng trong bối cảnh những cơn gió ngược ngày càng gia tăng, khi khả năng phục hồi của khu vực một lần nữa được thể hiện.

Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine
Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine

Tính từ năm 2015, Nông dân chăn nuôi vịt người Pháp Herve Dupouy đã 4 lần phải tiêu hủy đàn vịt của mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Dù vậy, khi đợt dịch một lần nữa bùng phát trong trang trại của ông, người nông dân Pháp Herve Dupouy khẳng định, đã đến lúc phải chấp nhận giải pháp tiêm chủng cho gia cầm.

Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững
Thúc đẩy xây dựng tương lai kiên cường và bền vững

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang thúc đẩy chương trình nghị sự năm 2023, nhằm xây dựng một tương lai kiên cường và bền vững, khi các quan chức đến từ 21 nền kinh tế thành viên nhóm họp tại Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất và các cuộc họp liên quan.