Thứ Năm, 04/07/2019 15:39

Tổng giám đốc Viện vaccine Quốc tế: Năm 2022 sẽ là “năm tiêm chủng”

Nếu như năm 2021 là năm của phát triển vaccine ngừa COVID-19 thì năm 2022 sẽ là năm được đánh dấu bằng việc tiêm chủng và tiêm nhắc lại, một chuyên gia hàng đầu về vaccine nhận định.

Italy kêu gọi tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022Bất bình đẳng về vaccine có thể gây tổn thất hàng nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầuWHO: Nếu may mắn, chúng ta có thể kiểm soát được đại dịch vào năm 2022Liên Hiệp quốc kêu gọi 8 tỷ USD để tiêm chủng công bằng 40% dân số thế giới

2022 được kỳ vọng sẽ là "năm tiêm chủng". Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong chương trình “Street Signs Asia” của kênh CNBC ngày 3/1, ông Jerome Kim, Tổng giám đốc Viện vaccine Quốc tế - một tổ chức phi lợi nhuận độc lập chuyên nghiên cứu về vaccine cho các nước nghèo, nhấn mạnh: “Năm 2022 sẽ là năm tiêm chủng - tiêm các mũi cơ bản cho những người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm tăng cường, tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm vaccine trước đó”. Đồng thời, ông hy vọng đây cũng sẽ là năm đánh dấu sự phát triển của các loại thuốc chống COVID-19 và giúp việc điều trị hiệu quả hơn.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng 2 loại thuốc kháng virus COVID-19 để sử dụng khẩn cấp, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 đã giết chết hơn 5,4 triệu người trên toàn thế giới kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019.

Thuốc viên điều trị COVID-19 của Pfizer, được gọi là Paxlovid, là loại thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở Mỹ. Một loại thuốc viên kháng virus khác của Merck - được gọi là Molnupiravir - được chấp thuận sử dụng cho người trưởng thành nhiễm COVID-19 từ nhẹ đến trung bình có nguy cơ trở nặng.

Cuối năm 2021, biến thể Omicron dễ truyền hơn đã xuất hiện và làm gia tăng các trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong những tuần gần đây.

Tuần trước, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc mới hàng ngày tại Mỹ đạt mức kỷ lục trong 7 ngày là hơn 265.000 ca hôm 28/12. Con số này đã vượt qua mức đỉnh trước đó là khoảng 252.000 ca nhiễm được thiết lập vào ngày 11/1 năm ngoái, dữ liệu cho thấy.

Tại châu Á, Hàn Quốc hôm 31/12 tuyên bố sẽ mở rộng các hạn chế sau khi nước này ghi nhận sự gia tăng các ca bệnh nghiêm trọng liên quan đến COVID-19.

Tiêm vaccine cho những người cần được tiêm chủng

Ưu tiên hàng đầu trong năm 2022 là tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người cần được tiêm chủng - đặc biệt là những người ở các quốc gia nghèo hơn, những người bị hạn chế tiếp cận vaccine, ông Kim nhấn mạnh.

Theo ông, một điểm thực sự quan trọng là Omicron không phải là biến thể cuối cùng và chúng ta sẽ chứng kiến các đột biến và biến thể khác cần quan tâm, do đó, ông hy vọng các nước sẽ công bằng hơn trong việc sử dụng vaccine.

“Càng ngày, nguồn cung vaccine sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại nữa. Vấn đề sẽ là: Ai có thể đưa vaccine đó đến tay những người cần tiêm chủng. Đưa mọi người dân đi tiêm chủng - đó sẽ là chìa khóa cho năm 2022”, ông Kim nói khi cho biết có “một số lượng đáng kể người dân” ở các quốc gia thu nhập thấp chưa được tiêm vaccine, thậm chí ngay cả liều đầu tiên.

Theo Our World in Data, khoảng 58,3% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, nhưng chỉ mới 8,5% người dân ở các nước thu nhập thấp đã được tiêm mũi đầu tiên. 

Cũng trong chương trình của CNBC, ông Kim nhấn mạnh đến vấn đề gọi là “lỗ hổng chẩn đoán” ở giai đoạn chẩn đoán bệnh COVID-19. Ông cho rằng ở các quốc gia có thu nhập thấp, xét nghiệm và chẩn đoán không được thực hiện nhiều, và chắc chắn cũng không thực hiện được nhiều quy trình. Trong khi đó, các nỗ lực giải trình tự bộ gen của các mẫu nhiễm COVID-19 sẽ giúp theo dõi các biến thể mới. Vì vậy, các quốc gia cần phải “giải quyết tốt hơn” vấn đề này.

Mỹ cấp phép tiêm mũi tăng cường cho trẻ em

Trong một động thái mới nhất FDA Mỹ hôm qua (3/1) đã cho phép sử dụng liều thứ ba vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, đồng thời thu hẹp khoảng thời gian đủ điều kiện tiêm nhắc lại từ 6 tháng xuống còn 5 tháng. Cơ quan này cũng cấp phép tiêm mũi tăng cường cho trẻ từ 5-11 tuổi bị suy giảm miễn dịch.

Ông Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của FDA cho biết: “Dựa trên đánh giá của FDA về các dữ liệu hiện có, một liều tăng cường các vaccine hiện đã được cấp phép có thể giúp bảo vệ tốt hơn đối với cả biến thể Delta và Omicron”.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng việc tiêm 2 mũi vaccine mRNA có hiệu quả chống lại sự lây nhiễm từ biến thể Omicron khoảng 35%, nhưng một liều tăng cường sẽ khôi phục hiệu quả lên 75%, dựa trên dữ liệu từ Nam Phi và Vương quốc Anh.

Tố Quyên (Lược dịch từ UN News)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine
Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine

Tính từ năm 2015, Nông dân chăn nuôi vịt người Pháp Herve Dupouy đã 4 lần phải tiêu hủy đàn vịt của mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Dù vậy, khi đợt dịch một lần nữa bùng phát trong trang trại của ông, người nông dân Pháp Herve Dupouy khẳng định, đã đến lúc phải chấp nhận giải pháp tiêm chủng cho gia cầm.

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.