Thứ Bảy, 20/05/2017 09:13

Truyền thông quốc tế ca ngợi Việt Nam là 'người hùng điện gió' mới

Theo trang eco-business, không có gì phải nghi ngờ việc thị trường năng lượng điện gió đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, khu vực thời gian qua vốn chưa bắt nhịp kịp với xu thế toàn cầu "nói không" với nhiên liệu hóa thạch.

Xe chạy điện hay hydro - ai sẽ chiến thắng trong cuộc đua xe sạch?Số lượng binh sĩ Hàn Quốc sẽ giảm xuống còn 500.000 vào năm 2022Việt Nam dẫn đầu thị trường Đông Nam Á về điện mặt trờiIEA nhận định nhu cầu năng lượng của khu vực Đông Nam ÁSingapore: 350.000 ngôi nhà sẽ sử dụng năng lượng mặt trời vào năm 2030Các tập đoàn Đông Nam Á đầu tư 30 triệu USD vào các dự án tái tạo ở Myanmar

Hệ thống điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN

Việt Nam là một trong những quốc gia có nguy cơ bị tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy sản xuất sử dụng nguồn điện gió để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng mạnh ở trong nước, đồng thời giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hiện nay, Việt Nam đang đặt ra các mục tiêu phát triển năng lượng điện gió giàu tham vọng hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực, và trên thực tế, các chính sách của Việt Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu năng lượng của một quốc gia với trên 96 triệu dân đã tăng trung bình năm khoảng 10,5%. Xu hướng này nhiều khả năng tiếp diễn đến năm 2030, gây quan ngại về an ninh năng lượng.

Nhà sáng lập Công ty The Blue Circle (Singapore) – ông Olivier Duguet - đánh giá: “Việt Nam đang đối mặt với thiếu hụt năng lượng tại miền Nam nơi có nhu cầu cao. Nguồn khai thác năng lượng cơ bản chưa bắt kịp tiến độ để tránh nguy cơ thiếu điện trong 2-3 năm tới. Trong khi đó, năng lượng tái tạo, đặc biệt là phong điện, lại khá dồi dào ở miền Nam, chi phí rẻ và có thể triển khai nhanh chóng”.

Ngoài việc xoa dịu lo ngại về an ninh năng lượng, năng lượng gió còn góp phần giảm nhẹ gánh nặng từ giá thành bất ổn liên quan tới nhập khẩu than dành cho nhà máy nhiệt điện. Tuy than có giá thành không cao nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe người dân. Theo báo cáo về chất lượng không khí trong năm 2018, có tới 95,5% dân số Đông Nam Á sống trong khu vực có ô nhiễm vượt mức mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra.

Ngoài ra, điện gió còn đem lại nhiều lợi ích khác cho nền kinh tế Việt Nam. Ngành năng lượng gió cần chuỗi cung ứng lớn và nhiều nhân lực để vận hành, bảo dưỡng thiết bị như vậy thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương và tạo thêm nhiều việc làm.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) – bà Liming Qiao - đánh giá với nhu cầu năng lượng cấp thiết của Việt Nam hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào tiềm năng của 3.300 km bờ biển để phát triển năng lượng gió. Trong trường hợp tập trung vào năng lượng gió ngoài khơi – ước tính đạt 309 GW - thì Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nhiều thập niên tới.

Bà Liming Qiao nhận xét: “Chính phủ Việt Nam nhận ra rằng năng lượng gió khá rẻ và là nguồn đáng tin cậy để sản xuất điện. Với nhu cầu điện ngày càng tăng, đây là hướng đi hợp lý".

Thực trạng và mục tiêu phát triển điện gió của Việt Nam. Nguồn: GWEC

Theo trang eco-business, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng. Trong khi đó, còn có thông tin đến 2021, Việt Nam dự kiến lắp đặt 1GW nhà máy điện gió ngoài khơi và trên đất liền, tăng từ mức hiện tại là 327MW.

Như vậy Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan, quốc gia giữ vị trí tiên phong ở Đông Nam Á về năng lượng điện gió hiện nay. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phát triển nhà máy điện gió ngoài khơi với công suất 99MW. Nhưng không dừng ở đây, Việt Nam còn đề ra mục tiêu đến năm 2030 sản lượng năng lượng điện gió đạt 6.000 MW.

Đến tháng 7/2019, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn đề án khảo sát khu vực ngoài khơi Mũi Kê Gà, Phan Thiết, để xây dựng nhà máy năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với công suất 3.400 MW. Một khi hoàn thành, công suất phát điện của dự án này còn vượt qua cả các nhà máy thủy điện và nhiệt điện than hiện hành tại Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, đến năm 2030 Việt Nam cần 130 GW điện, như vậy cần đầu tư vào khoảng 150 tỷ USD. Trong khi đó tính đến tháng 9/2018, Việt Nam sản xuất được 47.900 MW.

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cơ chế hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cân bằng rủi ro với thị trường mới nổi này. Một ví dụ là ưu đãi thuế, theo đó miễn một số loại thuế cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo và tạo điều kiện cho các đối tác công-tư trong lĩnh vực này, hoặc tăng giá thành điện gió bán cho lưới điện quốc gia...

Được đưa ra năm 2008, mức giá bán đối với dự án phong điện trên đất liền là 8,5 cent/kWh, còn điện gió sản xuất ở cơ sở ngoài khơi là 9,8 cent/kWh. Mức giá này sẽ hết hạn trong năm 2021 và 2 năm tới sẽ là thời kỳ nhiều thú vị cho năng lượng gió tại Việt Nam khi các nhà đầu tư khẩn trương thi công dự án.

Tuy nhiên thị trường năng lượng gió tại Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu và còn đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những chướng ngại lớn nhất là thiếu nguồn kinh phí. Các nhà phát triển còn phải đối mặt với khả năng thiếu lao động chất lượng cao và những ngành công nghiệp phụ trợ “chưa phát triển kịp”.

Nhiều chuyên gia đã đề xuất các bước để Chính phủ Việt Nam có thể áp dụng nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng gió như tăng dần giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo và xử lý vấn đề cho vay vốn.

Gió không phải là nguồn năng lượng sạch duy nhất phát triển tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam còn tăng cường năng lực điện Mặt Trời với mục tiêu đến năm 2030 triển khai được 12.000 MW.

Theo TTXVN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy
Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy

Ngày 202/, Ủy ban ASEAN tại Rome (ACR), dưới sự chủ trì của Chủ tịch ACR, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã tổ chức một số cuộc họp với các đối tác quan trọng tại Italy để thảo luận một số đề xuất và dự kiến hợp tác trong thời gian tới.