Đại biểu các nước tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hàn Quốc năm 2019. Ảnh: VGP
Nhằm thể hiện thiện chí và những cam kết của mình với Đông Nam Á, chỉ trong 2 năm đầu cầm quyền, Tổng thống Moon Jae-in đã đến thăm tất cả 10 nước ASEAN. Vào tháng 11/2019, Hàn Quốc cũng đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN - Hàn Quốc tại thành phố cảng Busan, nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương ASEAN-Hàn Quốc, bên cạnh đó là Hội nghị Cấp cao Hàn Quốc - Mekong.
Vậy đâu là lý do khiến Hàn Quốc chú trọng đến trục hướng Nam, và những thách thức cũng như cơ hội nào đang chờ đợi Chính sách hướng Nam mới khi chính phủ của Tổng thống Moon chuẩn bị công bố Chính sách hướng Nam mới 2.0 (NSP 2.0) vào cuối năm nay? Trong bối cảnh hiện thực kinh tế và địa chiến lược, các nhà phân tích cho rằng có 3 lý do liên quan đến nhau đã khiến chính phủ Hàn Quốc chuyển sự chú ý sang ASEAN thông qua NSP.
Thứ nhất, tăng cường quan hệ với ASEAN cho phép Hàn Quốc đa dạng hóa chiến lược chính sách đối ngoại. Bằng cách dựa nhiều hơn vào các thị trường xuất khẩu của ASEAN và mở rộng thương mại, đầu tư với các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, Seoul, có thể làm giảm rủi ro phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ngoài ra, giữa sự cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN có thể dựa vào vị thế trung gian của mình để tăng cường hợp tác an ninh khu vực và bảo vệ lợi ích của mình.
Thứ hai, nhiều cơ hội kinh tế chưa được khai thác vẫn đang tiềm ẩn ở Đông Nam Á, điều này sẽ giúp nâng cao quan hệ ASEAN-Hàn Quốc. Kể từ khi ký một loạt thỏa thuận kinh tế vào giữa những năm 2000, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hàn Quốc và là thị trường xây dựng lớn thứ hai ở nước ngoài, chỉ sau Trung Đông. Chính phủ của Thủ tướng Moon Jae-in đã đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng là đạt 200 tỷ USD giá trị thương mại với ASEAN vào cuối năm nay, cao hơn gần 50 tỷ USD so với năm 2017.
Các công ty Hàn Quốc đã mở rộng đầu tư vào khu vực này trong các lĩnh vực chế biến và sản xuất, hậu cần và đóng tàu - những ngành mà Hàn Quốc đang nắm giữ lợi thế so sánh. Trong tương lai, NSP sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bằng cách thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, thông tin và truyền thông, kỹ thuật số và công nghệ sinh học. Hàn Quốc cũng đã cam kết hợp tác với ASEAN để phát triển mạng lưới thành phố thông minh ASEAN nhằm thúc đẩy phát triển đô thị bền vững.
Thứ ba, Chính sách hướng Nam mới cho phép Hàn Quốc duy trì một số lợi ích của tự chủ chính sách đối ngoại. Hàn Quốc đã tham gia, nhưng không hoàn toàn đi theo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Mỹ. Về điểm này, NSP mang đến nhiều cơ hội hợp tác về kinh tế và các sáng kiến quản địa phương tập trung vào FOIP bao gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng, nền kinh tế kỹ thuật số và trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, thông qua “ngôn ngữ” của NSP, nó phản ánh một khuôn khổ hơi khác so với các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được các đồng minh khác của Mỹ như Nhật Bản và Australia áp dụng.
Với những lợi ích chung đạt được trong quan hệ ASEAN - Hàn Quốc, sự hợp tác bền vững giữa 2 bên có thể sẽ được duy trì trong suốt thời kỳ của Tổng thống Moon Jae-in. Tuy nhiên, một số thách thức cũng được đặt ra khi Seoul đặt mục tiêu tối ưu hóa NSP thành các hành động chung cụ thể hơn để gắn kết với các đối tác Đông Nam Á và Ấn Độ theo NSP 2.0.
Được biết, nhiều cuộc họp và hội nghị ngoại giao cấp cao đã được tiến hành, tuy nhiên những vấn đề quan trọng về sự thống nhất trên mặt trận chiến lược vẫn chưa được bàn thảo. Song song đó, sự hợp tác an ninh cũng đang tụt hậu so với hợp tác kinh tế và văn hóa xã hội.
Theo The Diplomat, Hàn Quốc có thể làm nhiều hơn để thúc đẩy trụ cột hòa bình của NSP và ổn định khu vực bằng cách mở rộng các quy tắc và sáng kiến của ASEAN như Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Ngoài ra, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu và đại dịch đã trở thành một điểm mạnh trong lĩnh vực chính sách đối nội của Hàn Quốc và có thể được tận dụng để củng cố trụ cột hòa bình trong NSP 2.0. Mặc dù NSP vấp phải một số chỉ trích vì thiếu các ưu tiên rõ ràng hoặc một dự án quy mô lớn, thì việc bảo vệ trụ cột hòa bình cùng với một vài dự án quan trọng khác có thể giúp NSP có nền tảng vững chắc hơn và mục đích lớn hơn trong việc thúc đẩy sự ổn định và hợp tác với khu vực ASEAN.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Diplomat)