Chủ Nhật, 18/09/2016 08:23

A Lưới và những ý tưởng mới

Lâu lắm rồi tôi mới trở lại A Lưới, huyện miền núi này có những đổi thay rất nhiều.

4.400 trẻ em ở A Lưới được tặng chuối già lùn cải thiện chế độ dinh dưỡngĐặc sản hoa tuylip A Lưới

Xin kể câu chuyện vui khi chạm vào cửa ngõ A Lưới, từ phía Đông, tức là Bốt Đỏ. Ngồi uống cà phê thấy bên kia đường là Ban Quản lý dự án Sao la. Ngôi nhà hai tầng khang trang bề thế. Tình cờ gặp mấy anh mặc áo xanh, chuyện trò qua lại, tôi đoán các anh làm ở đây. Vì anh biết tường tận lịch đi rừng một tháng là bao nhiêu ngày, ở văn phòng là bao nhiêu ngày.

Nhờ ứng dụng nhiều mô hình mới, A Lưới ngày càng phát triển Ảnh: Linh Đan

Tôi hỏi vui, thế đã thấy con Sao la nào chưa? Anh cười lắc đầu: khó lắm. Sao la là loài nhát, nghe tiếng động, nếu có nó đã chạy rồi. May ra biết được chỉ qua đặt “bẫy ảnh”. Thế không thấy được nó làm sao bảo tồn? Mấy anh em cùng cười vui! Nói thế thôi chứ bảo tồn Sao la chỉ là một việc; còn một công việc quan trọng nữa là phải giữ rừng trong khu bảo tồn đã định; không thấy Sao la thì bảo tồn rừng cũng tốt thôi!

Trở lại những đổi thay của A Lưới. A Lưới đã có mấy vườn rau trồng theo phương pháp hữu cơ trong nhà màng. Vườn rau của bà Nga ở thị trấn là một trong số ấy. Diện tích trong bạt che nilon là 800 m2, trồng nhiều loại rau. Lúc tôi ghé thăm hai mẹ con bà Nga đang chăm rau. Hỏi người con: đầu ra có tốt không? Dạ tha hồ, ngày ra được 50 kg bán cũng hết nhưng vườn chỉ mới được 20 kg. Rau này ra chợ thì họ chê nhưng mọi người tới tận vườn thì mua ào ào - Cũng là một cái mới.

Dù chỉ là trồng rau thôi nhưng nó đã mở ra đường hướng làm ăn cho người nông dân. Họ biết cách trồng để thị trường chấp nhận.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới- Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay huyện đang tập trung xây dựng các vườn mẫu. Không chỉ rau mà các loại cây trồng khác như chuối, bơ; phải tìm giống mới và áp dụng kỹ thuật tốt hơn để nâng cao chất lượng. Hàng phải đi vào cho được siêu thị.

Chuyện trồng sim và sản xuất rượu sim đã ra được sản phẩm nhưng cần phải cải thiện nhiều về chất lượng. Được biết, lãnh đạo Sở Công thương hứa sẽ hỗ trợ một số thiết bị máy móc và kỹ thuật sản xuất, làm sao phải khử triệt để andehit, chất lượng rượu phải ngon để được thị trường chấp nhận.

Tôi nhận thấy một sự chuyển động ở A Lưới nhờ những ý tưởng mới. Có thể mới bắt đầu nhưng nó đã phá vỡ được sức ỳ; có cách thức tổ chức rõ ràng và một số việc dần dần trở thành hiện thực. Nhiều xã đã vận động người dân, cùng với sự hỗ trợ của huyện mang tính “kích thích” đã làm được hệ thống đèn đường chiếu sáng, trồng hoa hai bên đường thôn xóm. Đã có một đơn vị đăng ký thực hiện dự án trồng cây dược liệu với diện tích ban đầu 200 ha. Huyện đã nhất trí chủ trương nhưng với phương thức hợp tác với người dân bản địa “ăn chia" theo tỷ lệ. Người dân có đất, nhà đầu tư có vốn, có kỹ thuật. Thành quả sẽ được ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận. Thực hiện được như thế cũng là một cách làm hay, khỏi thu hồi, người dân khỏi “mất đất”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin: Tháng ba này, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp Chứng nhận Nhãn hiệu tập thể cho mặt hàng Zèng A Lưới. Có chứng nhận rồi, để phát huy thì huyện có những động thái tiếp theo, mời một số nhà thiết kế nổi tiếng tham gia thiết kế một số mẫu mã mới. Muốn phát triển, phải chấp nhận tốn tiền, chứ làm theo kiểu lâu nay cũng chẳng đâu vào đâu. Huyện cũng nghĩ đến việc một hoặc hai năm sẽ tổ chức một lễ hội thổ cẩm ở A Lưới để quảng bá sản phẩm và thu hút khách du lịch. Phiên chợ vùng cao cũng là một ý tưởng mới. Chợ này bán gì, đưa nét văn hóa truyền thống gì gây ấn tượng và ngày càng định hình một ý tưởng cũng là một ý tưởng hay…

Ở A Lưới có một đồi thông tại trung tâm huyện. Chung quanh đồi thông là những ngọn đồi bát úp rất đẹp, có con suối nhỏ chảy qua. Huyện đang hình thành nơi đây một dự án, kiểu như dự án “làng dân tộc”. Tôi đã trèo lên vùng này, khung cảnh rất đẹp, phù hợp với ý tưởng như vậy. Lúc tôi đến, huyện đang thực hiện việc đầu tiên là làm một con đường để lên đồi thông, trước mắt là tạo cảnh quan, sẽ trồng một đồi sim và mua; để dành một quỹ đất có thể phát triển “làng dân tộc” sau này.

Đến A Lưới lần này, tôi cảm thấy rất thích thú với những ý tưởng mới. Một khi đã có ý tưởng, có tâm huyết, sự thành công sẽ dễ dàng hơn.

Nguyên Lê

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm đến mới, dịch vụ mới
Điểm đến mới, dịch vụ mới

Với những tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa, Hương Trà đang tích cực tìm hướng đi mới để phát triển du lịch, dịch vụ.

Theo đuổi đam mê
Theo đuổi đam mê

Đam mê công nghệ thông tin, Nguyễn Phan Nguyên Bảo (lớp 12 Tin 2, Trường THPT chuyên Khoa học) đã đăng ký tham gia cuộc thi “Edison – Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khoa học” do trường tổ chức. Bạn đồng hành cùng Bảo là Nguyễn Huỳnh Minh Nhật (lớp 11 Toán – Lý).

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Hoa mận trên vùng cao A Lưới
Hoa mận trên vùng cao A Lưới

Mùa này lên A Lưới, bạn vẫn có thể ngắm hoa và hái quả từ những cây mận ở nhà người dân A Lưới. Bên cạnh hoa đào, hiện, địa phương đang khuyến khích, vận động người dân trồng thêm cây mận ở một số khu vực phục vụ du lịch.