Thứ Năm, 04/04/2019 14:59

Bảo vệ tôm thẻ chân trắng

Ảnh hưởng các đợt mưa bão mới đây làm các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi tôm trên cát ven biển Ngũ Điền có sự xáo trộn, thay đổi liên tục, gây bất lợi đối với thủy sản nuôi.

Tôm trượt giá, người nuôi tiếc nuốiTôm thẻ chân trắng thắng lớn vụ tết

Người dân Phong Hải kiểm tra, sửa chữa thiết bị nuôi tôm

Không chủ quan

Anh Nguyễn Hải Đăng ở xã Phong Hải (Phong Điền) thông tin, thời điểm này người dân Ngũ Điền đang tích cực thu hoạch tôm thẻ chân trắng vụ hè. Nhiều ao hồ đến nay đã thu hoạch xong, người dân tiến hành thả giống nuôi vụ đông. Từ sau cơn bão số 5, môi trường nước trong các ao nuôi thay đổi đột ngột, nhiều biến động khiến người dân lo lắng.

Qua theo dõi tại ao hồ của anh Đăng cũng như nhiều hồ tại xã Phong Hải cho thấy, nhiệt độ nước có xu hướng tăng cao vào ban ngày, nhưng lại giảm mạnh vào ban đêm. Sự chênh lệch lớn về nhiệt độ giữa ngày - đêm khiến tôm nuôi khó thích nghi, ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng, tôm giống vừa thả nuôi còn yếu có nguy cơ chết. Thêm vào đó, độ kiềm trong nước ở ngưỡng rất thấp, chưa đạt giới hạn cho phép có thể làm tôm dễ bị sốc, yếu và bỏ ăn.

Theo anh Đăng, yếu tố môi trường thay đổi, biến động lớn trong mùa mưa bão là chuyện bình thường trong nuôi tôm thẻ chân trắng vụ đông. Người dân cũng tích luỹ một số kinh nghiệm xử lý, ứng phó với môi trường kết hợp với sự hỗ trợ về mặt khoa học, kỹ thuật của cán bộ thủy sản, khuyến nông. Tuy nhiên, mưa bão thường gây ra nhiều rủi ro như môi trường thay đổi đột ngột, hư hỏng đê bao, cúp điện… nên không thể chủ quan.

Mùa mưa bão năm trước làm nhiều ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển Ngũ Điền bị chết, nhiều hộ trắng tay là bài học đắt giá đối với người dân. Hệ thống điện hư hỏng nặng, phải mất vài ngày đến cả tuần mới khắc phục xong khiến tôm ngạt ô xy, chết hàng hoạt. Một số ao hồ bị vỡ đê bao, tôm nuôi trôi ra biển, mất trắng do người dân chủ quan, mất cảnh giác trong bảo vệ, ứng phó mưa lớn.

Vụ đông năm nay, trước khi chuẩn bị thả giống, các hộ nuôi ở Phong Hải và Ngũ Điền có sự chuẩn bị chu đáo để ứng phó thiên tai; mua sắm, trang bị máy nổ, máy phát điện dự phòng khi hệ thống điện bị hư hỏng do bão. Thuốc men, hoá chất, chế phẩm sinh học… được dự phòng đầy đủ nhằm xử lý kịp thời khi môi trường biến động, thay đổi. Nhà trại được người dân xây dựng kiên cố, an toàn phục vụ trú tránh trong quá trình theo dõi tôm nuôi mùa mưa bão.

Chuẩn bị đầy đủ thiết bị, thuốc men

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Phước nhận định, mùa bão, lũ năm nay dự báo nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát Ngũ Điền vụ đông gặp nhiều bất lợi. Nhưng đây là vụ chính trong năm, thời tiết mát mẻ giúp tôm sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh; giá tôm vào thời điểm thu hoạch (trước, trong và sau tết) thường ổn định, khá cao nên các hộ nuôi thường lãi lớn. Ngoài sự chủ động ứng phó của người dân, Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh, ngành nông nghiệp huyện thường xuyên cử cán bộ về cơ sở, hỗ trợ tích cực trong việc xử lý, điều chỉnh môi trường phù hợp, phòng ngừa dịch bệnh trong quá trình nuôi, nhất là vào thời điểm trước và sau mưa bão.

Cán bộ thủy sản phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường, nguồn nước và hướng dẫn các biện pháp ứng phó mưa bão tại các vùng nuôi tôm chân trắng trên cát. CCTS khuyến cáo người dân thường xuyên bám ao hồ, theo dõi diễn biến thời tiết và kiểm tra kỹ các yếu tố môi trường nhằm có biện pháp điều chỉnh phù hợp, đảm bảo an toàn cho thủy sản nuôi. Chủ cơ sở, hộ nuôi không nên xả nước từ ao nuôi sau thu hoạch tôm thương phẩm ra ngoài khi chưa qua xử lý, tránh ảnh hưởng đến môi trường khu vực nuôi chung.

Phó Chi cục trưởng CCTS tỉnh, ông Võ Giang khuyến cáo, người dân cần thu hoạch toàn bộ, hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm nhằm tránh nguy cơ thiệt hại lớn trong mùa mưa bão. Với vụ đông, người dân cần thả mật độ tương đối, hoặc thấp (bình quân 100 - 150 con/m2), đầu tư chăm sóc phù hợp để rút ngắn thời gian sinh trưởng, có thể thu hoạch sớm. Tôm giống trước khi thả nuôi phải kiểm tra bằng máy PCR. Các cơ sở, hộ nuôi chuẩn bị đầy đủ máy móc, hóa chất, vật liệu, nhiên liệu như lưới, đăng chắn, cọc tre, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi… nhằm chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống, tạo ôxy khi xảy ra cúp điện, vỡ bờ bao, xử lý môi trường.

Sau mưa bão, người dân xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí tạo nguồn ôxy cho tôm sinh trưởng. Đồng thời, bổ sung vitamin hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm; sử dụng thuốc, hoá chất tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước. Nếu tôm, thủy sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của CCTS, chính quyền địa phương.

Theo CCTS, ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng đang thu hoạch và bắt đầu vụ mới, hiện nay tại các huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Phú Vang vẫn còn số ít lồng bè nuôi thủy sản trên sông, đầm phá chưa thu hoạch xong. Các địa phương yêu cầu người dân tranh thủ thu hoạch xong trước bão, lũ; với những lồng thủy sản còn nhỏ chưa thể thu hoạch cần bố trí neo đậu an toàn; kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng, vệ sinh lồng bè. Khi cần thiết cần di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ, độ mặn ổn định (đối với nuôi lợ mặn). Trường hợp không di chuyển được cần che chắn mặt lồng bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù tránh thủy sản nuôi thoát ra ngoài…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phần thưởng quý giá
Phần thưởng quý giá

Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển năm 2022 và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tặng bằng khen trong thực hiện chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. Đó là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Thiếu tá Nguyễn Thanh Thái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân.

Phập phồng nuôi tôm chân trắng
Phập phồng nuôi tôm chân trắng

“Theo đuôi con tôm” mười mấy năm nay với nhiều cơ hội, thách thức, cuối cùng người dân vẫn trắng tay vì dịch bệnh, thua lỗ.