Thứ Ba, 26/05/2020 14:23

Bắt kịp xu hướng để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU

Sau hơn 2 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã ghi nhận kết quả khả quan. Thế nhưng, bối cảnh lạm phát và khó khăn của kinh tế thế giới, đặc biệt là những thay đổi từ thị trường EU dự báo sẽ tác động đến xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ Hiệp định này.

EU công bố thuế nhập khẩu và hạn ngạch dành cho gạo Việt NamTận dụng Hiệp định EVFTA xây dựng thương hiệu ngành hàngXuất siêu của Việt Nam sang EU tăng mạnh nhờ Hiệp định EVFTAEVFTA: ‘Chất xúc tác’ giúp xuất khẩu sang EU tăng trưởng tích cực

Dệt may là một trong những ngành sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ về kết quả sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA còn hỗ trợ tích cực cho hàng Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung hai bên.

Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.

Cùng đó, EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước giai đoạn 2015 - 2021.

Đáng lưu ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực.

Hơn nữa, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa. Hiệp định EVFTA đi vào thực thi cũng góp phần đáng kể giúp hàng hóa Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại thị trường EU.

Theo số liệu từ Cục Thống kê châu Âu (Eurostat), thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối 8 tháng năm 2022 chiếm 1,8%, cao hơn các nước ASEAN như Malaysia chiếm 1,2%, Thái Lan chiếm 0,9%, Indonesia chiếm 0,7%, Singapore chiếm 0,7%. Điều này cho thấy, đây là những kết quả rất tích cực và sự khởi đầu thuận lợi cho phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam - EU trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thảo Hiền cho hay, trong bối cảnh tình hình quốc tế dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu khiến hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam sang khu vực thị trường EU đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Bởi, tình hình lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ suy giảm, giá cả nguyên vật liệu đầu và chi phí vận tải cũng tăng lên.

Cùng đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thị trường EU do chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu cao của EU đặt ra từ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, đến các vấn đề môi trường, xã hội, phát triển bền vững. Ngoài ra,  EU cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định khiến doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều trường hợp không kịp nắm bắt, thích nghi.

Theo thống kê sơ bộ từ Văn phòng SPS Việt Nam, 2 năm kể từ khi EVFTA đi vào hiệu lực (tháng 8/2020 - 8/2022), EU đã công bố khoảng 71 dự thảo và điều chỉnh khoảng 146 quy định liên quan tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đáng chú ý, EU đang có xu hướng tăng cường chuẩn hóa, luật hóa các quy định, siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến khí hậu/môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Hàng loạt các đề xuất quy định mới đã được Ủy ban châu Âu công bố thời gian gần đây, điển hình như Cơ chế điều chỉnh các-bon biên giới (CBAM), Dự luật ngăn chặn phá rừng COM(2021)706, hay gói quy định về các sản phẩm bền vững, tuần hoàn… Việc triển khai các quy định trên có khả năng tác động đáng kể đến xuất khẩu hàng hóa, gia tăng thêm hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng nông nghiệp đến công nghiệp.

Để tận dụng cơ hội, gia tăng xuất khẩu, bà Nguyễn Thảo Hiền cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực đổi mới, chuẩn bị kế hoạch bài bản để tận dụng tối đa cơ hội thị trường và ưu thế lớn từ EVFTA.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu; đa dạng hóa thị trường, gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh.

Mặt khác, doanh nghiệp phải tiếp cận thêm các thị trường mới thông qua các chuỗi siêu thị và các cửa hàng bán lẻ ở các quốc gia mục tiêu khác nhau tại châu Âu; đồng thời lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và quy mô của doanh nghiệp.

Nhằm đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi từ EVFTA.

Hơn nữa, tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu.

Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tìm kiếm các đối tác đầu tư nước ngoài để tận dụng nguồn công nghệ, nguồn vốn cũng như kinh nghiệm của các nước phát triển. Hiện nay, việc gia tăng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, không riêng tại thị trường EU.

Vì vậy, việc đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, hệ thống xử thải theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.

Theo Báo Tin tức

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943
Tiếp nhận và xây dựng văn hoá mới từ nền tảng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943

Nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam) và GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, khẳng định, bản Đề cương đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện sức mạnh soi đường quốc dân đi của văn hoá.

Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt
Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt

Công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong năm 2022 cho biết, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019, với 69 đường bay đã được tái khai thác, mở mới và tăng tần suất. Nhờ vậy, nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40 – 42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.