Thứ Sáu, 15/03/2019 15:27

Biến đổi khí hậu - thách thức và hành động thích ứng - Kỳ 3: Sống hài hòa, thích ứng

Thừa Thiên Huế có đến hơn 70% dân số sống ở nông thôn và sinh sống bằng các nghề liên quan đến nông nghiệp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH. Giải pháp giảm thiểu, thích ứng trước BĐKH không nhất thiết là mô-típ rập khuôn mà đòi hỏi sự linh động và luôn luôn đổi mới tùy từng hoàn cảnh, thời điểm.

Biến đổi khí hậu - thách thức và hành động thích ứng - Kỳ 2: Biến thách thức thành cơ hộiBiến đổi khí hậu - thách thức và hành động thích ứng - Kỳ 1: Vùng dễ tổn thươngBiến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra các đại dịch

 Trồng rừng trên cát, rừng ngập mặn là giải pháp phi công trình tối ưu giúp thích ứng với BĐKH

Nhận diện để chung sống

Theo phân tích của PGS. TS. Lê Văn Thăng, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường - Trường đại học Khoa học - Đại học Huế, thích ứng với BĐKH có nghĩa là giảm nhẹ sự mất mát và tổn thất, nhanh chóng phục hồi sự hoạt động bình thường và khai thác những cơ hội có lợi do tác động của các yếu tố khí hậu mang lại. Vai trò và tính chất của việc thích ứng này dần được người dân và các nhà chuyên môn, nhà quản lý nhận ra. Họ đã cùng nhau thực hiện những dự án, mô hình thích ứng như trồng rừng ngập mặn, trồng rừng gỗ lớn tích trữ nguồn cac-bon; sử dụng năng lượng tái tạo; nuôi các loài thủy sản xen ghép, nuôi cá vượt lũ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với BĐKH...

Quan điểm của ông Lê Bá Phúc, Giám đốc Sở TN&MT, ngoài được cảnh báo sớm từ các chuyên gia, các quy hoạch phát triển của địa phương gắn với BĐKH, chính việc thích ứng, cùng chung sống, chống chịu tốt và điều kiện kinh tế người dân khá lên sẽ góp phần chống chọi được với thiên tai.

Một kết quả đánh giá rất tích cực sau thời gian 4 năm thực hiện dự án "Thích ứng và chống chịu với BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế" do Quỹ năng lượng và khí hậu Luxembourg - Bộ Phát triển Bền vững và Hạ tầng Luxembourg tài trợ tại 29 xã vùng dễ bị tổn thương ven phá, ven biển cho thấy, số hộ nghèo bị thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai giảm hơn 30%; 76,1% phụ nữ cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội kinh tế; giảm 92% trường hợp bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; dịch bệnh nuôi trồng thủy sản giảm khoảng 50%; 13 chi hội nghề cá đã được thành lập với 679 hội viên; diện tích các khu bảo vệ thủy sản tăng 79,43%; 88% lao động thất nghiệp trước đây tại các địa bàn triển khai đã được đào tạo nghề, được bố trí công việc và có thu nhập ổn định, năng lực quản lý, nhận thức về BĐKH của cộng đồng được nâng cao.

Tận dụng mọi nguồn lực

Giám đốc Sở TN&MT - ông Lê Bá Phúc cho rằng, việc thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và hoạt động ứng phó với BĐKH là sự nghiệp của toàn xã hội.

Những thành quả từ thay đổi nhận thức, sống hài hoà, bảo tồn thiên nhiên của chính quyền và người dân không chỉ chính người dân được hưởng lợi mà còn tạo uy tín đối với các tổ chức quốc tế. Lợi thế này giúp các sở, ngành có thêm "thẻ xanh" để tiếp tục huy động nguồn lực từ các chương trình, tổ chức trong nước, quốc tế thực hiện các dự án ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường, đồng hành cùng người dân đi xa hơn, bền bỉ hơn trong cuộc chiến này.

Đến nay, trên toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 9 hồ thuỷ điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3. Trong đó, hồ Tả Trạch và thủy điện Hương Điền là công trình hồ chứa nước quan trọng đặc biệt quốc gia. Những năm qua, các hồ đã phát huy nhiệm vụ cắt lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương, tạo nguồn nước tưới ổn định cho diện tích đất canh tác thuộc vùng đồng bằng sông Hương, bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng đầm phá, phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, do sự thay đổi thất thường và phân bố không đều của lượng mưa trong những năm gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động của các hồ chứa, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Không phủ nhận vai trò to lớn của các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện, những đê kè chắn sóng, khu neo đậu tránh trú bão hay các tuyến đường giao thông vượt lũ ven biển, hàng trăm nhà ở an toàn, nhà phòng tránh thiên tai, các khu tái định cư... trong việc ứng phó với thiên tai, BĐKH. Tuy nhiên, bên cạnh tập trung các giải pháp công trình vẫn cần có những giải pháp phi công trình, giải pháp mềm để đảm bảo “hiệu quả kép” trong ứng phó với BĐKH.

Tối ưu hóa giải pháp phi công trình

Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBND tỉnh ban hành vạch rõ mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH đối với các cấp quản lý và cộng đồng dân cư theo hướng thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững.

Trồng rừng, ngăn chặn chặt phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên và xây dựng kế hoạch phát triển rừng bền vững, ứng dụng công nghệ thông tin, ảnh vệ tinh, GIS, công nghệ phát hiện, cảnh báo sớm cháy rừng... được cho là giải pháp phi công trình vừa hướng đến mục tiêu phát thải thấp, giảm tác động của BĐKH, đồng thời góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân.

Điển hình trong hoạt động thích ứng với BĐKH ở lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh thời gian qua là triển khai thực hiện khá hiệu quả các dự án về bảo tồn và phát triển rừng, như: dự án Mây tre keo bền vững do tổ chức WWF tài trợ; dự án Hành lang Bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2 tỉnh Thừa Thiên Huế; dự án Dự trữ và Bảo tồn đa dạng sinh học rừng do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ; dự án Đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế (Dự án SP-RCC); dự án Trường Sơn Xanh, thông qua hợp phần BĐKH; dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển...

Công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH cũng được quan tâm hơn. Trong 10 năm từ năm 2009 đến 2019 đã có 90 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh với kinh phí 50 tỷ đồng được triển khai thực hiện. Ngoài những đề tài, dự án phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản là những đề tài, dự án được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT
Bảo vệ “liêm chính học thuật” trước thách thức từ ChatGPT

Sự xuất hiện của ChatGPT vừa là cơ hội, vừa là thách thức với ngành giáo dục, trong đó nỗi lo ở bậc đại học (ĐH) là ảnh hưởng vấn đề “liêm chính học thuật”. Song, trước xu thế của thời đại, việc chủ động đón nhận và định hướng người học tiếp cận các giá trị tích cực mà ChatGPT là điều nên làm.

Chuyển đổi số Tư duy, hành động mới
Chuyển đổi số: Tư duy, hành động mới

Tại Thừa Thiên Huế, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN), địa phương đang có nhiều chuyển biến hiệu quả, thích ứng với tình hình thực tế.

Thách thức trong tuần hoàn chất thải
Thách thức trong tuần hoàn chất thải

Tuần hoàn chất thải (THCT) là kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng. Việc này vừa có lợi về kinh tế vừa có lợi về môi trường.