Thứ Hai, 14/10/2013 20:20

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2015: Cần kháng thể

Giảm đến 7% điểm so với kết quả năm 2014, công khai minh bạch đã trở thành chỉ số nội dung giảm mạnh nhất trong kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 vừa được công bố mới đây.

Đói nghèo, đường xá/giao thông, tham nhũng và tình hình an ninh trật tự được đánh giá là quan ngại nhất về kinh tế xã - hội trong năm 2015 theo kết quả đánh giá của PAPI 2015. Ở một phương diện khác, trong khi tỷ lệ hộ dân bị thu hồi đất có xu hướng thuyên giảm so với các năm trước do những quy định chặt chẽ hơn đối với các cấp chính quyền địa phương và đã tạo ra những tác động nhất định thì mức độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương tiếp tục giảm sút. Người dân cũng ít có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương hơn trước và tỉ lệ người dân được biết đến danh sách hộ nghèo giảm đáng kể. Mặt khác, trong số những người biết đến danh sách hộ nghèo thì chỉ có một số nhỏ tin tưởng vào độ xác thực của danh sách này.

Giảm hơn 3% và điểm của 4 nội dung thành phần (kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng vào khu vực nhà nước và quyết tâm chống tham nhũng) đều giảm so với 2014 đã giải thích căn nguyên của chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công giảm mạnh, trung bình hơn 3% ở phạm vi toàn quốc. Chỉ có 37% số người được hỏi cho rằng chính quyền cấp tỉnh đã thực sự nghiêm túc xử lý vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương là một tham số cần suy nghĩ khác. Trong 6 vấn đề mà PAPI 2015 đo lường về tình hình tham nhũng và hối lộ trong khu vực công (bao gồm chi phí lót tay để xin việc trong cơ quan nhà nước, chi thêm tiền để được quan tâm khi đi khám, chữa bệnh, chi thêm tiền để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phụ huynh phải chi thêm tiền để học sinh được quan tâm hơn, chi thêm tiền để làm xong giấy phép xây dựng và cán bộ dùng tiền công quỹ cho mục đích riêng) đều cho thấy có sự gia tăng.

Mặc dù không tăng đáng kể, song chỉ số nội dung cung ứng dịch vụ công cũng được xem là điểm sáng trong bảng tổng sắp của PAPI 2015. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý ở đây hai vấn đề mà chúng tôi vừa đề cập ở phần trên về chi phí tăng thêm, chi phí không chính thức ở dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Cũng phải nói thêm là bên cạnh 5 địa phương luôn đạt điểm cao nhất, 7 tỉnh, thành phố cải thiện nhiều có tới 13 tỉnh, thành phố giảm điểm mạnh sau 5 năm mà PAPI khảo sát và đánh giá.

Nếu xem PAPI như một nhiệt kế đo lường những thay đổi thực chất trong hiệu quả quản trị địa phương, là những mặt gương phản chiếu mức độ hiệu quả của chính quyền trong việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân, vấn đề cần được đặt ra ở đây là việc cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công cần được chính quyền các địa phương đặt ra ở mức độ cấp thiết; đồng thời phải được xác lập ở từng chỉ số mà đích hướng tới không chỉ vì và không chỉ là vị trí và thứ hạng của PAPI (hay của PCI – chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) mà là ở mức độ hài lòng, sự tin cậy của người dân (cũng như cộng đồng doanh nghiệp). Và với những thông số ở các chỉ số đo lường quan trọng mà PAPI 2015 đã đưa ra, để cải thiện hiệu quả quản trị địa phương, phải cần đến những kháng thể đủ mạnh và đủ nghiêm túc trong một cơ thể đang mang nhiều thương tổn.

Từ nhóm điểm trung bình thấp vào năm 2011, năm 2012 Thừa Thiên Huế được xếp vào nhóm trung bình cao, 2013 trở lại nhóm trung bình thấp và hai năm 2014 và 2015 giữ nguyên vị trí trung bình cao.

Bình Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến dịch vụ công trực tuyến
Hướng đến dịch vụ công trực tuyến

Tại Hội thảo “Chia sẻ kết quả Dự án Sáng kiến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của người dân” diễn ra sáng 17/6, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, để thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính (CCHC) cần nhiều giải pháp phù hợp, từ tuyên truyền, tổ chức, đến hoàn thiện hạ tầng và sự tham gia trực tiếp của chính quyền, người dân.