Thứ Hai, 06/04/2020 13:30

“Chỗ đứng” cho sản phẩm làng nghề - Kỳ II: Xây dựng chuỗi liên kết gắn với du lịch làng nghề

Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, tổ chức liên kết giữa những người sản xuất và liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân - doanh nghiệp (DN) là việc phải làm để đưa sản phẩm làng nghề vươn xa.

"Chỗ đứng" cho sản phẩm làng nghề - Kỳ I: Làng nghề “độc lập tác chiến”

Nón lá - một mặt hàng lưu niệm của du lịch Huế. Ảnh: HK

Hiệu quả từ liên kết chuỗi

Làng Phò Trạch, xã Phong Bình (Phong Điền) nổi tiếng với nghề đan đệm bàng có bề dày lịch sử hàng trăm năm nay. Khi chưa có đồ nhựa thì những sản phẩm của làng này như chiếu, giỏ xách, bao... được làm từ cây cỏ bàng là những vật dụng chủ yếu của người dân trong vùng. Tuy nhiên, nghề truyền thống cũng mai một dần khi các sản phẩm nhựa cao cấp, da, vải… trong và ngoài nước xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Trước thực trạng đó, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt (viết tắt là Công ty Huế Việt) đã khảo sát và liên kết với các hộ dân làng nghề, đầu tư trang thiết bị hiện đại và đưa đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp về làng trực tiếp hướng dẫn bà con sản xuất những sản phẩm cao cấp từ cây cỏ bàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách cũng như tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, hàng trăm mẫu mã tinh xảo do chính bàn tay người dân làng đệm Phò Trạch tạo ra từ nguyên liệu cây cỏ bàng như ống hút, túi xách, nón, mũ, tranh… đã có mặt khắp nơi, phục vụ người dân, khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc Công ty Huế Việt, bà Nguyễn Thị Huệ, với đặc tính chống ẩm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè, đặc biệt là có thể thay thế các sản phẩm nhựa góp phần bảo vệ môi trường, hiện các sản phẩm làm từ cây cỏ bàng đang được thị trường đón nhận. Để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con, DN tăng cường khâu thiết kế mẫu, trong đó đưa các hình vẽ về quê hương, phong cảnh lên sản phẩm, bổ sung thêm một số phụ kiện như da, ngọc trai, cườm… tạo thêm nhiều kiểu dáng để hấp dẫn khách. 

Nghệ nhân Thân Văn Huy thao diễn nghề làm hoa giấy cho du khách nước ngoài

Nghề bánh chưng, bánh tét làng Dương Nổ, xã Phú Dương, TP. Huế là nghề có từ hàng trăm năm trước và đã được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống vào tháng 8/2022. Với hơn 100 hộ dân tham gia làm bánh chưng, bánh tét được truyền từ đời này qua đời khác nên sản phẩm hương vị thơm ngon, thu hút khách hàng trong tỉnh. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định nên chỉ chế biến vào dịp tết, từ đó người dân chưa mặn mà để cải tiến mẫu mã và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề.

Đầu năm 2022, sau khi địa phương làm việc và liên kết với Công ty Huế Việt để phối hợp chế biến các loại bánh chưng theo mẫu mã mới, nhỏ gọn và sử dụng công nghệ đóng chân không để bảo quản lâu, hiện vào các ngày 14, 15 và 30, mồng 1 âm lịch hằng tháng DN đặt bà con làm cả 2 loại bánh chưng chay và mặn với số lượng hàng trăm cặp. Đồng thời, hướng đến xây dựng thương hiệu bánh chưng chợ Nọ để cung ứng thường xuyên vào các siêu thị và thị trường trong, ngoài tỉnh. 

Nâng cao năng lực sản xuất

Toàn tỉnh hiện có gần 100 làng nghề, trong đó có hơn 30 LNTT lâu đời như đúc đồng Phường Đúc, nón lá Phủ Cam, mây tre đan Bao La, điêu khắc Mỹ Xuyên... Đây là kho tàng tri thức nghề và di sản văn hóa phong phú để phát triển du lịch làng nghề. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu làng nghề gắn với phát triển du lịch, vấn đề đặt ra là phải nâng cao năng lực sản xuất, trong đó cần xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho cơ sở sáng tác mẫu mới. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm LNTT theo hướng sản xuất hàng loạt, giá thành thấp phục vụ nhu cầu khách du lịch đi đôi với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, cần đầu tư hạ tầng làng nghề, quy hoạch các khu sản xuất tập trung, quy hoạch vùng nguyên liệu và hỗ trợ dạy nghề cho lao động…

Truyền nghề cho người dân làng đệm bàng Phò Trạch

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Đình Bách cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 8 LNTT được UBND tỉnh công nhận.Thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo tồn và phát huy gia trị làng nghề, tạo điều kiện phát triển kinh tế, như hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị cho các cơ sở sản xuất, chứng nhận nhãn hiệu “Hương xưa làng cổ” Phước Tích; quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho làng nghề, đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề…Từ đó, một số làng nghề truyền thống từng bước được khôi phục và phát triển. Để nâng cao năng lực sản xuất cho các cơ sở, sắp tới huyện tiếp tục triển khai các đề án khuyến công đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến mẫu mã nhằm thúc đẩy phát sản xuất tại các làng nghề, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, giai đoạn 2010 - 2022, tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nghề, làng nghề, LNTT hơn 9 tỷ đồng, thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, thiết kế mẫu mã sản phẩm... Xác định nguồn vốn khuyến công có vai trò quan trọng, là “vốn mồi” nhằm khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, sắp tới sở tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn gắn với hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực theo hướng phát huy tốt lợi thế so sánh, nguồn lực có sẵn về tài nguyên, nguyên liệu, thị trường lao động của địa phương nhằm nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề.

Phát triển du lịch làng nghề

Cùng với các giải pháp để phát triển và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề, phát triển du lịch làng nghề đang là hướng đi triển vọng đối với một địa phương có bề dày về văn hóa, lịch sử và nhiều ngành nghề đa dạng như Thừa Thiên Huế.

Tại huyện Quảng Điền, nơi có lợi thế vùng đầm phá Tam Giang gắn với nhiều nghề và LNTT nổi tiếng, như mây tre đan Bao La, Thủy Lập; bún bánh Ô Sa, nước mắm Tân Thành… Cùng với chiến lược phát triển nghề, LNTT, thông qua nguồn hỗ trợ từ các đề án khuyến công, UBND huyện đang đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, cùng với công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề, LNTT, huyện đang tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng khu trưng bày sản phẩm làng nghề để phát triển du lịch làng nghề. Với lợi thế có Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vùng đầm phá Tam Giang với trên 3.500ha mặt nước và nhiều làng nghề nổi tiếng, huyện tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, mở rộng phát triển thêm các làng nghề như rau má Quảng Thọ, làng rau sạch Quảng Thành để tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn thu hút khách, tạo điều kiện cho bà con tiêu thụ sản phẩm thông qua các tour tuyến du lịch.

Sau khi được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng "Điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam" vào năm 2015, làng hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, TP. Huế càng được biết đến nhiều hơn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Theo nghệ nhân Thân Văn Huy, làng hoa giấy Thanh Tiên có tới 30 hộ làm hoa, du khách đến đây đều ngưỡng mộ trước sự tài hoa, khéo léo và nghệ thuật làm hoa sen giấy của làng. Sau khi phát triển tour du lịch làng nghề hoa giấy, cơ sở cải tiến mẫu mã, phát triển thêm một số mẫu hoa có kích thướt nhỏ, gọn; các mẫu hoa đựng trong hộp thủy tinh để du khách dễ dàng vận chuyển. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông dẫn đến làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ, các DN lữ hành ngại đưa khách về tham quan nên khâu tiêu thụ tại chỗ rất khó.

Để nghề và LNTT phát triển, trước hết, phải tăng cường việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm có tính ổn định và lâu dài. Do hầu hết làng nghề có quy mô nhỏ lẻ, nên để phát triển bền vững đòi hỏi phải có sự phối hợp, liên kết các làng nghề trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Các DN, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ từ việc xây dựng, khai thác nguyên liệu tại chỗ, xây dựng kho bãi và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm làng nghề mới có chỗ đứng trên thị trường và ổn định đầu ra.

Bài, ảnh: Thanh Hương

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm mới của Prudential lọt TOP 10 sản phẩm - dịch vụ tin dùng của năm chỉ sau bốn tháng ra mắt
Sản phẩm mới của Prudential lọt TOP 10 sản phẩm - dịch vụ tin dùng của năm chỉ sau bốn tháng ra mắt

Tại sự kiện trao giải diễn ra vào tháng 12/2022, PRU-Thiết Thực – sản phẩm bảo hiểm mới nhất của Prudential Việt Nam đã đạt TOP 10 Sản phẩm – Dich vụ tin dùng Nhóm ngành Ngân hàng - Tài chính – Bảo hiểm trong Top 100 Sản phẩm – Dịch vụ tin dùng. Chỉ sau 4 tháng ra mắt, sản phẩm đã nhanh chóng được thị trường đón nhận, ghi dấu cho những nỗ lực không ngừng nghỉ để cải tiến sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng của Prudential Việt Nam.

Thiếu dịch vụ du lịch trong nhà
Thiếu dịch vụ du lịch trong nhà

Với một điểm đến mà thời tiết mùa mưa lạnh kéo dài, mùa hè lại nắng nóng như Huế, cần có những sản phẩm, dịch vụ trong nhà để phục vụ du khách trong thời điểm thích hợp.

Chậm trong phát triển sản phẩm du lịch
Chậm trong phát triển sản phẩm du lịch

Sản phẩm du lịch là lý do để du khách quyết định lựa chọn điểm đến. Dù đã có nhiều kế hoạch, giải pháp, nhưng sự phát triển sản phẩm của du lịch Huế vẫn còn chậm.