Thứ Sáu, 09/11/2018 07:45

Chống buôn lậu, hàng giả & trong sạch bộ máy cán bộ quản lý thị trường

Qua hơn 2 tháng được Bộ Công thương bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, ông Phan Hùng Sơn có cuộc trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần xung quanh các vấn đề ngăn chặn, chống buôn lậu, hàng giả và bình ổn thị trường.

Thị trường hàng hóa Tết: Siết chặt quản lý ngay từ khâu sản xuất

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Phan Hùng Sơn. Ảnh: ĐỨC QUANG

Xin chúc mừng ông trên cương vị mới. Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình khi đảm nhận công việc này?

Tôi cảm nhận đây thực sự là vinh dự đối với bản thân, đồng thời ý thức rõ ràng, sâu sắc về trách nhiệm và những kỳ vọng mà lãnh đạo Bộ Công thương, Tổng cục QLTT và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã tin tưởng giao trọng trách là người đứng đầu của Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế. Bản thân sẽ đem toàn bộ sức lực, trí tuệ, tâm huyết nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất.

Công tác ở ngành thương mại thời gian dài và nhiều năm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Công thương, với ông, đây có phải là một lợi thế trong công việc mới?

Quá trình công tác trong lĩnh vực thương mại từ năm 1995; giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Công thương từ năm 2016, tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tiễn và am hiểu tình hình liên quan đến lưu thông hàng hoá, xuất khẩu, nhập khẩu, QLTT, quản lý cạnh tranh… trên địa bàn tỉnh nên đây cũng là một lợi thế của bản thân khi được giao trọng trách là người đứng đầu của Cục QLTT.

Ông sẽ phát huy những lợi thế này như thế nào?

Lợi thế đầu tiên là câu chuyện tiếp cận về mặt pháp luật. Đã từng công tác ở Sở Công thương, trước đây là Sở Thương mại, trong đó phần lớn thời gian phụ trách lĩnh vực thương mại nên kiến thức về lĩnh vực thương mại, công thương có tính hệ thống, được bổ sung qua các thời kỳ nên gặp nhiều lợi thế trên góc độ tiếp cận pháp luật. Hơn nữa, cùng địa bàn Thừa Thiên Huế nên đây cũng là một lợi thế rất lớn, đặc biệt Sở Công thương và Chi cục QLTT trước đây là 1 đơn vị nên các mối quan hệ với đội ngũ CBCNV khá thân thiết, mối quan hệ với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành, các địa phương cũng khá thuận lợi.

Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại là “câu chuyện” dài kỳ và đầy cam go, với vai trò là cục trưởng, ông sẽ triển khai như thế nào?

Hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại (GLTM) là một trong những vấn nạn không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe của riêng người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất; lớn hơn là tác động đến sự phát triển của cả nền kinh tế và đối với cả xã hội. Để ngăn chặn tình trạng GLTM, kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên địa bàn cần thực hiện các giải pháp, đó là tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ QLTT; trong đó chú trọng tăng cường công tác quản lý địa bàn, sử dụng cơ sở cung cấp tin rộng rãi để thu thập, thẩm tra xác minh các thông tin tài liệu liên quan đến hoạt động của tổ chức, cá nhân có dấu hiệu kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại Siêu thị Big C Huế

Ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu một cách đồng loạt, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, tăng cường và chủ động trong công tác nghiệp vụ như: dự báo, xây dựng kế hoạch giám sát và kiểm tra đột xuất, kết hợp tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, và các đối tượng kinh doanh về cách nhận biết và phân biệt hàng thật - hàng giả. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. 

Để chống hàng giả, hàng lậu và GLTM có hiệu quả, ngoài các lực lượng chức năng, rất cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, nhất là ý thức của người tiêu dùng, nhà sản xuất; như vậy nạn hàng giả, hàng lậu mới dần bị đẩy lùi.

Như ông đã nói, chống buôn lậu, hàng giả cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, vậy người tiêu dùng cần phải làm gì trong cuộc chiến này?

Có thể khẳng định, sự chung tay của toàn xã hội rất quan trọng trong cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả và GLTM. Bởi, nếu ai cũng nói không với hàng lậu, hàng giả thì chắc chắn hàng lậu, hàng giả sẽ không xuất hiện và tồn tại trên thị trường. Vì vậy, bản thân người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông thái, phải trao đổi rõ các yêu tố tác động đến tiêu thụ và đặc biệt là phải thông báo với cơ quan chức năng, lực lượng QLTT khi phát hiện hàng lậu, hàng giả. Công việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi cho bản thân, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, ổn định thị trường.

Cán bộ công tác trong ngành QLTT được xem là khá “nhạy cảm”. Ông có thể cho biết kế hoạch làm “trong sạch hoá” bộ máy được triển khai như thế nào?

Cán bộ QLTT nhạy cảm là đúng vì thường xuyên tiếp xúc với tiền, với hàng hoá và có quyền nhất định do Nhà nước giao. Đã nói đến quyền lực thì rất dễ có sự tha hoá quyền lực nên sắp tới, sẽ triển khai nhiều giải pháp, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, bồi dưỡng đạo đức tác phong. Về năng lực, thường xuyên trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ QLTT có năng lực, tác phong, trong đó rất cần sự chung tay góp sức của người dân trong việc thông báo khi phát hiện một bộ phận cán bộ không thực thi nhiệm vụ của mình và làm trái pháp luật nhằm xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp và hiện đại.

Nhiệm vụ đặt ra thời gian tới nhằm bình ổn thị trường, hạn chế tối đa các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng là gì, thưa ông?

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng tôi bám sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 Thừa Thiên Huế. Từ đó, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác thiết thực của cơ quan. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất, công tác kiểm tra kiểm soát có trọng tâm, tập trung vào địa bàn và các mặt hàng trọng điểm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong xử lý các hành vi vi phạm; trong đó đặc biệt là với các ban quản lý chợ tại các huyện, thị xã, TP. Huế tổ chức tuyên truyền, ký cam kết, vận động các hộ kinh doanh tại các chợ không kinh doanh hàng giả, hàng lậu và tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Có thể khẳng định, hạn chế và loại bỏ hàng giả, hàng lậu hiện nay là việc làm khó, tuy nhiên không phải là không thực hiện được. Nếu cùng chung tay chắc chắn sẽ khắc chế dần nạn kinh doanh hàng giả, hàng lậu và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong tương lai.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

THANH HƯƠNG (Thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xử phạt 8 cơ sở kinh doanh hàng lậu
Xử phạt 8 cơ sở kinh doanh hàng lậu

Chiều 22/11, ông Phan Hùng Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh thông tin, đơn vị vừa tịch thu, xử phạt 8 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, máy tính bảng nhập lậu trên địa bàn TX. Hương Thủy.

Phát hiện lượng lớn hàng giả, nhập lậu
Phát hiện lượng lớn hàng giả, nhập lậu

Chiều 16/11, ông Phan Hùng Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh thông tin, đơn vị đã phát hiện hàng trăm sản phẩm hàng giả mạo, nhập lậu trên địa bàn TP. Huế và TX. Hương Thủy.