Thứ Tư, 25/07/2018 17:03

Chủ động gỡ khó, tạo “sân chơi” cho doanh nghiệp phát triển

Các doanh nghiệp đánh giá, không còn là hai “lối đi” song song như trước, cơ quan quản lý Nhà nước đã thật sự trở thành cầu nối, “bà đỡ” cho doanh nghiệp du lịch phát triển.

Đề xuất nhiều giải pháp phục hồi ngành du lịchNíu chân du khách

Những năm qua, năm nào cũng có các diễn đàn, ngày hội, sự kiện lớn về du lịch được tổ chức

Kịp thời hỗ trợ

Theo các doanh nghiệp, suốt quãng thời gian dài trước đó, “tiếng nói” giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch thiếu sự đồng nhất. Vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp phát triển, gỡ khó khi gặp trở ngại chưa được phát huy tối đa. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải tự “bơi” trong việc tìm kiếm nguồn khách, mở rộng thị trường, gặp vướng về thủ tục hành chính, đầu tư sản phẩm được giải quyết chậm… Hệ lụy, tạo ra một môi trường du lịch thiếu tính năng động, doanh nghiệp khó tìm được cơ hội để bứt phá một cách mạnh mẽ…

Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành thẳng thắn, “khoảng cách” là cụm từ thể hiện chính xác nhất giữa doanh nghiệp và quản lý ngành những năm trước. Còn nay, điều thay đổi rõ nét nhất là cách thức điều hành, quản lý của ngành du lịch. Hiện, định kỳ nửa năm, hay có những công tác đột xuất, quản lý ngành đều tổ chức hội nghị hoặc buổi gặp gỡ để lắng nghe những ý kiến, những bức xúc từ phía doanh nghiệp nhằm điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời... Có thể những vấn đề chưa giải quyết tốt nhất, song điều đó giúp doanh nghiệp có niềm tin hơn với cơ quan quản lý Nhà nước.

“Trước ảnh hưởng của COVID-19, lãnh đạo tỉnh và Sở Du lịch thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và động viên doanh nghiệp. Đó là sự quan tâm đúng lúc, tạo động lực cho doanh nghiệp. Tại các diễn đàn, sự kiện, những nơi mà doanh nghiệp có cơ hội để kết nối trong phát triển du lịch, tour tuyến, quản lý ngành du lịch cũng chủ động kết nối để doanh nghiệp cùng tham gia”, bà Dương Thị Công Lý cho biết.

Ở thời điểm du lịch Huế chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, luôn thiếu hướng dẫn viên tiếng hiếm (Tây Ban Nha, Đức, Hàn Quốc…). Để khắc phục tình trạng khan hiếm, các doanh nghiệp đã đề xuất sử dụng các sinh viên năm cuối trường ngoại ngữ, thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn và được cấp thẻ hoạt động tạm thời để phục vụ khách. Quản lý ngành du lịch chủ động xin cơ chế cho doanh nghiệp và có sự giám sát chặt chẽ, nhờ thế giúp doanh nghiệp “chữa cháy” kịp thời.

Còn nhớ khi đại dịch COVID-19 ở giai đoạn “cao điểm” (tháng 3/2020) ở trong nước, tại Khách sạn Park View có đoàn khách quốc tế từ Hà Nội vào Huế và được xác định là có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm bệnh. Lúc này khách sạn trở nên náo loạn và không nhận khách. Quản lý khách sạn này nhớ lại, quả thật lúc đó khách sạn mất bình tĩnh và thật may là quản lý ngành du lịch, các cơ quan liên quan đã có mặt kịp thời, quyết định đưa đoàn khách về khu nghỉ dưỡng ở Thuận An để cách ly. Phản ứng nhanh, kịp thời của quản lý ngành khiến doanh nghiệp yên lòng, cứu doanh nghiệp “một bàn thua trông thấy”.

Nói về gỡ khó, đồng hành cùng doanh nghiệp phải nói đến quá trình hình thành Vietravel Airlines. Trong buổi ra mắt hãng hàng không đặt trụ sở tại Huế, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines xúc động, để được cấp giấy phép bay vào cuối năm 2020 thì phải kể đến hành trình từ năm 2018, không biết bao nhiêu lần tổ hỗ trợ dự án của Huế cùng Vietravel đã ra Hà Nội để thực hiện các thủ tục, làm việc với cơ quan Trung ương. Nhờ có sự hỗ trợ một cách “quyết liệt” của Huế, mới giúp hãng có thể chính thức vận hành khai thác khách.

“Sân chơi” sẽ tiếp tục được tạo ra

Hợp tác phát triển du lịch giữa Huế và các địa phương trong khu vực và trong cả nước thời gian qua được đánh giá đã chuyển từ “hình thức” sang “nội dung”, khi những hợp tác chuyển từ các cơ quan quản lý Nhà nước sang các doanh nghiệp. Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, những hợp tác chỉ đạt hiệu quả và có tính lâu dài khi các doanh nghiệp giữa các địa phương tìm đến nhau trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi và có sự giám sát, chứng kiến, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.

Lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, ngành sẽ chủ động để những hợp tác được củng cố và mở rộng, vai trò của doanh nghiệp phải được thể hiện nhiều hơn, nhất là trong liên kết phát triển du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam và mở rộng ra thêm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng…

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, trong nghị quyết, kế hoạch hàng năm của ngành, một nội dung quan trọng là có giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp. Điều đó được cụ thể bằng việc tích cực cải cách hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho các hoạt động của doanh nghiệp du lịch, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp; định kỳ 3 tháng/lần họp với các doanh nghiệp du lịch để cập nhật, trao đổi và giải quyết các khó khăn, vướng mắc .

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh, hàng năm, ngành còn tổ chức hoạt động tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh. Không chỉ để ghi nhận sự đóng góp cho sự nghiệp phát triển du lịch của doanh nghiệp mà nhằm khuyến khích, động viên doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực phát triển, sáng tạo trong cách làm để giúp ngành du lịch thêm phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, những năm qua, tỉnh luôn cố gắng và thực tế năm nào cũng đã tổ chức nhiều diễn đàn, ngày hội du lịch. Mục tiêu không chỉ là giới thiệu điểm đến, tìm giải pháp phát triển du lịch, mà quan trọng là nơi để doanh nghiệp khắp nơi về Huế, cùng với doanh nghiệp Huế tạo ra những hợp tác cụ thể; tìm thấy và tạo ra cơ hội cho nhau. Vai trò cầu nối này sẽ được tỉnh tiếp tục thực hiện triển khai trong thời gian đến. Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động, linh hoạt hơn nữa để tạo ra những sản phẩm cụ thể, cùng chung tay để phát triển điểm đến cho du lịch Cố đô.

Bài, ảnh: Đức Quang

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.

Tài chính cá nhân vững vàng - Bước đi đầu cho một Việt Nam già hóa chủ động
Tài chính cá nhân vững vàng - Bước đi đầu cho một Việt Nam già hóa chủ động

Trước bối cảnh già hóa dân số không ngừng tăng nhanh tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn nghỉ hưu sớm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, đặc biệt là khía cạnh tài chính và đảm bảo an ninh thu nhập để có được tuổi già độc lập như mong đợi.