Chủ Nhật, 28/04/2019 06:30

Chủ động xử lý thoát nước, vệ sinh, chiếu sáng mùa bão lụt

Là đơn vị được giao quản lý, đảm nhiệm công tác vệ sinh môi trường, thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng... trên địa bàn TP. Huế và các vùng phụ cận, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã lên phương án để chủ động ứng phó, kịp thời xử lý sự cố trong mùa bão lũ.

An toàn cho người đi rừng mùa lụt bãoHương Thủy: Xã miền núi có nơi ngập sâu 7m, sạt lở hàng chục khối đấtBão số 7 có khả năng mạnh thêm, Đông Bắc Bộ có mưa rất to từ chiều 9/10

Sau các trận lụt, HEPCO kịp thời xịt rửa, thu dọn bùn đất để đảm bảo mỹ quan, môi trường đường phố

Nhiều phương án

Ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, HEPCO đã xây dựng phương án phòng, chống bão lụt tại công ty và các đơn vị trực thuộc. Theo đó, mỗi đơn vị phụ trách từng lĩnh vực sẵn sàng phương án ứng cứu, giải quyết các tình huống khi xảy ra lụt bão. Ngoài bố trí phương tiện, thiết bị, phân công lực lượng thường trực tại chỗ đảm trách các yêu cầu khi xảy ra bão lụt, các đơn vị tăng cường phương tiện, thiết bị hỗ trợ các phường, xã thuộc TP. Huế mở rộng mà công ty chưa thực hiện công tác vệ sinh, như các phường: Phú Thượng, Thuận An và các xã: Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh.

Đại diện lãnh đạo HEPCO cho biết, công ty đã thành lập hai ban điều hành Bắc và Nam sông Hương trong phạm vi gồm: TP. Huế mở rộng và TX. Hương Thủy, TX. Hương Trà. Hai ban điều hành có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị triển khai công tác thực hiện kế hoạch, lộ trình vận chuyển, vận hành an toàn, điều động phương tiện, nhân lực trước, trong và sau bão lụt thuộc các lĩnh vực vệ sinh môi trường, vận chuyển, thoát nước và điện chiếu sáng, điện trang trí… trên địa bàn TP. Huế, TX. Hương Thủy, TX. Hương Trà. Đối với địa bàn huyện Phú Lộc, Xí nghiệp Môi trường Đô thị Lăng Cô chủ động triển khai phòng chống, khắc phục hậu quả theo phương án và đề nghị công ty tăng cường phương tiện, nhân lực nếu cần. 

Để tránh tình trạng ngập lụt cục bộ, đơn vị phụ trách thoát nước thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống thoát nước, các hồ điều hòa trong 4 phường nội thành, trong đó lưu ý những vùng thấp và địa điểm thường xảy ra ngập úng. Không để các cửa thu nước bị bùn, đất, rác bồi lấp các cống thoát nước bị dân chặn, bít để giữ cá tại các hồ điều hòa... Khi có dự báo sắp có mưa lớn, các lực lượng tiến hành khơi thông cống rãnh, chú trọng các hạ lưu như: Thủy Trường, Cồn Bàng, các khẩu hào thành Hàn Thuyên, Xuân 68, các hồ khu vực Tây Lộc, Thuận Lộc, khu vực đường Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương, đường Đống Đa, đường Ngô Gia Tự, đường Nguyễn Văn Cừ... và các tuyến đường đang thi công, hệ thống thoát nước tại các khu quy hoạch mới đã bàn giao cho công ty quản lý.

Đơn vị cũng lên phương án đề xuất thay thế, sửa chữa hệ thống đan mương, hố ga, lề đường hư hỏng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thoát nước, vỉa hè; tuyệt đối không để các hố ga thoát nước trong tình trạng không có tấm đan.

Xí nghiệp Điện chiếu sáng của công ty thường xuyên kiểm tra tình trạng an toàn của hệ thống điện chiếu sáng và trang trí đường phố để kịp thời phát hiện, khắc phục và sửa chữa, không để xảy ra tình trạng rò rỉ điện ở các thiết bị điện.

Khắc phục hậu quả

Kinh nghiệm qua các đợt lũ của nhiều năm trước, sau khi nước rút, lượng rác thường tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường do rác bị ùn ứ trong các ngày lụt, rác cành cây và vật dụng gia đình bị hư hỏng do ngâm lụt thải ra... Vì thế, trong xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục bão lụt, HEPCO đặt ra các tình huống cụ thể. Các xí nghiệp chủ động kéo dài ca làm việc hoặc tăng cường ca để sớm khắc phục hậu quả. Ngoài thu gom, vận chuyển rác ở những khu vực thuộc địa bàn phụ trách, công ty còn sẵn sàng bố trí phương tiện hiện có và thuê thêm bên ngoài để tăng cường vận chuyển rác ở một số phường, xã mới nhập vào TP. Huế khi có lệnh điều động tăng cường.

Các xí nghiệp môi trường, vận chuyển bố trí nhân lực, phương tiện đảm bảo công tác thu gom rác nhà, rác đường, vận chuyển rác sinh hoạt, không để gây ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh. Khi nước rút, các xí nghiệp môi trường huy động toàn bộ nhân lực tập trung thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo hình thức cuốn chiếu với phương châm “nước rút đến đâu thực hiện đến đó” và ưu tiên khu vực trung tâm, các tuyến phố chính làm trước, sau đó triển khai thu gom rác các tuyến đường nhỏ và các kiệt.

Ngoài thu dọn rác, việc xử lý, xịt rửa bùn cũng được tăng cường, trong đó huy động thêm lực lượng địa phương nhằm đảm bảo mỹ quan, chất lượng vệ sinh môi trường. Đối với địa bàn trung tâm TP. Huế, các đơn vị chủ động đẩy bùn lỏng các tuyến đường dọc các sông Đông Ba, An Cựu khi nước sông đang cao, dòng chảy mạnh để nhanh chóng thông tuyến. Khi nước rút bố trí công nhân khơi thông và đẩy bùn non, vệ sinh họng thu nước, đồng thời gom, xúc, xịt rửa bùn đọng lòng đường, vỉa hè ở các tuyến đường trung tâm thành phố trước, như: đường Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Trứ, hai bờ sông An Cựu, Bạch Đằng, Lê Duẩn, Kim Long… và khu vực vùng ven sau.

Bên cạnh đó, công ty bố trí lực lượng tập trung thu dọn rác cây cành trên vỉa hè, khu vực công cộng nhằm thông tuyến, đảm bảo an toàn giao thông. Khẩn trương khắc phục hệ thống điện chiếu sáng, tín hiệu giao thông để đảm bảo an toàn khi ngành điện hoàn thành khắc phục hư hỏng.

Bài, ảnh: THƯƠNG HOÀI

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tài chính cá nhân vững vàng - Bước đi đầu cho một Việt Nam già hóa chủ động
Tài chính cá nhân vững vàng - Bước đi đầu cho một Việt Nam già hóa chủ động

Trước bối cảnh già hóa dân số không ngừng tăng nhanh tại Việt Nam, ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn nghỉ hưu sớm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, đặc biệt là khía cạnh tài chính và đảm bảo an ninh thu nhập để có được tuổi già độc lập như mong đợi.

Bơm tiêu đón nước phòng ngập lúa đông xuân
Bơm tiêu đón nước phòng ngập lúa đông xuân

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã triển khai bơm tiêu đón nước và mở các cống lớn để giảm mực nước trên các sông bảo vệ lúa đông xuân.

Phập phồng nuôi tôm chân trắng
Phập phồng nuôi tôm chân trắng

“Theo đuôi con tôm” mười mấy năm nay với nhiều cơ hội, thách thức, cuối cùng người dân vẫn trắng tay vì dịch bệnh, thua lỗ.