Thứ Tư, 05/02/2020 22:27

Đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết

Chiều 5/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu dẫn đầu cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan có buổi khảo sát liên quan đến tình trạng sụt lún tại khu vực xung quanh mỏ đá vôi Phong Xuân và đề xuất điều chỉnh, khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn huyện Phong Điền.

Người dân lại vào khu vực mỏ đá Phong Xuân ngăn chặn sản xuấtĐiều tra vụ xô xát tại khu vực Nhà máy xi măng Đồng Lâm

Người dân Phong Xuân phản ánh tình trạng sụt lún

Thống nhất di dời 14 hộ dân

Nhà máy xi măng Đồng Lâm đi vào hoạt động sản xuất đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tuy nhiên, một số hoạt động sản xuất của nhà máy như, việc nổ mìn, hoạt động băng tải chuyền gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Tại buổi khảo khát thực địa, nhiều hệ lụy của việc nổ mìn đã và đang ảnh hưởng đến nhà dân, điển hình như một số hộ dân bị nứt, bụi từ tuyến băng tải của nhà máy và sụt lún cục bộ; mất nước nhiều diện tích lúa… Chị Trương Thị Ngân (thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân) lo lắng: “Việc sụt lún gây hoang mang cho tôi cùng gia đình. Tôi và nhiều hộ dân nữa có nguyện vọng di dời để đảm bảo an toàn”.

Lãnh đạo xã Phong Xuân thông tin, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân thì hầu hết các hộ dân mong muốn di dời, giải phóng mặt bằng toàn bộ các hộ dân bị ảnh hưởng có nguy cơ cao và rất cao quanh khu vực mỏ trong cùng 1 thời điểm (105 hộ).

Trước thực trạng trên, ngày 24/8/2021, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) đã có báo cáo về kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh về vấn đề này. Sau đó, UBND tỉnh giao UBND huyện Phong Điền phối hợp với Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm (Công ty) lập phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ cao và rất cao về sụt đất theo khuyến nghị của đề tài.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Phong Điền cũng tổ chức nhiều cuộc làm việc với Công ty, và thống nhất, tổ chức khảo sát để xây dựng phương án, lập báo cáo đề xuất UBND tỉnh về chủ trương Đề án di dời và tái định cư cho các hộ dân khu vực băng chuyền và phạm vi 300m khu vực mỏ đá vôi, thu hồi 3,16ha đất nông nghiệp bị sụt lún, không sản xuất được. “UBND huyện đề xuất trước mắt chỉ di dời các hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao và rất cao hiện đã sụt lún nhà và quanh vườn. Theo đó, số đối tượng bị ảnh hưởng khoảng 14 hộ/17 thửa đất ở bị ảnh hưởng. Số nhà phải thực hiện di dời khoảng 15 nhà; tổng chi phí là 24,972 tỉ đồng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - Hồ Đôn nói, đồng thời thông tin đã xác định vị trí tái định cư cho các hộ dân.

Mặc dù vậy, phía Công ty đề nghị chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án trên. Công ty kiến nghị UBND tỉnh xem xét cho Công ty phối hợp với Sở KH&CN, UBND huyện Phong Điền và UBND xã Phong Xuân các cơ quan liên quan thực hiện khoan khảo sát các khu vực có nguy cơ cao và rất cao  để xác định rõ nguyên nhân sau đó mới có kết luận cụ thể và tính toán phương án di dời. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty vẫn khẳng định, nếu UBND tỉnh vẫn quyết định di dời 14 hộ dân, phía đơn vị này sẽ phối hợp thực hiện.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, trước mắt cần tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ trong vùng có nguy cơ cao và rất cao, đặc biệt là 14 hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lương Bảy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng cần đảm bảo an toàn cho người dân.

Qua khảo sát thực tế và làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đề nghị, huyện Phong Điền và Công ty cần chấp hành nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh. Bà Sửu cho rằng, tái định cư cho người dân vùng không an toàn là vấn đề cấp bách. Yêu cầu phía Công ty lưu ý đến vấn đề kinh phí cho việc di dời, thực hiện ngay trong năm nay, trước mắt là cho 14 hộ dân.

Bà Nguyễn Thị Sửu xem bản đồ quy hoạch khoáng sản tại huyện Phong Điền

Đề xuất điều chỉnh khu vực quy hoạch khoáng sản

Trên địa bàn huyện Phong Điền hiện có 4.785 ha tại 6 khu vực quy hoạch, thăm dò khai thác và dự trữ khoáng sản cát trắng cho công nghiệp xây dựng. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 5 giấy phép khai thác với diện tích 749,39 ha và 5 giấy phép thăm dò cát trắng với diện tích 513,4 ha, còn lại chưa có giấy phép khai thác và giấy phép thăm dò là 3.522,21 ha.

Tại buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Hồ Đôn - Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị, đối với khu vực xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương (3.800 ha), Đoàn ĐBQH cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh, khoanh định khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện theo hướng giữ nguyên ranh giới, diện tích 5 giấy phép khai thác với diện tích 749,39 ha và 5 giấy phép thăm dò cát trắng với diện tích 513,4 ha; đưa ra khỏi quy hoạch khoáng sản quốc gia diện tích 1.177 ha.

Đối với khu vực tại xã Phong Hiền (896ha), UBND huyện Phong Điền đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh ranh giới, diện tích quy hoạch thăm dò khoáng sản cát trắng tại xã Phong Hiền theo hướng đưa ra khỏi quy hoạch thăm dò với diện tích 489,64 ha.

Tổng diện tích đề xuất điều chỉnh, khoanh định khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản cát trắng là 1.666,64 ha.

Theo đề xuất của UBND huyện Phong Điền, bà Nguyễn Thị Sửu cho rằng, việc đưa ra quy hoạch những khu vực có trữ lượng khoáng sản nằm trên khu dân cư là hợp lý, đồng thời, yêu cầu huyện rà soát lại những khu vực quy hoạch khai thác khoáng sản, đánh giá tính khả thi để kiến nghị được chấp nhận.

Bài, ảnh: Lê Thọ

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạn chế rạn nứt lớp cấp phối vữa tô tường
Hạn chế rạn nứt lớp cấp phối vữa tô tường

Lớp cấp phối vữa tô tường là quá trình “dung hòa” hợp lý tỷ lệ cát, xi măng, nước, phụ gia (nếu có), tạo nên ngoại quan ngôi nhà. Để có một lớp vữa chất lượng, người thợ xây phải nắm được những kiến thức cơ bản trong quá trình xây tô.