Thứ Bảy, 09/11/2019 15:04

Đảm bảo tăng trưởng tín dụng khu vực thành phố

Sau gần 1 năm điều chỉnh địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường, hoạt động tín dụng chính sách khu vực thành phố có những bước tăng trưởng dù nhiều chương trình tín dụng không còn áp dụng khi các xã, phường được sáp nhập vào thành phố.

Phục hồi kinh tế nhìn từ tăng trưởng tín dụngPhê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạoĐẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư PPP

Sẽ có thêm nhiều hộ được vay vốn từ nguồn vốn bổ sung từ Nghị quyết 11

Chất lượng tín dụng tăng

Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 21 hàng tháng, Ban quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và người dân xã Hải Dương lại tập trung về điểm giao dịch xã Hải Dương thực hiện các thủ tục vay vốn, trả lãi, nợ gốc, gửi tiết kiệm…

Bà Lê Thị Xuân Lan, thôn Vĩnh Trị, Tổ trưởng tổ TK&VV chia sẻ, sau khi sáp nhập vào thành phố các hoạt động tín dụng trên địa bàn vẫn đảm bảo. Trước đây, các hội viên tập trung vay chủ yếu là chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường... Gần 1 năm trở lại đây, các chương trình tín dụng khác bắt đầu được người dân quan tâm hơn. Cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn cũng theo sát hướng dẫn, giới thiệu cho các tổ, hội viên nhiều chương trình như cho vay hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm... Nhờ đó, dư nợ của tổ có tăng trưởng đáng kể.

Không chỉ dư nợ tăng, hiệu quả của hoạt động ủy thác cũng có những bước chuyển. Trước đây tại Hải Dương, hội phụ nữ là đơn vị nhận ủy thác nhiều nhất, các hội đoàn thể khác khá ít. Thế nhưng trong 1 năm trở lại đây, dư nợ của các hội đoàn thể khác như nông dân, hội cựu chiến binh, thanh niên bắt đầu tăng trưởng. Nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các hội đoàn thể và các tổ TK&VV, chất lượng tín dụng tại địa bàn này từng bước được cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Khoa Thanh Tùng, cán bộ tín dụng phụ trách khu vực Hải Dương thông tin, do địa bàn mới lại khá xa trung tâm nên trong thời gian đầu chúng tôi phải vừa làm vừa tiếp cận lại các tổ, hội nhận ủy thác. Nhờ sự hỗ trợ của các tổ, hội nên hoạt động quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn rất nhanh đã đi vào nề nếp. Hiện các hoạt động ủy thác cho vay, kiểm soát chất lượng tín dụng… đều được các hội, tổ theo sát.

Đảm bảo tăng trưởng tín dụng

Không riêng gì Hải Dương mà ở các xã, phường đã sáp nhập vào thành phố cũng có những tăng trưởng từ đây, thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn khu vực thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, sau khi sáp nhập, trên địa bàn TP. Huế có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã. Việc tăng số xã, phường đồng nghĩa với quy mô tín dụng thuộc bộ phận tín dụng hội sở tỉnh quản lý tăng lên, địa bàn rộng hơn. Cụ thể, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng (Hội sở tỉnh) tiếp nhận quản lý thêm 13 xã, phường và các điểm giao dịch các địa phương này do NHCSXH tỉnh thực hiện, thay vì các phòng giao dịch cấp huyện, thị xã như trước đây.

Sau khi sáp nhập vào thành phố, nhiều chương trình tín dụng chính sách trước đây đã triển khai sẽ ngưng giải ngân như chương trình cho vay vùng đặc biệt khó khăn, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường… điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quy mô tín dụng tại các địa bàn.

Theo bà Yến, phòng đang tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ủy thác và nguồn vốn từ ngân sách thành phố giúp hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tập trung ưu tiên cho vay các mô hình kinh tế trọng điểm, hỗ trợ tạo việc làm, phát triển các các ngành nghề… nhằm tạo việc làm cho người lao động và xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thu hút nhiều lao động.

Để đảm bảo tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng, phòng tập trung  nâng cao chất lượng trong công tác giao dịch xã, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, giám sát hoạt động của các tổ TK&VV, việc sử dụng vốn vay của hộ vay nhằm đảm bảo duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng trên địa bàn.

Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng sau khi sáp nhập vẫn đảm bảo. Cụ thể, trước khi nhận bàn giao dư nợ của thành phố là 321 tỷ đồng; tuy nhiên sau khi nhận bàn giao thêm các xã, phường dư nợ của thành phố đã tăng lên 610 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4, tổng dư nợ thực hiện 656 tỷ đồng, tăng trưởng so với đầu năm là 25 tỷ đồng, tương đương tăng 4,1% và tăng so với thời điểm nhận bàn giao là 46 tỷ đồng với 24.540 hộ còn dư nợ.

Ngoài các chương trình đang triển khai, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH tỉnh đang tập trung triển khai cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình đồng hành hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Việc bổ sung nguồn vốn kịp thời cho các chương trình như cho vay nhà ở xã hội, giải quyết việc làm… sẽ là động lực không nhỏ giúp các hộ chính sách vững tin trong phục hồi và phát triển kinh tế, bà Yến thông tin.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phần thưởng quý giá
Phần thưởng quý giá

Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển năm 2022 và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tặng bằng khen trong thực hiện chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. Đó là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Thiếu tá Nguyễn Thanh Thái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân.