Thứ Ba, 30/01/2018 06:15

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) là vấn đề cấp thiết hiện nay, nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân giai đoạn 2016-2020 và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chế tài mạnh nếu giải ngân vốn đầu tư công chậmLập Đoàn kiểm tra, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Thi công đường ống nước tại Nam Đông

Tỷ lệ giải ngân thấp

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC đạt 39,5% kế hoạch; trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đạt 56% kế hoạch; ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình đạt 32,7% kế hoạch; vốn từ nguồn thu di tích để lại cho đầu tư đạt 40%.

Nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào các dự án (DA) chuyển tiếp. Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước do Trung ương quản lý tiếp tục đầu tư vào những DA trọng điểm quốc gia như: Trung tâm Sản phụ khoa Bệnh viện TW Huế; Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới...

Điểm sáng trong thực hiện ĐTC phải kể đến DA di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1). Hiện, DA đã cơ bản hoàn thành chi trả đền bù và giao đất cho 500 hộ; công tác kiểm kê, công khai giá đền bù cho hơn 2.400 hộ còn lại cũng cơ bản hoàn tất. Tỉnh đang tiến hành đề nghị Bộ Quốc phòng thống nhất di dời trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bệnh viện 268 ra khỏi đất di tích; khởi công xây nhà ở theo mẫu cho 25 hộ nghèo thuộc diện di dời với chính sách hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay” với kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng/nhà.

 Thi công khu tái định cư phục vụ cao tốc Cam Lộ La Sơn tại Phong Điền

Riêng các DA ĐTC có vay vốn ODA tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 12,7%; trong đó, thanh toán theo cơ chế trong nước đạt 46%; thanh toán theo cơ chế nước ngoài đạt 8%. Theo lý giải của lãnh đạo Kho bạc Nhà nước tỉnh, các DA vay vốn ODA giải ngân chậm ngoài lý do quy trình thanh toán vốn nước ngoài phải qua nhiều cơ quan kiểm soát làm mất nhiều thời gian thì mỗi DA sẽ phải theo một quy định riêng, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án…

Một số DA mới triển khai nên giai đoạn đầu đang kiện toàn bộ máy quản lý và tiến hành các công tác lập, phê duyệt thiết kế dự toán, kế hoạch đấu thầu nên chưa có khối lượng thanh toán như: DA hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển. Riêng DA “Tiểu dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai Thừa Thiên Huế” sau khi nhận được sự góp ý của BQL DA Trung ương, BQL DA tại tỉnh đã và đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế dự toán và kế hoạch hoạt động gửi các sở chuyên ngành thẩm định và trình phê duyệt.

Vào cuộc

Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020. Vì thế, vốn chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/01/2021, không được chuyển nguồn sang năm 2021.

Theo đó, các DA và gói thầu chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, đến ngày 30/6/2020 phải giải ngân trên 50% kế hoạch vốn năm 2020, đến ngày 30/9/2020 phải giải ngân trên 80% kế hoạch vốn năm 2020, đến 31/10/2020 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020.

Đối với các DA và gói thầu khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, đến ngày 30/6/2020 phải có số liệu giải ngân cho công tác xây lắp, đến ngày 30/9/2020 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2020, đến 30/11/2020 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020.

Các DA sử dụng vốn ngân sách Trung ương được bố trí kế hoạch vốn năm 2020, đến ngày 30/9/2020 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2020. Trường hợp không đảm bảo giải ngân quy định trên, Trung ương sẽ quyết định cắt giảm điều chuyển vốn về cơ quan, địa phương khác. Vì thế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch ĐTC năm 2020 là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị.

Trong đó, chủ đầu tư phải linh động, sáng tạo trong cách làm nhằm đảm bảo thực hiện dự án nhanh, hiệu quả. Câu chuyện linh động đề xuất sử dụng nguồn cổ tức từ phần vốn Nhà nước và chi phí nhận nợ, thuê tài sản của Nhà nước lũy kế 3 năm đạt gần 200 tỷ đồng để tái đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước cho 2 huyện Nam Đông và A Lưới của Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế là ví dụ.

Ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế thông tin: “Công ty đang chuẩn bị triển khai 2 DA cấp nước cho khu vực Nam Đông từ nguồn vốn ĐTC là DA Nhà máy nước Thượng Long và DA hệ thống cấp nước cho 5 xã vùng dưới của Nam Đông. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, ngoài linh động đề xuất giải pháp hợp lý, công ty cũng gấp rút triển khai các thủ tục, thiết kế, đội ngũ nhân lực cũng sẵn sàng thi công khi thực hiện xong các thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các chủ đầu tư phải phân công trách nhiệm cán bộ theo dõi cụ thể, các công trình đã triển khai thực hiện phải cam kết đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch thi công. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu không thực hiện giải ngân đảm bảo yêu cầu. Các BQL DA, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ công tác báo cáo, giám sát đánh giá đầu tư theo quy định; thực hiện chế tài xử lý nghiêm khắc nhà thầu cố tình vi phạm hợp đồng làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân; kịp thời báo cáo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ.

Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các huyện, thị xã và TP. Huế cũng phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, DA trọng điểm. UBND cấp huyện tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thực hiện việc điều chuyển nguồn vốn ĐTC cho công trình, DA khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Sự vào cuộc của các sở ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn cho từng DA, linh động trong cách làm của các chủ đầu tư… sẽ là sức mạnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

Ngay trong những ngày cuối năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện đầu tư công năm 2023. Đây là quyết tâm lớn của Thừa Thiên Huế trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm.

Bổ sung đầy đủ nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ công trình
Bổ sung đầy đủ nhân lực, vật tư đẩy nhanh tiến độ công trình

Dự án Chương trình phát triển đô thị loại II (đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế là dự án (DA) có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, nhiều gói thầu hiện nay đang ì ạch thi công do thiếu mặt bằng, nhân lực dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ công trình.