Chủ Nhật, 22/05/2016 13:36

Doanh nghiệp Nhà nước cần được giải thoát khỏi các gánh nặng

Thúc đẩy cổ phần hóa DNNN và chống thất thoát vốn nhà nước tại DN là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không chỉ vì sức khỏe của DNNN mà của cả nền kinh tế.

Bộ Tài chính điểm mặt gần 700 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yếtCần tăng thanh tra và xử lý vi phạm để tránh thất thoát vốn nhà nước

Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hôm qua (21/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quan điểm của Đảng, Nhà nước là tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong cổ phần hóa, thóa vốn DNNN. Hội nghị do đích thân Thủ tướng chủ trì, một lần nữa cho thấy, việc thúc đẩy cổ phần hóa DNNN và chống thất thoát vốn nhà nước tại DN là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng không chỉ vì sức khỏe của DNNN mà của cả nền kinh tế.

Càng chậm cổ phần hóa DNNN, càng lãng phí nguồn lực

Bởi vì, như Thủ tướng khẳng định, “DNNN hết sức cần thiết cho sự phát triển đất nước, các nước trên thế giới đều có DNNN để điều tiết, quản lý nền kinh tế”. Ở nước ta, DNNN đang nắm giữ nguồn lực rất lớn. Hiện khối doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ tài sản khoảng 3 triệu tỷ đồng (140 tỷ USD), với số vốn khoảng 1,5 triệu tỷ đồng (70 tỷ USD).

Càng chậm cổ phần hóa DNNN, càng lãng phí nguồn lực (ảnh minh họa: KT)

Số liệu năm 2017 trong hệ thống DN chính thức có đăng ký ở Việt Nam cho thấy, DNNN chỉ chiếm 0,5% về số lượng DN, 9% về số lao động nhưng chiếm tới 29% tổng tài sản và chỉ tạo ra được 16% doanh thu thuần. Không chỉ thâm dụng vốn, DNNN còn thâm dụng đất đai và tập trung vốn con người nhưng giá trị gia tăng chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ.

Có vai trò quan trọng và nắm nguồn lực lớn, nhưng thực tế năng lực của nhiều DNNN ở nước ta chưa như kỳ vọng, thậm chí bộc lộ ngày càng nhiều hạn chế, yếu kém về sản xuất, kinh doanh và quản trị khiến không chỉ Chính phủ sốt ruột mà còn gây bức xúc trong dư luận và suy giảm niềm tin của nhân dân vào vai trò của DNNN đối với nền kinh tế. Việc chẩn ra bệnh của DNNN là quan trọng, nhưng trị bệnh kịp thời và dứt điểm còn quan trọng hơn nhiều.

Về “bệnh” của DNNN, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hàng loạt “bệnh nan y” như: trông đợi ưu đãi và dựa cơ chế xin - cho, không bình đẳng; làm “sân sau” của bộ chủ quản; lười sáng tạo, ngại đổi mới; thiếu minh bạch, mập mờ thông tin… Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ bệnh của DNNN là còn chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp trên; còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông về đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới; lợi ích nhóm, tham nhũng trong cổ phần hóa, thoái vốn.

Có lẽ vì thế mà dù đã có “lệnh” phải đổi mới, tái cấu trúc, cổ phần hóa nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chây ì thực hiện, có những DNNN cổ phần hóa xong thì lại chậm trễ niêm yết lên sàn chứng khoán. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo kế hoạch năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến ngày 18/11 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp. Tiến độ triển khai cổ phần hóa 11 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.

Cũng theo công bố của Bộ Tài chính, hiện còn tới 667 doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó 295 DN thuộc các bộ, ngành và 372 DN tại các địa phương. Con số này không giảm nhiều so với số lượng 747 doanh nghiệp chưa lên sàn được công khai năm 2017.

Những con số này nói lên một thực tế đáng lo ngại là với nguồn lực khổng lồ mà DNNN đang nắm giữ, mỗi ngày chậm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, mỗi ngày trì trệ trong sản xuất kinh doanh của DNNN đều là sự lãng phí ghê gớm nguồn lực. Sự lãng phí đó không chỉ ở dòng vốn, tài sản đất đai, máy móc và nhân lực…, mà còn là sự mất đi cơ hội tiếp cận thị trường, giành thị phần.

Vấn đề đặt ra là, tại sao DNNN chậm cổ phần? DNNN cổ phần rồi thì tại sao chậm niêm yết trên sàn chứng khoán? Tại sao cơ quan chủ quản là bộ, ngành, địa phương vẫn chậm “buông” DNNN? Ngoài những khó khăn vướng mắc về cơ chế pháp lý thì chắc chắn chỉ còn là vì lợi ích mà chần chừ, níu giữ.

Theo chia sẻ của một lãnh đạo DNNN trên báo chí rằng, việc tách DN ra khỏi bộ chủ quản sẽ được nhiều mặt lợi. Trong đó, có cái lợi là DN sẽ bớt khổ hơn khi không phải “tháp tùng” 100% chuyến đi của lãnh đạo bộ như trước. Hay có chuyên gia đánh giá, việc tách vai trò xây dựng chính sách khỏi các bộ, ngành sẽ giúp DN không phải chịu cảnh gồng gánh “con ông-cháu cha” trong bộ máy tổ chức… Như thế rõ là, DNNN yếu kém không hoàn toàn chỉ do lỗi của bộ máy DNNN. Hẳn là nhiều DNNN cũng muốn có cơ hội thoát thân khỏi những ràng buộc, kìm hãm.

Cơ hội để giải thoát…

Cái DNNN cần chắc hẳn là cơ hội giải thoát nơi cũ và cần một nơi mới đủ tin tưởng để làm "tổ phượng hoàng”. Việc ra đời Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Ủy ban) có tạo ra được “tổ phượng hoàng” không? Thẳng thắn mà nói, mọi kỳ vọng đều cần chờ thời gian trả lời bằng các thành quả hiện thực. Nhưng chí ít, bước đầu sự chuyển dịch ấy cũng đang trong trạng thái của những niềm tin ban đầu vào sự giải thoát nhất định. Nói như Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh (khi bàn giao 5 tập đoàn và một tổng công ty từ Bộ Công thương về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) rằng, việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cần thiết để kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Tất nhiên, không có Siêu Ủy ban hay một tổ chức nào có thể ngay lập tức mang lại sự minh bạch và hiệu quả cho DNNN. Để DNNN khai thác hiệu quả nguồn lực mà bứt phá phát triển thì cần một cơ chế và bộ máy xứng tầm để chèo lái hoạt động của DNNN và đồng thời cần có cơ chế giám sát đủ thông minh để dẫn dắt DNNN đi đúng hướng. Trong đó, quan trọng nhất là cơ chế giám sát và quản trị nhân sự DNNN, bởi vì trong mọi mối quan hệ sản xuất, con người đều là chủ thể, thành hay bại do chủ thể ấy mà ra.

Cho nên, để trị dứt điểm những căn bệnh của DNNN nêu trên, việc thúc đẩy cổ phần hóa DNNN và nhanh chóng đưa doanh nghiệp cổ phần hóa đó lên sàn chứng khoán là nhiệm vụ không thể chần chừ. Bởi vì, việc cổ phần hóa mạnh và tách vai trò chủ sở hữu của bộ ngành sẽ giúp cho các DN tư nhân được hưởng lợi khi được cạnh tranh một cách công bằng hơn với DNNN. Cổ phần hóa cũng sẽ giúp chặt đứt sợ dây liên kết để DNNN không còn là "sân sau", nhóm lợi ích của ai đó hoặc tổ chức nào đó trục lợi.

Cùng với đó, bản thân DNNN sau cổ phần hóa sẽ phải nỗ lực đổi mới, tự vượt lên chính mình để bắt nhịp với thị trường, cạnh tranh sòng phẳng và dựa trên hiệu quả thực tế để phát triển hoặc ngược lại sẽ là… “chết”. Và như Thủ tướng chỉ đạo, “cổ phần hóa phải gắn với niêm yết trên sàn chứng khoán vì quá trình cổ phần hóa dễ gây thất thoát tài sản Nhà nước, dễ tham nhũng. Chống “đi đêm” trong cổ phần hóa”.

Rõ ràng, đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN, đưa DNNN sau cổ phần hóa lên sàn chứng khoán là giải pháp trung tâm để trị bệnh cho DNNN, đồng thời giúp DNNN trút bỏ các gánh nặng ràng buộc phi thị trường để có thể cạnh tranh thực sự mà phát triển.

Theo VOV

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm

Ông Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Từ đầu năm đến nay, việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa (CPH) diễn ra chậm.

Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp
Phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp

Căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...

Doanh nghiệp nhà nước phải là đầu tàu của nền kinh tế
Doanh nghiệp nhà nước phải là đầu tàu của nền kinh tế

Đại biểu Nguyễn Chí Tài, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế khẳng định như vậy trong bài phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 28/5 về giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.