Thứ Năm, 14/06/2018 13:07

Dồn sức khôi phục, phát triển sản xuất

Sau những trận bão, lũ liên tiếp, chính quyền và người dân Phú Vang nỗ lực khôi phục sản xuất, trồng trọt, chuẩn bị cho vụ tết.

Ngay sau bão, lũ, ngư dân Phú Vang ra khơi đánh bắt, khai thác biển hiệu quả

Trồng rau màu, hoa phục vụ tết

Chiều đã muộn, nhưng nông dân Hồ Thị Hương (xã Phú Mậu) vẫn cặm cụi trên vườn hoa trồng tập trung của xã, tỉ mẩn dùng dây thun mềm cố định từng thân cây hoa cúc vào thanh tre nhỏ, giữ cho hoa phát triển thẳng và chắc chắn. Những trận bão, lũ khiến gia đình bà không những thất thu về rau màu, hoa mà nhà cũng bị tốc mái, hư hỏng nên gia đình bà phải nỗ lực gấp nhiều lần để ổn định cuộc sống, khôi phục, phát triển sản xuất. Ngay sau khi “dứt” bão, lũ, vợ chồng bà Hương lập tức trồng hoa cúc trên một nửa diện tích đất để kịp bán trong tháng 11 (âm lịch). Một nửa diện tích còn lại, gia đình bà Hương trồng hoa cúc cho vụ tết.

Ông Nguyễn Văn Trai, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết: Những trận bão, lũ liên tiếp vừa qua, xã Phú Mậu,- “vựa” rau màu và “vựa” hoa lớn nhất của huyện Phú Vang thiệt hại nặng nề. Hầu như toàn bộ 30 ha rau màu và 10 ha hoa “tan nát”. Với tinh thần nỗ lực để khôi phục và phát triển sản xuất, bây giờ, rau màu đã phủ xanh diện tích 25 ha. Nhiều hộ đã thu hoạch được 2 lứa rau màu. Các loại hoa tươi, hoa giấy phục vụ tết cũng được mọi nhà “tăng tốc”.

“Thời điểm hiện tại, người dân đang tập trung vào các công đoạn chuẩn bị như nhuộm giấy, vót tre... để cuối tháng 11, đầu tháng 12 (âm lịch) kết hoa, kịp đưa sản phẩm ra thị trường. Là nguồn thu nhập trong dịp tết, năm nay bà con đặc biệt “chăm chút” hơn, để bù lại những thiệt hại do thiên tai trong thời gian qua”, ông Nguyễn Văn Trai nói.

Nông dân các xã Phú Dương, Phú Thanh, Phú Thượng, Vinh Xuân và các địa phương trồng rau màu và hoa trên địa bàn huyện cũng tăng tốc cho kịp vụ tết. Đồng thời, khắc phục, sửa chữa các hệ thống kênh mương bị hư hỏng, chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân là sự chung tay, nỗ lực của chính quyền và người dân.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương thông tin, nhiều kênh tưới, trạm bơm trên địa bàn bị hư hỏng, bồi lấp. Dự trù kinh phí sửa chữa gần 2 tỷ đồng. Trong lúc nguồn kinh phí của huyện hỗ trợ là 300 triệu đồng, nguồn xây dựng của hợp tác xã (do xã viên đóng góp) tầm 250 triệu đồng. Theo chủ trương của Đảng ủy, chính quyền xã vận động người dân, chung tay góp công. Các xã Phú Diên, Phú Gia, Vinh Hà... cũng đang đẩy nhanh tiến độ khắc phục sửa chữa các hệ thống kênh mương, trạm bơm để kịp đảm bảo vào vụ lúa đông xuân.

Chủ động khôi phục nuôi trồng thủy sản

Cùng với tăng tốc khôi phục rau màu, hoa và chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân, người dân Phú Vang cũng chủ động khắc phục thiệt hại để nuôi trồng thủy sản. Với 800 hộ nuôi cá lồng, 110 ha các hồ cao triều, hạ triều và 500 ha mặt nước vùng đầm Sam Chuồn, nông dân thị trấn Thuận An thiệt hại tầm 40 tỷ đồng do cá chết, lồng lưới, sáo hư hỏng. Hộ ông Nguyễn Đoàn hơn 20 lồng cá, cá giống, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Nhiều hộ thiệt hại 7- 8 trăm triệu đồng. Còn lại bình quân, mỗi hộ nuôi trồng thiệt hại vài ba chục triệu đến 100 triệu đồng. Người dân xã Phú An nuôi trồng trên đầm Sam Chuồn cũng thiệt hại nặng do hư hỏng lưới, sáo.

Hiện, các hộ nuôi trồng trên đầm phá đã “bắt tay” chuẩn bị khôi phục sản xuất, nuôi trồng bắt đầu bằng việc mua tre, mua lưới để giăng mùng, chắn sáo. “Chuẩn bị gần 1 tháng nay rồi, chúng tôi ra tận Quảng Trị để mua tre. Bình quân mỗi hộ nuôi đầu tư cho tre tầm 3- 4 chục triệu đồng, chưa kể các vật liệu khác và tôm, cua, cá giống. Không có tiền dự trữ thì vay mượn để chuẩn bị, kịp đến tháng 12 (âm lịch) nước bắt đầu lợ, chúng tôi sẽ thả tôm, cua, cá”, nông dân Trần Văn Bảy (thị trấn Thuận An) chia sẻ.

Theo thông tin từ lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn có nghề nuôi trồng thủy sản, đối với các hộ nuôi trồng trong các hồ cao triều, hạ triều, hiện người dân đang chuẩn bị cho việc cải tạo, xử lý thật tốt môi trường hồ, đảm bảo cho vụ nuôi tiếp theo hiệu quả. Bên cạnh đó, ngay sau khi được cho phép, ngư dân Phú Vang cũng đã tăng tốc ra khơi đánh bắt, khai thác biển.

Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, sau bão, lũ, ngư dân đã ra khơi đánh bắt mấy chuyến, mỗi chuyến từ 7- 10 ngày, đạt năng suất cao. Chính quyền các cấp huyện Phú Vang tiếp tục hướng dẫn bà con ngư dân thường xuyên cải tiến ngư cụ, mạnh dạn đầu tư thêm nghề mới, nhân rộng mô hình đánh bắt có hiệu quả như nghề đánh bắt cá lạc, rê cá chim, rê hỗn hợp, rê chuồn, rê mực khơi, bẩy ghẹ ốc hương... Ưu tiên phát triển các nghề khai thác sản phẩm có giá trị xuất khẩu như rê bùng nhùng, rê mực nang, câu mực, chụp mực, rê tôm, giã tôm, rê cá chim, rê mực khơi,... để tăng hiệu quả khai thác.

Sau bão lũ, Phú Vang bị thiệt hại 180 ha rau màu, 30 ha hoa, hơn 27 nghìn chậu hoa. Toàn bộ diện tích hồ nuôi trồng thủy sản cao triều, hạ triều bị ngập hoàn toàn với diện tích 1.465 ha và 134,4 ha tôm cá bị chết ngột...

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.

Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới
Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới

Hàng ngàn máy cày, máy thu hoạch lúa gặt đập liên hợp hiện đại được các hợp tác xã, người dân mua sắm, ứng dụng vào sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng trước yêu cầu trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay.

Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo
Nhân rộng và phát triển các mô hình sinh kế giảm nghèo

Kết quả đạt được trong thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững của tỉnh trong thời gian qua phải kể đến những mô hình phát triển sinh kế đưa về các địa phương, hộ dân một cách kịp thời và thiết thực.