Thứ Tư, 02/10/2019 14:29

Dùng sức dân bảo vệ rừng ươi

Mùa “quả ươi bay” sắp đến. Các đơn vị lâm nghiệp đang triển khai các biện pháp phòng ngừa nạn chặt phá cây ươi lấy quả trái phép.

Ra quân bảo vệ rừng ươi

Một nhóm người dân vào rừng khai thác ươi năm 2021

Cây ươi phân bố khắp khu vực miền Trung nói chung và nhiều cánh rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh nói riêng. Mỗi mùa ươi chín có hàng ngàn người dân vào rừng hái lượm quả, nhưng cũng có người mang theo cả dụng cụ chặt hạ trái phép cây ươi để lấy quả. Trong khi mỗi chủ rừng chỉ từ 15-20 người tham gia quản lý, bảo vệ nên khó có thể kiểm soát lượng người vào rừng thu hái quả ươi. Hậu quả là sau mỗi mùa ươi chín có nhiều cây ươi bị chặt hạ, ảnh hưởng đến chất lượng rừng và nguồn sinh kế của người dân vùng đệm.

Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa (Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa), ông Tôn Thất Nghị chia sẻ, với hơn 30 nhân viên quản lý, bảo vệ rừng (BVR) của đơn vị là quá mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ ngăn chặn hàng ngàn người dân vào rừng khai thác quả ươi, không để xảy ra tình trạng chặt hạ cây trái phép. Vấn đề đặt ra, làm thế nào quả ươi trở thành hàng hóa hợp pháp để người dân có thể cải thiện cuộc sống thông qua hoạt động hái lượm, nhất là trong dịch COVID-19; làm thế nào dung hòa được lợi ích cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của hai phía chủ rừng và người dân sống ven rừng từ hoạt động thu lượm quả ươi.

Trước khi mùa ươi chín vào năm ngoái, ông Nghị cũng như lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa thống nhất xây dựng phương án hoạt động khai thác quả ươi mang lại hiệu quả bằng cách “dùng sức dân bảo vệ rừng ươi”. Nguyên tắc tổ chức quản lý, bảo vệ được đặt ra là giao khoán cây ươi cho các tổ chức, hoặc đại diện nhóm hộ dân quản lý, khai thác quả gắn với bảo vệ cây bằng hợp đồng khai thác với những cam kết, ràng buộc pháp lý chặt chẽ. Mỗi cây ươi được giao quản lý, khai thác bị chặt hạ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật và bị phạt vi phạm hợp đồng.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa tổ chức kiểm đếm, thiết kế số lượng cây đưa vào giao khoán, đánh giá trữ lượng, sản lượng thu được và xây dựng định mức đơn giá khoán cho người dân khai thác. Đồng thời xây dựng phương án, cam kết bàn giao rừng cho tổ chức, nhóm hộ khai thác và nhận lại rừng sau khai thác một cách an toàn, không để xảy ra tình trạng chặt phá cây. Công ty triển khai ký kết quy chế phối hợp quản lý, BVR với các chủ rừng lân cận như Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ sông Hương, BQL rừng phòng hộ A Lưới, BQL rừng phòng hộ Hương Thủy; các trạm BVR liên BQL rừng hồ Thủy điện Bình Điền, Đồn Biên phòng Hương Nguyên... Đơn vị còn hợp đồng thêm lao động, bổ sung nhân sự từ các phòng ban nghiệp vụ, lập thêm các chốt để kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng.

Với 2.500 cây ươi được Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa giao khoán cho bốn đơn vị, nhóm hộ khai thác. Kết thúc mùa khai thác ươi năm vừa qua, các đơn vị hợp đồng khai thác 10,262 tấn quả ươi, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Riêng công ty thu về hơn 400 triệu đồng, nộp ngân sách trên 100 triệu đồng. Tuy số tiền thu về không lớn, nhưng điều đáng ghi nhận trong số 2.500 cây giao khoán và 5 cây ngoài vùng giao khoán khai thác chỉ có 3 cây bị chặt hạ. Đây là kết quả bước đầu đánh giá thành công ngoài mong đợi của Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa nói riêng và ngành lâm nghiệp tỉnh nói chung. Người dân được vào rừng thu hái quả ươi hợp pháp, tránh lãng phí hàng tỷ đồng được cho là “tài nguyên rơi vãi giữa rừng”, song công ty bảo vệ được hàng ngàn cây ươi không bị chặt hạ.

Dự kiến từ tháng 5 đến tháng 8 này, quả ươi sẽ chín và phát tán, người dân các địa phương sẽ vào rừng thu lượm quả để bán cho thương lái. Đây sẽ là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân sống gần rừng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành. Ngoài hoạt động thu lượm, khai thác hợp pháp, ngành lâm nghiệp cũng cảnh báo nguy cơ một số người lén lút dùng cưa, rìu chặt hạ cây ươi lấy quả có thể xảy ra. Vì vậy, bài học “dùng sức dân bảo vệ rừng ươi” cần được nhân rộng tại các đơn vị chủ rừng và triển khai ngay từ bây giờ.

Theo Nghị định 35/NĐ-CP ngày 25/4/2019, quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, đối với hành vi thu lượm, hái, mua bán, vận chuyển trái phép quả ươi sẽ bị tịch thu toàn bộ quả ươi và phương tiện vận chuyển trái phép; phạt tiền từ 5 triệu đến 300 triệu đồng khi vận chuyển 10kg sản phẩm trái phép trở lên. Hành vi chặt hạ cây rừng (gồm cây ươi) có khối lượng từ 0,3m3 trở lên bị phạt tiền từ 1 triệu đến 100 triệu đồng. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hình sự, phạt tù theo quy định của pháp luật.

Bài học còn mới khi đầu năm nay, Tòa án Nhân dân huyện Nam Đông tuyên phạt hai bị cáo Phạm Thính, Đoàn Dũng cùng cư trú tại thôn Hưng An, xã Xuân Lộc (Phú Lộc) mỗi người 15 tháng tù treo do hành vi chặt phá cây ươi tại Vườn Quốc gia Bạch Mã với khối lượng hơn 5m3 và 14 kg hạt ươi tươi vào giữa năm 2021. Hành vi này vi phạm quy định về khai thác lâm sản được quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bài, ảnh: Hoàng Thế

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phần thưởng quý giá
Phần thưởng quý giá

Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển năm 2022 và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tặng bằng khen trong thực hiện chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. Đó là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Thiếu tá Nguyễn Thanh Thái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân.

Bảo vệ và phát triển vùng đất ngập nước
Bảo vệ và phát triển vùng đất ngập nước

Khu vực đất ngập nước ở Thừa Thiên Huế có mức độ đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều chức năng, giá trị quan trọng trong nền kinh tế và đời sống. Bảo tồn, phát triển các vùng đất ngập nước đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành, địa phương.