Thứ Ba, 28/05/2019 13:30

Hậu phương của người lính

“Đằng sau” những bước chân vững chãi vượt qua bao gian nan và hiểm nguy, để bảo vệ biên cương và bình yên cuộc sống, là sự tiếp sức của hậu phương người lính.

Nồng thắm tình cảm hậu phương

Hạnh phúc giản dị ở “hậu phương”

Tình cảm hậu phương

Một lần được theo chân bộ đội Đồn Biên phòng Hương Nguyên, tuần tra đến một trong những mốc quốc giới giữa Việt Nam và nước bạn Lào, tôi mới hiểu thế nào là gian nan trong những chuyến tuần tra. Nhiều tiếng đồng hồ (có chuyến mấy ngày liền) luồn người giữa cây rừng rậm rịt, bấm chặt ngón chân từng bước vượt qua những vách đá, vượt suối, leo lên những con dốc gần như dựng đứng, phải cởi áo vắt bớt mồ hôi.

Sau giây phút nghiêm trang dâng nén tâm hương lên mảnh đất thiêng liêng, bữa cơm đơn sơ bên cột mốc uy nghi khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, xen lẫn chuyện nhà giản dị. Đó là câu chuyện về đứa con chào đời mà bố vẫn biền biệt nơi biên giới, là những lời thương yêu dành cho người vợ tảo tần… Bày tỏ rằng, cha, mẹ, vợ, con chính là hậu phương vững chắc, tiếp thêm nhiều sức mạnh để các anh vững chãi vượt qua gian nan, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên cương, bình yên cuộc sống.

Chị Trần Thị Hàng Ni (giáo viên Trường tiểu học Thuận Lộc, TP. Huế), vợ của Đại úy Lương Sơn Trung, Đội trưởng Đội phòng, chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Hương Nguyên, vẫn đong đầy cảm xúc, nhớ lại cách đây gần 5 năm trước,  chồng “lỗi hẹn”. Lần đó sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong chuyến công tác chống buôn lậu, từ tỉnh Quảng Ninh đi xe khách trở về, Đại úy Trung hẹn vợ sẽ có mặt ở nhà lúc tầm 1-2 giờ sáng. Thường xa nhau biền biệt, nên những lần đoàn tụ là thời gian quý giá, người vợ không ngủ thức đợi chồng. Nhưng nửa đêm, chị Ni lại nhận điện thoại của chồng báo tin sẽ muộn lại, bởi chuyến xe khách anh đi gặp tai nạn tại tỉnh Quảng Bình, lao xuống vực.

Thời gian hiếm hoi, quý giá bên con

Hành khách người văng ra khỏi xe, người kẹt trong xe, thương vong rất nhiều. Là người duy nhất không bị thương, anh Trung lập tức “lần” theo tiếng khóc, tìm được cháu nhỏ tầm 7- 8 tháng tuổi, hối hả bồng đến nhà dân, nhờ dân đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu (và cháu bé đã được cứu sống). Quay trở lại hiện trường vụ tai nạn, anh Trung tiếp tục giúp các hành khách bị thương, để họ được đưa đi cứu chữa kịp thời nhất.

Chị Trần Thị Hàng Ni yêu thương và tự hào khi trong bất cứ hoàn cảnh nào, chồng mình và đồng đội cũng thể hiện trách nhiệm cao nhất của người lính, bảo vệ, giúp đỡ, vì cuộc sống tốt đẹp của Nhân dân. “Chúng tôi sẽ là hậu phương vững chắc, để các anh yên tâm, vững lòng nơi tiền tiêu, nơi đầu sóng ngọn gió” - chị Ni chia sẻ.

Hành trình xây dựng hậu phương của người lính là sự nỗ lực của những người vợ với “nhiệm vụ kép”, vừa nuôi dạy con thật tốt, vừa vươn tới thành công, đóng góp cho xã hội. Chị Thái Thị Hồng Vân (vợ của Thiếu tá Nguyễn Văn Chi, quân dân y Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt) từ thư ký tòa án, đã vinh dự được Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Thẩm phán. Nhiều năm chị Vân được Chánh án TAND tỉnh tặng giấy khen, Chánh án TAND tối cao tặng Bằng khen. Hiện chị Vân là Phó Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh.

Khi giải quyết các vụ án dân sự, đặc biệt là các vụ án phức tạp, chị Vân dồn nhiều tâm huyết, công sức vào công tác hòa giải và đã hòa giải thành công rất nhiều. Từng bộc bạch rằng, chồng chị đang cùng đồng đội bất kể nhọc nhằn, gian nan, giúp người dân nơi biên giới xa xôi có một cuộc sống tốt đẹp, phát triển, thì trong vai trò người thẩm phán, chị Vân cùng đồng nghiệp nỗ lực hòa giải để góp phần tháo gỡ những mâu thuẫn trong cộng đồng, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.

Con gái của Thiếu tá Nguyễn Văn Chi, cháu Nguyễn Thái Hoài Phương, từng là thủ khoa trong kỳ thi vào Trường THPT Hai Bà Trưng. Trong suốt 3 năm học, học kỳ nào, năm nào Phương cũng đạt học sinh giỏi, trong đó hầu hết đứng nhất toàn lớp và nhiều lần đứng nhất toàn khối. Vinh dự trở thành đảng viên vào cuối năm học lớp 12, Phương xúc động nói rằng, trong mọi nỗ lực của cháu, có “bóng hình” người bố - bộ đội biên phòng, để xứng đáng là đồng chí của bố, mẹ.

Tiếp thêm sức mạnh

Lần đầu tiên tôi gặp chị Trần Thị Thu Thủy, hiện là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, (vợ của Thiếu tá Nguyễn Giang Thuận, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phong Hải) là lúc chị Thủy vượt hơn 100km để đến thăm chồng tại Đồn Biên phòng Hương Nguyên (lúc đó Thiếu tá Nguyễn Giang Thuận công tác tại đồn Hương Nguyên). Quãng đường xa xôi, đi qua nhiều đèo dốc, khiến người phụ nữ mảnh mai có vẻ đuối sức, nhưng nụ cười vẫn thật tươi. Chị Thủy nói rằng, chẳng có đèo dốc hay mệt mỏi nào có thể “thắng” được tình cảm sắt son của hậu phương dành cho tiền tuyến.

Kỷ niệm đẹp của người linh biên phòng khi “hậu phương” lên biên giới

Nụ cười ấy lại sáng trên gương mặt, khi chị Thủy vận động, kết nối các mạnh thường quân, để chung tay giúp đỡ, hỗ trợ các hoàn cảnh neo đơn, già cả, bệnh tật trên địa bàn xã Vinh Thanh. Cùng với cương vị công tác, động lực để chị Thủy nỗ lực gấp nhiều lần trong công tác vận động, là hình ảnh người chồng cùng đồng đội ngày đêm lặn lội sửa nhà, gặt lúa… giúp đồng bào các xã biên giới qua các mùa mưa bão. Động lực đó khiến chị Thủy vận động, kết nối thành công, giúp cho bà Lê Thị Thời 50 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Ni 40 triệu đồng, bà Phan Thị Thắm 70 triệu đồng, bà Phan Thị Triển 72 triệu đồng…, và nhiều trường hợp khó khăn khác có điều kiện làm lại hoặc sửa chữa căn nhà cho chắc chắn. Hiện, chị Thủy đang vận động, kết nối để giúp đỡ bà Lê Thị Dễ - đơn thân, bệnh tật. Đồng đội của chồng chị Thủy - những người lính Đồn Biên phòng Vinh Xuân và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cũng đang “nối vòng tay”, đứng ra kết nối các mạnh thường quân, để sửa chữa nhà cho bà Dễ, cùng xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, xây dựng niềm tin trong Nhân dân.

Nhớ lại lần vượt qua con đèo hun hút từ đường Hồ Chí Minh (A Lưới) ngược lên Trạm Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân), chỉ mới ngả sang chiều, nhưng mây mù đã giăng kín lối, điện thoại mất sóng liên tục, cảm giác xa xôi cách trở đến nghìn trùng. Vậy nhưng Thượng úy Lê Hữu Bường, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, người cùng các đồng đội đang làm nhiệm vụ nơi đây, để chung tay chống dịch COVID-19, hơn nửa năm nay chưa được về nhà, thì lại nói rằng, trong tình cảm các anh vẫn thật gần. Bởi gia đình, người thân, hậu phương vững chắc, đã tiếp thêm sức mạnh để các anh “chân cứng đá mềm”, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo Trung tá Lê Hồng Tuyên, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: Bên cạnh gia đình, người thân, Nhân dân là hậu phương vững chắc, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng còn được sự sẻ chia của đồng đội, để càng nâng cao sức mạnh yêu thương, đoàn kết, chiến thắng mọi gian nan. Đã có gần 10 “Nhà đồng đội” và hơn 60 “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”, tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng Mái ấm cho người nghèo biên giới
Xây dựng "Mái ấm cho người nghèo biên giới"

Ngày 23/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) A Đớt và Đồn Biên phòng Hương Nguyên phối hợp UBND các xã Đông Sơn, Lâm Đớt, A Roàng và xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) tổ chức khởi công xây dựng “Nhà cho người nghèo nơi biên giới” trên địa bàn. Tham dự lễ khởi công có Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.

Chìm tàu, một thuyền viên mất tích
Chìm tàu, một thuyền viên mất tích

Sáng 22/2, ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP. Huế) cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển.