Thứ Bảy, 21/12/2019 07:00

Hỗ trợ lãi suất: Ngân hàng và doanh nghiệp phải nhìn cùng một hướng

Chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) được kỳ vọng là bàn đạp để doanh nghiệp (DN) tận dụng được nguồn vốn khôi phục kinh tế.

Đưa gói hỗ trợ lãi suất 2% vào doanh nghiệpHỗ trợ lãi suất 2%: Cần nới "room" tín dụng có chọn lọc

Các ngân hàng triển khai hỗ trợ lãi suất

Cần có đầu mối hỗ trợ tư vấn cho DN

Vốn tín dụng được xem là dòng vốn chính cho các DN, người dân trong đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD). Trong điều kiện phục hồi kinh tế, điều này càng được khẳng định bởi sau thời gian gặp khó vì dịch bệnh, nguồn vốn sẵn có của DN đã không còn “rủng rỉnh”. Tuy nhiên, nhiều DN không còn mặn mà với các gói HTLS vì lo ngại khó đáp ứng các điều kiện đi kèm.

Nói như ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Thanh Tâm (Thanh Tâm Resort), DN hiện đang rất khó khăn khi chưa kịp phục hồi sau sự cố Formosa đã đến dịch COVID-19. Các món vay chưa kịp trả đã phải gánh thêm một khoản nợ cộng dồn, lâm vào nợ xấu.

Từ góc độ sẻ chia hơn, ông Trần Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Hồng Đức cho rằng, ngân hàng cũng là DN và thời gian qua, ngân hàng cũng đã có rất nhiều hoạt động đồng hành với DN. Tuy nhiên, khi bàn đến chính sách HTLS 2% sẽ được ngân hàng triển khai, ông Đức kiến nghị, để chính sách này không đi vào lối mòn như các chính sách trước, ngân hàng nên rà soát các khách hàng sẽ được nhận gói HTLS này để có thể tư vấn, hỗ trợ cho DN; thủ tục cũng cần được đơn giản hóa để DN có thể tiếp cận chính sách một cách dễ dàng.

Nhiều DN khác cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, khi triển khai chính sách này cần làm rõ DN nào sẽ được tiếp cận để các DN nằm ngoài đối tượng không mất thời gian tiếp cận. Các cơ quan liên quan, nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các sở, ngành cần thành lập các đầu mối tiếp nhận thông tin, các phản ánh và tư vấn hỗ trợ chung của DN khi gặp khó trong tiếp cận chính sách. Việc công khai các đường dây nóng, các tổ, nhóm hỗ trợ có tính liên thông cao thật sự cần thiết trong lúc này.

Thận trọng trong triển khai

Sau khi Nghi định (NĐ) 31 về HTLS từ ngân sách Nhà nước (NSNN) đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh ra đời, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện NĐ 31. NHNN tỉnh tiến hành triển khai cho các ngân hàng thương mại (NHTM), đồng thời phối hợp tuyên truyền chính sách đến cộng đồng DN trên địa bàn. Các NHTM cũng triển khai đăng ký vốn HTLS với NHNN để tổng hợp vốn đề xuất triển khai trong năm 2022.

Thông tin từ VietinBank Nam Thừa Thiên, chi nhánh đã và đang tiến hành đánh giá, rà soát đối tượng có thể nhận được HTLS và đã đăng ký HTLS với tổng dư nợ 600 tỷ đồng trong năm 2022. Đồng thời, chi nhánh đang tiếp nhận hỗ trợ cho hơn 10 DN thuộc đối tượng theo Thông tư 03.

Là một trong những ngân hàng có thị phần khá lớn chiếm 11,5% dư nợ toàn tỉnh, sau khi NĐ 31 ra đời, Vietcombank Huế đã quán triệt cho toàn đội ngũ nhân sự về những nội dung và quy định liên quan, đồng thời cam kết đưa chương trình triển khai sớm.

Theo ông Lý Hoàng Vũ, Giám đốc Vietcombank Huế, nguồn cấp bù lãi suất là nguồn vốn lấy từ NSNN nên quá trình triển khai phải đảm bảo nguyên tắc không được làm thất thoát. Các NHTM sẽ chịu áp lực rất lớn trong khâu kiểm tra, giám sát của NHNN, thanh tra, kiểm toán… Nếu phát hiện vốn được HTLS sử dụng sai mục đích thì người vay phải trả lại số tiền đã được cấp bù lãi suất, NHTM cho vay phải có trách nhiệm thu hồi khoản hỗ trợ sai đối tượng, và ngân sách cũng không quyết toán với những trường hợp này. Vì thế, quá trình triển khai phải bám sát quy định của NHNN và phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích.

Thực tế, với những HTLS dùng vốn NSNN, quy trình sử dụng vốn rất chặt chẽ theo đúng quy định Luật Đầu tư công, Luật NSNN. Tức là vốn phải được xây dựng dự toán và phê duyệt, còn quá trình triển khai phải được quyết toán. Nên khi vay khách hàng phải cam kết trong hồ sơ vay vốn là mục đích sử dụng vốn vào dự án, lĩnh vực gì... DN phải minh bạch trong thông tin tài chính và phải chịu trách nhiệm với những thông tin mà DN cung cấp với ngân hàng.

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc NHNN tỉnh chia sẻ, hiện nay, các ngân hàng đang cạnh tranh rất lớn nên việc tìm kiếm khách hàng rất quan trọng và hiệu quả chương trình hỗ trợ chính là thước đo uy tín của NHTM. Ngân hàng nào hỗ trợ nhiều DN, số liệu công bố với NHNN cao sẽ chứng tỏ được uy tín cũng như khả năng đồng hành cùng DN. Tuy nhiên, DN cũng phải đồng hành cùng ngân hàng, tốt nhất nên lựa chọn một ngân hàng “đinh” trong suốt quá trình hoạt động, công khai dòng tiền và minh bạch trong các thông tin tài chính. Chỉ khi ngân hàng và DN cùng nhìn về một hướng mới đảm bảo chính sách triển khai hiệu quả.

Cùng với triển khai chính sách HTLS 2% theo NĐ 31, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang đề xuất UBND tỉnh giao NHNN Thừa Thiên Huế chủ trì xây dựng, tham mưu ban hành chính sách HTLS tại tỉnh.

Sở KH&ĐT cũng đang nghiên cứu chuyên đề “khơi thông nguồn vốn lãi suất thấp cho các DN” để sớm áp dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở KH&ĐT đang kết nối các DN có nhu cầu vay vốn với các ngân hàng, hình thức kết nối theo quy mô nhỏ từ 5-7 DN, được tổ chức định kỳ 1 lần/tuần. Và mong muốn các NHTM đồng hành cùng Sở KH&ĐT trong việc kết nối, hỗ trợ các DN có nhu cầu vay vốn, xem đây là kênh tương tác tốt cho cả DN và NHTM trong triển khai và tiếp cận nguồn vốn phục hồi SXKD.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Khai trương Autobank CDM đầu tiên tại TX Hương Thủy
Khai trương Autobank CDM đầu tiên tại TX. Hương Thủy

Sáng 24/2, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hương Thủy khai trương máy rút, gửi tiền mặt miễn phí tự động đa chức năng thế hệ mới (Autobank CDM) tại phòng giao dịch Thủy Dương (P. Thủy Dương). Đây là địa phương đầu tiên của TX. Hương Thủy lắp đặt hệ thống này.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.