Thứ Hai, 14/03/2016 06:15

HueWACO: Ứng dụng năng lượng sạch vào sản xuất

Là đơn vị đi đầu trong thực hiện chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đã có nhiều sáng kiến trong việc ứng dụng năng lượng xanh, sạch vào quá trình sản xuất nước.

Đưa nước sạch về vùng khóHueWACO mở rộng ứng dụng thương mại điện tử

Thử nghiệm hệ thống sản xuất rau sạch theo công nghệ thủy canh tại Nhà máy nước Quảng Tế 1, các loại rau cải, salad…được trồng theo quy trình khép kín trong nhà kính, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài. Hệ thống lấy sáng và tưới nước được tự động hóa. Rau sau khi được thu hoạch được kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng, quy trình sản suất theo tiêu chuẩn VietGAP và tiến hành sục ozone khử khuẩn, đóng gói trước khi đến tay người tiêu dùng.

Máy điện phân javen sử dụng năng lượng mặt trời tại Nhà máy nước Quảng Tế 2

Ông Dương Xuân Quý, Phó Giám đốc Xí nghiệp Nước tinh khiết Bạch Mã, phụ trách hệ thống vườn rau thủy canh thông tin, ưu điểm của phương pháp thủy canh là trồng cây không cần đất, chỉ sử dụng giá thể, cung cấp dinh dưỡng dưới dạng hoà tan trong nước. Đặc biệt, sản xuất thủy canh tiết kiệm được diện tích  hơn thổ canh, cây phát triển nhanh hơn 25-50%, ít dịch bệnh, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần bắt bằng tay, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty đã đầu tư nhà dàn rộng 1.500m2, với các khu gieo hạt, ươm mầm, trồng cây trưởng thành… theo công nghệ hiện đại; nguồn nhân lực được tiếp cận các mô hình tiến tiến trong nước và nước ngoài.

“Hiện nay sản lượng ước tính mỗi vụ trên 1 tấn sản phẩm và đang cung cấp nội bộ. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng sản xuất, cung cấp cho các đơn vị cần nguồn thực phẩm sạch như bệnh viện, trường học…”- ông Xuân Quý cho biết.

Mô hình vườn rau thủy canh đang được thử nghiệm tại Nhà máy nước Quảng Tế 1

Ông Nguyễn Ái Thọ, Phó Chủ tịch Công đoàn HueWACO cho hay, thực hiện kế hoạch chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh trong các cấp công đoàn. Trên cơ sở đó, HueWACO đã ra nghị quyết về thực hiện kế hoạch trên với các công trình cụ thể như: chương trình sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất, vận hành hệ thống cấp nước của công ty; hệ thống nước tự chảy để sản xuất điện phục vụ sản xuất; sản xuất rau thủy canh.

Điển hình là chương trình sử dụng điện năng lượng mặt trời điện phân javen chuyển đổi sử dụng hóa chất Clo trong sản xuất nước được áp dụng tại nhiều nhà máy, xí nghiệp cấp nước trên địa bàn tỉnh. Theo ông Châu Ngọc Long, Trưởng phòng Kỹ thuật - Chất lượng nước HueWACO, công ty đã đầu tư các thiết bị xử lý nước hướng đến an toàn trong sản xuất, thân thiện môi trường, cấp nước “an toàn và ngon”. Nguồn năng lượng mặt trời đã được sử dụng vào vận hành các máy điện phân Javen thay thế cho Clo lỏng tiềm ẩn nguy cơ trong vận hành, và môi trường khi xảy ra sự cố.

Tại Nhà máy nước Lộc Trì, HueWACO hoàn toàn sử dụng nguồn năng lượng xanh trong sản xuất nước sạch. Tại đây, nước thô từ đập Khe Su (cách nhà máy khoảng 2 km, độ chênh cao trên 50m) theo đường ống dẫn tự động chảy vào bể trộn của nhà máy. Trước khi vào bể trộn, đường ống chia ra 2 đường: chảy trực tiếp vào bể trộn hoặc chảy vào bể trộn qua tuabin thủy điện công suất 4kW. Nguồn nước chảy qua tuabin sẽ tạo ra điện cung cấp đến hệ thống tủ điện. Tủ điện được lắp đặt các mạch điều áp để điều chỉnh điện áp luôn ở mức ổn định cung cấp cho hoạt động sản xuất nước của nhà máy. Điện năng sản xuất trong quá trình này sẽ được sử dụng cung cấp điện cho các thiết bị sản xuất nước, các thiết bị súc lọc, cào bùn; thiết bị sản xuất hóa chất.

Sử dụng nguồn năng lượng xanh giúp giảm chi phí, góp phần giảm giá thành nước. Nguồn năng lượng xanh còn được tận dụng để sản xuất hóa chất phục vụ công tác sản xuất nước. Việc ứng dụng công nghệ năng lượng xanh trong sản xuất nước cũng góp phần giảm lượng khí thải ra môi trường. Tại nhà máy Lộc Trì, mỗi năm giảm khoảng 13 tấn khí CO2, góp phần vào công tác bảo vệ môi trường-ông Châu Ngọc Long thông tin.

Theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị làm lợi của các công trình thuộc chương trình tăng trưởng xanh tại HueWACO lên đến hơn 19,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tiết kiệm điện trong nhờ giảm suất tiêu hao trong 5 năm là hơn 9 tỷ đồng, các giá trị làm lợi khác như: thu hồi năng lượng xanh trên mạng lưới cấp nước, hệ thống điện mặt trời hòa lưới… hơn 10 tỷ đồng.

Minh Nguyên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Ba cây chụm lại
Ba cây chụm lại

Việc thành lập các mô hình liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên phụ nữ tại nhiều địa phương bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.

Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới
Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu mới

Hàng ngàn máy cày, máy thu hoạch lúa gặt đập liên hợp hiện đại được các hợp tác xã, người dân mua sắm, ứng dụng vào sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng trước yêu cầu trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp hiện nay.