Thứ Năm, 09/07/2020 09:03

Hướng dẫn thanh toán, chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 30/12/2022 đã ban hành Thông tư số 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân.

Thanh toán qua mã QR “lên ngôi”Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tăng 69,7% về số lượngHiện thực hóa mục tiêu kho bạc số

Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Theo nhiều ý kiến, trước đây, các quy định liên quan đến hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài nằm rải rác ở nhiều văn bản, khiến cá nhân, tổ chức gặp khó khăn khi áp dụng, tra cứu, dẫn chiếu. Trong bối cảnh đó, việc Thông tư được ban hành, đã giúp không những giải quyết được các khó khăn nêu trên, mà còn góp phần bảo đảm tuân thủ nguyên tắc về tự do hóa các giao dịch vãng lai theo cam kết quốc tế với IMF và được quy định tại Pháp lệnh ngoại hối 2005, sửa đổi bổ sung năm 2013 và Nghị định 70/2014/NĐ-CP.

Nhiều điểm mới nổi bật

Thông tư số 20/2022 đã hướng dẫn các ngân hàng trong một số giao dịch vãng lai khác để thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài. Với các nội dung quy định rõ tại Thông tư, các cá nhân, tổ chức đã có thể dễ dàng hơn khi áp dụng, tra cứu, dẫn chiếu.

Cụ thể, Thông tư đã bổ sung một số trường hợp được thực hiện hoạt động chuyển tiền một chiều ra nước ngoài cho mục đích tài trợ, viện trợ của người cư trú là tổ chức. Theo đó, về các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều của tổ chức, Thông tư nêu rõ: thứ nhất là các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức: Mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ; Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ; Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.

Thứ hai là các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác: Trả thưởng cho người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia các chương trình, cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam theo các quy định của pháp luật có liên quan. Nguồn tiền trả thưởng từ người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc người cư trú là tổ chức; Chuyển tiền một chiều ra nước ngoài cho các mục đích dưới đây từ nguồn tài trợ tiếp nhận của người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài (phân bổ tiền tài trợ cho các thành viên ở nước ngoài tham gia thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và nước ngoài; hoàn trả tiền tài trợ thực hiện các dự án ở Việt Nam theo các cam kết, thỏa thuận với bên nước ngoài).

Ngoài ra, Thông tư cũng đã có những quy định cụ thể hướng dẫn cá nhân mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích chuyển tiền một chiều; Bổ sung quy định về mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài tại Điều 8 và Điều 13 Thông tư. Đặc biệt là bổ sung trường hợp mua bán hàng hóa của Sở giao dịch ở nước ngoài thông qua các Sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có liên thông vào hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác (Điều 14).

Bên cạnh đó, Thông tư số 20/2022 cũng đã quy định cụ thể hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân quy định tại Điểm g Khoản 6 Pháp lệnh Ngoại hối; Bổ sung trách nhiệm của ngân hàng (được phép), tổ chức và cá nhân trong việc xây dựng quy trình, thủ tục, xuất trình, kiểm tra và lưu giữ giấy tờ và chứng từ đúng mục đích và phù hợp với quy định pháp luật. Ngân hàng có quyền từ chối hoặc không thực hiện các giao dịch bán, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài nếu tổ chức, cá nhân cung cấp không đầy đủ và/hoặc không chính xác thông tin.

Đáng lưu ý, Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2023, bãi bỏ Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29/8/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép; Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, khoản tại một số văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Điểm b Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 02/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021; Điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011; Điểm i Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 16/2014/TT-NHNN…

Hoàn thiện, thống nhất các quy định

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực tế, hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài (như mua, bán ngoại tệ của tổ chức, cá nhân để thanh toán, chuyển tiền cho các mục đích được phép mang ngoại tệ, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất nhập cảnh; mua bán ngoại tệ của tổ chức tín dụng; hoạt động chuyển khẩu...) đã được quy định, tuy nhiên nằm rải rác ở nhiều văn bản dẫn đến các ngân hàng khó tra cứu trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, phát sinh nhu cầu của các ngân hàng về việc hướng dẫn cụ thể đối với một số giao dịch vãng lai khác để thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài. Do đó, để tập trung các quy định đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Thông tư này nhằm tích hợp, thống nhất các quy định vào một văn bản hợp nhất, tổng hợp, hoàn thiện quy định pháp luật phù hợp với thực tế phát sinh trong thời gian qua.

Đơn cử, từ thực tiễn phát sinh, Thông tư đã bổ sung quy định các trường hợp chuyển tiền viện trợ và chuyển tiền tài trợ ra nước ngoài, trong đó có quy định về nguồn tiền sử dụng để viện trợ hoặc tài trợ. Hay đối với các mục đích chuyển tiền một chiều khác của tổ chức, căn cứ vào thực tế, Thông tư cũng quy định các trường hợp như: Phân bổ tiền tài trợ cho các thành viên nước ngoài tham gia dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; hoàn trả tiền tài trợ thực hiện các dự án ở Việt Nam theo các cam kết, thỏa thuận với bên nước ngoài; trả thưởng cho người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia các chương trình, cuộc thi tại Việt Nam,...

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, từ trước đến nay, hoạt động thanh toán, chuyển tiền của các ngân hàng đã tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài cho các mục đích hợp pháp. Tuy nhiên, do các quy định đó nằm rải rác ở nhiều văn bản, thậm chí thực tiễn nảy sinh nhiều trường hợp mới chưa từng được quy định cụ thể tại văn bản nào, dẫn đến các ngân hàng khó tra cứu trong quá trình thực hiện. Đơn cử, Thông tư số 20/2022 của Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung trường hợp mua bán hàng hóa của Sở giao dịch ở nước ngoài thông qua các Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có liên thông vào hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác (Điều 14). Đồng thời, Thông tư cũng đã bổ sung trách nhiệm của các nhân, tổ chức có liên quan trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài để mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch Hàng hóa. Theo đó, người cư trú là tổ chức, cá nhân khi thực hiện thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài để mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Thông tư này, quy định về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài thông qua các Sở giao dịch Hàng hóa tại Việt Nam có liên thông với Sở giao dịch Hàng hóa ở nước ngoài và quy định có liên quan.

Quy định này đã làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch Hàng hóa nước ngoài, thống nhất với pháp luật thương mại và các Nghị định 158/2006/NĐ-CP, Nghị định 51/2018/NĐ-CP quy định hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa.

Ngoài ra, cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Thông tư mới này đã quy định về trách nhiệm của ngân hàng được phép trong việc thu thập các thông tin cần thiết về tổ chức, cá nhân chuyển tiền và tổ chức, cá nhân thụ hưởng ở nước ngoài;  Ngân hàng được phép có quyền từ chối hoặc không thực hiện các giao dịch bán, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài nếu tổ chức, cá nhân cung cấp không đầy đủ và/hoặc không chính xác thông tin… Điều này cho thấy việc bảo đảm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến chuyển tiền quốc tế ra vào Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực quốc tế đối với cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam. Các quy định được xây dựng tại Thông tư cũng bảo đảm tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển tiền của các ngân hàng, tổ chức và cá nhân, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; không gây xáo trộn cho thị trường. Đồng thời, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của tổ chức, cá nhân.

Theo Báo Tin tức

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai trương Autobank CDM đầu tiên tại TX Hương Thủy
Khai trương Autobank CDM đầu tiên tại TX. Hương Thủy

Sáng 24/2, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hương Thủy khai trương máy rút, gửi tiền mặt miễn phí tự động đa chức năng thế hệ mới (Autobank CDM) tại phòng giao dịch Thủy Dương (P. Thủy Dương). Đây là địa phương đầu tiên của TX. Hương Thủy lắp đặt hệ thống này.